✴️ Vi khuẩn Hp gây ra bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Helicobacter pylori (Hp) là một loại vi khuẩn sống chủ yếu ở trong dạ dày người. Hiện nay tỷ lệ người Việt Nam dương tính với vi khuẩn Hp rất cao, khoảng 70-80%. Vậy vi khuẩn Hp gây ra bệnh gì?

 

1. Vi khuẩn Hp gây ra bệnh gì?

Vi khuẩn Hp Helicobacter pylori) là một loại vi khuẩn dạng trực khuẩn Gram âm, có kích thước siêu vi khoảng 1-5µm. Vi khuẩn Hp thường khu trú trong lớp hang vị, thân vị dạ dày. Để tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt – dịch vị dạ dày, vi khuẩn này tiết ra Enzym Urease để trung hòa nồng độ acid trong dạ dày.

Theo thống kê, có tới trên 70% dân số Việt Nam Test Hp dương tính . Tuy nhiên, có tới trên 80% người nhiễm vi khuẩn Hp không có triệu chứng cũng như biến chứng. Trên thực tế, các nhà khoa học nhận thấy, trong một số trường hợp, sự có mặt của vi khuẩn Hp giống như một loại vi khuẩn cộng sinh, đôi khi có một số lợi ích nhất định.

Theo kết quả nghiên cứu có tới hơn 200 loại vi khuẩn Hp khác nhau. Chỉ một số loại mang gen CagA có độc lực cao mới có khả năng gây bệnh. Vậy vi khuẩn Hp gây ra bệnh gì?

Vi khuẩn Hp gây ra bệnh gì?

Vi khuẩn Hp gây ra bệnh gì?

1.1. Vi khuẩn Hp gây ra bệnh gì? Viêm cấp – mãn tính niêm mạc dạ dày

Phần lớn người bệnh khi mới nhiễm khuẩn Hp không có triệu chứng. Chỉ có một số ít trường hợp người bệnh trong giai đoạn nhiễm cấp tính có biểu hiện lâm sàng như: chán ăn, đầy bụng, buồn nôn. Trên hình ảnh nội soi cho thấy có thể viêm một phần hoặc toàn bộ niêm mạc dạ dày.

Tình trạng cấp tính có triệu chứng hoặc không có triệu chứng kéo dài sẽ gây viêm niêm mạc mãn tính. Người bệnh bị viêm mãn tính có thể xảy ra 2 tình huống sau:

– Viêm teo tại vùng hang vị dạ dày. Khi này, lượng bài tiết acid tại dạ dày bình thường hoặc cao hơn dẫn tới nguy cơ loét hành tá tràng

– Viêm teo từ hang vị lan lên thận vị dạ dày. Trong trường hợp nặng có thể viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày. Khi này, lượng bài tiết acid dạ đay giảm gây loét dạ dày và ung thư dạ dày.

Tuy nhiên, viêm mạn tính niêm mạc dạ dày không chỉ do vi khuẩn Hp gây ra mà còn do nhiều nguyên nhân khác như viêm niêm mạc dạ dày tự miễn,…

1.2. Vi khuẩn Hp gây ra bệnh gì? Loét dạ dày, tá tràng

Loét dạ dày – tá tràng là tình tổn thương dẫn đến viêm sưng và hình thành những vết loét trong niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Vi khuẩn Hp là một trong những tác nhân chính gây nên bệnh lý này.

Sau khi xâm nhập, vi khuẩn Hp sẽ sinh sống và phát triển tại lớp nhầy niêm mạc dạ dày. Chúng tiết ra các độc tố làm mất chức năng chống lại acid của niêm mạc. Lâu ngày sẽ dẫn đến hiện tượng viêm và loét dạ dày, tá tràng.

– Loét dạ dày thường gặp ở người ngoài 40 tuổi. Vị trí ổ loét hay gặp ở phía bờ cong nhỏ, đặc biệt là vùng tiếp nối giữa hang vị và thân vị.

– Loét tá tràng thường gặp ở người  trong độ tuổi từ 20-50 tuổi. Vị trí ổ loét chủ yếu tại phần đầu tá tràng (hành tá tràng).

Loét dạ dày – tá tràng gây biến chứng chảy máu và có thể tái phát nhiều lần. Nếu tình trạng loét kéo dài có thể gây thủng dạ dày, tá tràng và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

1.3. Vi khuẩn Hp gây ra bệnh gì? Ung thư dạ dày

Theo thống kê, có khoảng 1% tỷ lệ người Test Hp dương tính tiến triển thành ung thư dạ dày. Nhiễm khuẩn Hp gây viêm mãn tính tại niêm mạc dạ dày. Người bệnh bị viêm mãn tính kéo dài hình thành lên các tổ chức viêm xơ hay còn gọi là viêm teo. Niêm mạc bình thường được thay thế bằng biểu mô niêm mạc ruột hay còn được gọi là dị sản ruột. Chính tình trạng viêm teo mãn tính nặng và dị sản ruột dẫn tới ung thư dạ dày.

Tuy nhiên, việc điều trị vi khuẩn Hp chỉ làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày nhưng không làm mất hoàn toàn nguy cơ gây ung thư. Vì vậy, người bệnh nhiễm Hp có viêm teo hoặc dị sản ruột cần soi dạ dày theo dõi định kỳ để tầm soát ung thư.

Vi khuẩn Hp là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư dạ dày

Vi khuẩn Hp là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư dạ dày

1.4. Một số bệnh lý khác

U lympho B lớp niêm mạc dạ dày: nhiễm khuẩn Hp có thể gây ra ung thư lympho bào B tại biểu mô niêm mạc dạ dày. Khoảng 60-80% các trường hợp ung thư loại này sẽ thoái triển và khỏi hoàn toàn sau diệt H.P.

Chứng khó tiêu chức năng: đây là bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra với các triệu biểu hiện: đau vùng thượng vị, ăn nhanh no, đầy trướng vùng thượng vị,… Trong một số người bệnh bị chứng khó tiêu chức năng có nhiễm khuẩn Hp, các triệu chứng có thể giảm sau khi diệt Hp. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm triệu chứng này không cao, chỉ khoảng 8% trong tổng số trường hợp bệnh.

Một số bệnh ngoài đường tiêu hóa: nhiễm vi khuẩn H.P cũng làm tăng xuất hiện một bệnh như: đau nửa đầu, bệnh lý mạch vành, giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân…

 

2. Phương pháp phát hiện vi khuẩn Hp trong dạ dày

Để xét nghiệm chẩn đoán chính xác vi khuẩn Hp trong dạ dày, người bệnh không được sử dụng thuốc kháng sinh trong vòng 4 tuần. Ngoài ra, các thuốc ức chế acid cũng cần được ngừng sử dụng ít nhất trước 2 tuần trước khi làm xét nghiệm. Hiện nay, có 4 phương pháp giúp đánh giá chính xác sự tồn tại của vi khuẩn Hp trong dạ dày. Đó là:

2.1 Test hơi thở

Test Hp bằng hơi thở phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay để phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn Hp trong dạ dày. Người bệnh uống một lượng nhỏ dung dịch có đồng vị phóng xạ cacbon (C13 hoặc C14). Sau khoảng 15-30 phút. Sau đó, người bệnh được thở vào một thiết bị thở để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn Hp. Phương pháp cho kết quả chính xác cao lên đến khoảng 90%, thời gian làm test nhanh, không cần thực hiện can thiệp và có thể dễ dàng áp dụng đối với trẻ em. Tuy nhiên, phương pháp này không phản ánh được mức độ tổn thương của dạ dày.

2.2 Xét nghiệm phân

Vi khuẩn trong dạ dày có thể được cơ thể đào thải ra ngoài qua phân. Thông qua phản ứng miễn dịch huỳnh quang để xác định sự hiện diện của vi khuẩn Hp trong mẫu phân. Test Hp qua xét nghiệm phân cho kết quả chính xác cao, chi phí lý thực hiện khá dễ dàng nhưng thời gian đợi kết quả lâu và gây nhiều trở ngại trong vấn đề lấy máu xét nghiệm.

2.3 Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu test Hp được tiến hành bằng cách lấy mẫu huyết thanh của người bệnh để đo kháng thể kháng Hp. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp được ưu tiên thực hiện vì khả năng dương tính giả khá cao. Nguyên nhân do kháng thể Hp trong máu giảm rất chậm. Nên sau khi đã diệt hết vi khuẩn Hp, nồng độ kháng thể vẫn còn tồn tại trong máu vài tháng hoặc vài năm. Mặt khác, vi khuẩn Hp có thể tồn tại ở nhiều khu vực khác mà hoàn toàn không gây bệnh như khoang miệng, xoang, đường ruột,…

2.4 Nội soi tìm vi khuẩn Hp

Đây là phương pháp Test Hp xâm lấn. Một ống nội soi sẽ được đưa từ miệng hoặc mũi qua thực quản và đến dạ dày để quan sát vị trí dạ dày bị viêm loét. Trong quá trình nội soi, mô tế bào tại vị trí tổn thương cũng được lấy ra để phân tích tìm kiếm vi khuẩn Hp. Phương pháp này cho phép chẩn đoán chính xác vị trí viêm nhiễm và đánh giá mức độ tổn thương dạ dày để có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

 

3. Khi nào Vi khuẩn Hp phải điều trị?

Mặc dù có khoảng trên 70% dân số nhiễm vi khuẩn Hp, nhưng chỉ có từ 10-20% trường hợp bệnh có khả năng bị loét dạ dày – tá tràng và 1% nguy cơ ung thư dạ dày. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, những trường hợp nhiễm Hp dưới đây cần phải điều trị:

– Người bị loét dạ dày, loét hành tá tràng hoặc có tiền sử viêm loét dạ dày – tá tràng.

– Người mắc chứng khó tiêu: ăn nhanh no, đầy bụng sau ăn, nóng rát vùng thượng vị, đau vùng thượng vị,…

– Người bị thiếu máu, thiếu sắt.

– Người bị xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân.

– Người bị ung thư dạ dày muộn đã phẫu thuật.

– Người bị ung thư dạ dày sớm được cắt hớt hoặc cắt tắc niêm mạc qua nội soi.

– Người có khối u dạ dày: polyp tăng sản, adenoma hoặc đã cắt hớt niêm mạc…

– Người bị viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày.

– Người làm việc trong môi trường có nguy cơ ung thư dạ dày: khai thác quặng, than,…

– Người có bố, mẹ hoặc anh chị em ruột bị ung thư dạ dày. Người quá lo lắng về nhiễm khuẩn Hp thì có thể cân nhắc diệt vi khuẩn Hp.

Mặc dù vi khuẩn Hp là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày, tá tràng và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải tất cả người Test Hp dương tính đều bị bệnh. Vì vậy, cần điều trị diệt Hp theo đúng chỉ định để tránh gây lãng phí và tránh xảy ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh chéo.

Không phải tất cả trường hợp nhiễm vi khuẩn Hp đều phải điều trị

Không phải tất cả trường hợp nhiễm vi khuẩn Hp đều phải điều trị

 

4. Điều trị vi khuẩn Hp

Việc chẩn đoán và điều trị càng sớm giúp nâng cao khả năng chữa khỏi và rút ngắn thời gian chữa bệnh. Thông thường, vi khuẩn Hp được điều trị bằng cách kết hợp 2 loại kháng sinh cùng lúc để tối ưu hóa kết quả cuối cùng. Một loại thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và loại thuốc còn lại để ức chế tiết acid giúp niêm mạc dạ dày có thời gian lành lại.

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ kháng thuốc của vi khuẩn Hp ngày càng cao, nên người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc, thay đổi liều dùng hoặc tự ý mua thuốc về sử dụng. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống nhiều chất xơ, rau củ quả và uống nhiều nước sẽ giúp người bệnh tăng tính kiềm trong dạ dày. Từ đó vi khuẩn Hp sẽ không còn môi trường thuận lợi để phát triển và sẽ bị diệt theo thời gian. Người bệnh cũng cần hạn chế ăn đồ chua, cay, nóng, uống rượu bia, thức khuya hay stress để tránh làm bệnh tình tiến triển nặng hơn.

Hiểu biết được vi khuẩn Hp gây ra bệnh gì sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc theo dõi sức khoẻ, thăm khám và điều trị. Việc điều trị nhiễm khuẩn Hp cần được thực hiện theo phác đồ của bác sĩ chuyên môn. Kết hợp với chế độ ăn và lối sống khoa học, lành mạnh sẽ giúp người bệnh nhanh chóng đẩy lùi được bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top