7 loại thảo dược từ cỏ dại

Thảo bản bông vàng

Từ xa xưa, ở Tây phương, cây thảo bản bông vàng đã được sử dụng với nhiều cách khác nhau: cành hoa có thể dùng để chế tạo đuốc hoặc nến khi nhúng với mỡ, trong khi lá có thể dùng để rải sàn.

Cây thảo bản ngày nay vẫn có tác dụng hữu hiệu đối với các bệnh đường hô hấp. Được chế biến giống như trà, chất saponin và nước ép nhuyễn của thảo bản bông vàng đôi khi có thể giúp giảm ho và đau họng. Trà thảo bản bông vàng có vị ngọt nhẹ sẽ giúp xoa dịu cổ họng.

Bạn có thể tìm thấy cây này ở vùng đất trống, khô nóng bên cạnh đường cao tốc hay chân đê. 

 

Cây mã đề 

Cây mã đề có thể được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới và rất sẵn có ở Việt Nam, trong vườn, ngoài ruộng hoặc ven đê, bãi cỏ.

Từ rất lâu, cây Mã đề được dùng để chữa rất nhiều bệnh, từ kiết lỵ cho đến đau răng. Tác dụng tốt nhất của mã đề là giảm sưng, lợi tiểu. Bài thuốc dân gian râu ngô - bông mã đề được dùng phổ biến ở Việt Nam khi bị đái rắt, đái buốt, hỗ trợ hữu hiệu trong viêm nhiễm đường tiết niệu và bệnh phụ khoa. Cây mã đề đã được sử dụng từ hàng thế kỷ nay ở châu Âu, chủ yếu với vai trò chất chống viêm thay thế cho kem cortisone để chữa vết ong hoặc nhện cắn. Nghiền lá thành một hỗn hợp mềm, ẩm theo kiểu thuốc đắp, hoặc đun qua thành hỗn hợp sánh với sáp ong hoặc dầu dừa để tiện mang theo khi di chuyển.

Hãy tìm những cây có lá dài hình oval tại các khe nứt giữa những viên gạch lát đường, nơi đất ấm. Các lá có gân song song, tỏa ra từ cuống dẹt. Vào giữa mùa hè, bạn có thể thấy bông mã đề mọc lên thành cụm mờ đục mọc lên từ trung tâm bụi lá.

 

Cây tầm ma gốc lạ

Đây là một loại cây thuộc họ tầm ma. Theo ước tính, một ly cây tầm ma gốc lạ nấu chín có chứa gần một nửa lượng canxi cần thiết hàng ngày của một người, và nhiều hơn 1/3 lượng vitamin A cần thiết, cũng như 2,4 g protein. Giá trị dinh dưỡng  của cây này dường như cao hơn cải búp hoặc rau chân vịt.

Để chế biến, bạn loại bỏ lông của cây bằng cách luộc với hai lần thay nước, mỗi lần luộc một phút. Thành phẩm cuối cùng có vị ngậy và rất thích hợp khi ăn với cá béo chẳng hạn cá hồi.

Bạn có thể tìm cây này ở vùng đất râm và ẩm ướt. Cây này có thể cao đến gần 1m, thân cây hình vuông có nhiều lông. Hãy thận trọng khi thu hoạch cây này, nhưng đừng lo lắng, nếu bạn bị côn trùng cắn thì dùng hỗn hợp lá mã đề đắp lên.

 

Cây bồ công anh

Rất dễ để nhận ra hoa vàng đặc trưng của cây bồ công anh nổi bật trên nền cỏ và dọc đường đê. Lá có thể ăn sống với sa lát, nhưng tốt nhất bạn nên uống như một loại trà để thưởng thức hết hương vị và có được hiệu quả cho sức khỏe cao nhất. Để bớt vị đắng của lá cây bồ công anh, đầu  tiên phơi khô ba hoặc bốn lá ở bệ cửa sổ nơi nhiều nắng chiếu vào, sau đó bỏ vào một ly đã rót sẵn nước sôi, bạn sẽ có một ly trà tuyệt diệu.

Giàu vitamin K và beta-carotene, cây bồ công anh cũng được dùng để thanh lọc gan và máu. Bạn cũng nên lưu ý rằng, bồ công anh có tính lợi tiểu nhẹ.  

 

Ngưu bàng

Củ của cây này có thể  lột vỏ, rang lên và xay để cho ra bột pha giống cà phê nhưng không chứa caffein. Củ của cây này từng được sử dụng để chữa các nhiễm trùng tại chỗ do nấm. Gần đây, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trà ngưu bàng có chứa inulin—một hợp chất cải thiện tiêu hóa, theo trung tâm y tế của Đại học Maryland.

Sử dụng ngưu bàng cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần ngâm một vài lát mỏng củ ngưu bàng trong nước sôi trong 5 phút.  Hỗn hợp trà ngâm đó sẽ có hương vị không mạnh mẽ như “cà phê” bột ngưu bàng. Nếu vị đắng nhẹ không vừa khẩu vị của bạn, bạn có thể thêm một ít lá bạc hà vào. Lưu ý là trà ngưu bàng không khuyến khích với người mang thai.

Tìm cây này ở vùng ruộng hoang hoặc những góc đất khô cằn trong vườn. Cây trưởng thành có thể phát triển rất cao, hạt cây có thể dính vào áo và tóc khi bạn thu hoạch.  

 

Hạ khô thảo

Cây hạ khô thảo là thành viên trong họ bạc hà, thường cao tầm vài chục cm, với hoa tím và thân trơn hình vuông. 

Để tận dụng lợi ích tối đa của cây này, thu hoạch lá, hoa và thân, sau đó phơi khô ở nơi có nắng ấm. Cây này có lượng chất chống oxy hóa gần như cao nhất trong số các cây thảo dược. Một hoặc hai thìa cây này pha thành trà khi dùng hàng tuần có thể phục hồi tế bào và giảm phản ứng viêm.

 

Cỏ thi

Cỏ thi rất dễ tìm thấy vào đầu hè với chùm hoa trắng ngả hồng hình cái ô. Cây cỏ thi mọc ở ruộng cũ, bên vệ đường và hầu như các loại đất vườn khác nhau. Cây dại có thể mọc ở đất không màu mỡ do có khả năng chịu hạn hán và các vùng đất trũng sỏi đá.

Trong thế chiến 1, quân đội đã dùng nó để làm dịu vùng da bầm tím. Theo Học viện dược thảo của Anh quốc, tính chất chống viêm và tính chất chống khuẩn của cỏ thi có thể kết hợp khiến nó trở thành thảo dược chữa lành vết thương tiềm năng.

Cỏ thi thường được sử dụng để ngâm trong bồn tắm hoặc ngâm các

vùng tay, chân bị bầm tím trong chậu ngâm. Hãy lấy một hoặc hai nắm cỏ mềm, để cỏ khô trong vòng một tuần và nhồi vào một túi vải mỏng hoặc túi giấy dùng để ngâm trà, sau đó ngâm vào chậu nước nóng hoặc bồn nước nóng. Để nước nguội vừa phải, ngâm bộ phận bị bầm tím trong đó, bạn sẽ thấy hiệu quả bất ngờ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top
Close menu