✴️ Tổng quan về huyết khối tĩnh mạch sâu

Nội dung

Huyết khối tĩnh mạch sâu là gì?

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là tình trạng cục máu đông lấp một phần hoặc hoàn toàn một tĩnh mạch lớn (thường ở cẳng chân hoặc đùi, hoặc ở tĩnh mạch cửa) đôi khi có thể xảy ra ở các bộ phận khác của cơ thể. DVT ngăn máu từ tĩnh mạch quay trở lại tim. Hậu quả là tuần hoàn bị ứ trệ, dẫn đến đau và sưng.

Nếu cục máu đông vỡ ra, nó có thể đi qua tim và phổi, gây tắc nghẽn dòng máu ở đó. Một cục máu đông di chuyển đến phổi gọi là thuyên tắc phổi (PE). DVT thường rất nghiêm trọng và có thể gây tử vong.

Theo nhiều nghiên cứu gần đây, cục máu đông ở đùi có nhiều khả năng bị vỡ ra và gây ra thuyên tắc phổi (PE) hơn là cục máu đông ở cẳng chân. Điều quan trọng cần lưu ý là DVT (huyết khối tĩnh mạch sâu) khác với cục máu đông (còn được gọi là huyết khối tĩnh mạch nông) hình thành trong các tĩnh mạch ngay dưới da. Huyết khối tĩnh mạch nông không thường di chuyển đến phổi và có thể được điều trị bằng NSAID, nghỉ ngơi tại giường và chườm ấm. DVT cũng khác với các cục máu đông xảy ra trong động mạch có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim tim hoặc đột quỵ.

Triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu

Các triệu chứng phổ biến của DVT là đau ở vùng bị ảnh hưởng, sưng đỏ hoặc thay đổi màu sắc da. Nếu DVT vỡ ra và gây PE (thuyên tắc phổi), có thể gây đau ngực, nhịp tim nhanh và khó thở. Nôn, ho ra máu và ngất cũng là dấu hiệu của PE.

Nguyên nhân

Một trong những nguyên nhân lớn nhất của DVT (huyết khối tĩnh mạch sâu) là bất động và ngồi trong thời gian dài. Cho dù bạn đang hồi phục sau phẫu thuật hoặc ngồi trên một chuyến bay dài, việc không hoạt động sẽ làm chậm lưu thông máu, có thể ngăn tiểu cầu và huyết tương trong máu lưu thông đúng cách.

Một chấn thương lớn hoặc phẫu thuật ở chân cũng có thể gây ra DVT. Người lớn trên 60 tuổi có nguy cơ mắc DVT cao nhất, ngoài ra phụ nữ đang mang thai, dùng thuốc tránh thai hoặc điều trị hormone thay thế cũng có nguy cơ bị huyết khối. Điều này là do nồng độ estrogen tăng lên, có thể khiến tăng nguy cơ đông máu.

     huyết khối tĩnh mạch sâu

Chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu

DVT cần được chẩn đoán ngay trước khi nó gây ra thuyên tắc phổi. Khi thuyên tắc phổi xảy ra gây nghẽn động mạch trong phổi, lưu lượng máu bị giảm hoặc ngừng hoàn toàn, có thể gây ra đột tử. Bác sĩ lâm sàng có thể sẽ đề nghị thực hiện siêu âm đàn hồi, nhưng các kỹ thuật khác  như chụp tĩnh mạch, chụp cắt lớp vi tính (CT-scans) hoặc xét nghiệm D-dimer, cũng có thể được áp dụng để chẩn đoán DVT. Thông qua siêu âm đàn hồi, bác sĩ có thể nhìn thấy cục máu đông và sự tắc nghẽn của máu trong tĩnh mạch.

Điều trị

Nếu bác sĩ xác định chẩn đoán DVT (huyết khối tĩnh mạch sâu), lựa chọn điều trị đầu tiên thường là thuốc kháng đông. Thuốc kháng đông có tác dụng ngăn chặn sự đông máu thêm trong tĩnh mạch và giảm khả năng gây ra PE (thuyên tắc phổi). Bác sĩ có thể kê toa một dẫn xuất của heparin, được dùng bằng đường tiêm. Những loại thuốc này cho tác dụng kháng đông ngay lập tức.

Sau quá trình điều trị ngắn hạn, bác sĩ có thể cho dùng thêm một loại thuốc kháng đông khác.

Điều trị chống đông máu thường tiếp tục trong ba tháng, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể là vô thời hạn, đặc biệt là đã xảy ra PE (thuyên tắc phổi).

Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu

Điều quan trọng đối với những người có nguy cơ mắc DVT (huyết khối tĩnh mạch sâu), hoặc những người đã bị là duy trì lối sống lành mạnh. Bỏ hút thuốc, đạt được cân nặng khỏe mạnh và tuân thủ thói quen tập thể dục đều đặn là các cách phòng ngừa hữu ích.

Tránh ngồi trong thời gian dài và di chuyển liên tục. Vớ y khoa đặc biệt hữu ích trên các chuyến bay dài vì chúng hỗ trợ lưu thông và giúp các tĩnh mạch chân hồi lưu máu nghèo oxy về tim.

Nếu đang sử dụng biện pháp tránh thai hoặc liệu pháp hormone thay thế, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc thay đổi kế hoạch điều trị để ngăn ngừa huyết khối có thể xảy ra. Những người bị tăng huyết áp, bệnh tim hoặc suy tim cũng có nguy cơ mắc DVT cao, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc xây dựng một kế hoạch điều trị làm giảm nguy cơ của bạn và ngăn ngừa huyết khối.

     mang vớ tăng áp lực giúp giảm nguy cơ hình thành DVT

Lời kết

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị ngay lập tức. Thông thường phải mất ba đến sáu tháng để cục máu đông hoàn toàn được giải quyết, nhưng với việc điều trị đúng cách có thể ngăn cục máu đông tăng kích thước và vỡ ra gây biến chứng.

Nếu có các triệu chứng của PE (thuyên tắc phổi), hãy nhập viện ngay lập tức. Việc nắm bắt các triệu chứng của PE có thể cứu sống chính bản thân hoặc người thân.

Xem thêm: Các yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch chi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top