Thực tế thăm khám tại các bệnh viện nhi cho thấy, nhiều mẹ có con trong độ tuổi từ 2 - 12 tuổi, đặc biệt 2 khoảng tuổi (3 - 5 tuổi) và (8 - 12 tuổi) tần suất đau nhức chân lên đến khoảng từ 25 - 40%, trong đó lượng bé gái gặp nhiều hơn bé trai.
Các câu hỏi thường được phụ huynh đặt ra với bác sĩ là “Bé có bị thiếu chất không? Có cần bổ sung canxi hay kẽm gì cho chắc xương không?”, hoặc “Tôi nghe nói bé đau khớp tăng trưởng, mà đâu phải đứa nào cũng bị, chắc do thiếu chất rồi”. Một số khác cho biết đi khám bác sĩ và nhiều lần bị bảo thiếu vitamin, thiếu canxi, cho uống cả tháng nhưng thi thoảng bé vẫn đau nên sợ bị u xương hoặc các bệnh lý khác…
- Đây là một cơn đau khá lành tính ở trẻ em trong độ tuổi trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi và 8 - 10 tuổi, tuy nhiên không phải trẻ nào cũng sẽ bị, do đó thật may mắn nếu con bạn không bị.
- Đau chân là chủ yếu, nếu có đau vị trí khác như nhức mỏi tay, hoặc đau bụng cũng thường kết hợp đau chân.
- Đau 2 bên, cảm giác đau không rõ ràng vị trí, thường mặt trước đùi, hoặc mặt sau bắp chân, gối mặt sau.
- Cơn đau có thể đến đột ngột, thường vào đêm tối, có thể nghiêm trọng khiến trẻ khóc, thức giấc. Thường giảm hoặc hết vào buổi sáng, một số ít trường hợp có thể than nhức vào ban ngày nhưng không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến những hoạt động bình thường của trẻ: đi đứng, vui chơi, chạy nhảy.
- Thể chất trẻ bình thường, không bị ảnh hưởng.
- Những hoạt động nhiều vào ban ngày sẽ có thể làm tăng cơn đau về đêm.
- Cơn đau thành từng đợt tái phát, giữa các đợt không có triệu chứng. Có thể kéo dài nhiều năm hoặc đến tuổi thành niên.
- Thăm khám lâm sàng dường như bình thường tại các vị trí trẻ than đau
- Có khoảng 1/3 trẻ có thể đau đầu, đau bụng tái phát.
- Trẻ lớn 6 - 12 tuổi có thể mô tả cơn đau như chuột rút, mỏi, tê.
- Trẻ cảm giác dễ chịu với cơn đau khi được massage, hoặc giảm đau dễ dàng bằng Acetaminophen hoặc ibuprofen ( thuốc giảm đau hạ sốt).
Mặc dù tên có liên quan đến sự tăng trưởng nhưng những nghiên cứu vẫn chưa biết được nguyên nhân rõ ràng và có vẻ như cũng chẳng liên quan đến sự tăng trướng sau này của trẻ, cũng chưa đưa ra được bằng chứng của thiếu dưỡng chất canxi hay chất khoáng của xương. Các nghiên cứu cũng không thấy sự liên quan rõ ràng nào đến việc phát triển nguy cơ các bệnh lý xương khớp nào của trẻ sau này. Chính vì thế, các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng khi thấy con không cao nếu con không có dấu hiệu đau khớp tăng trưởng. Bố mẹ cũng không nên tự ý bổ sung các loại vitamin khoáng chất nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.
Một điều cần lưu ý, các dấu hiệu không quá điển hình của đau khớp tăng trưởng cũng sẽ có thể bị lầm với một số bệnh lý nguy hiểm khác của xương và khớp ở trẻ em nên nếu trẻ có một trong những dấu hiệu sau đây, cha mẹ cần cho trẻ đi khám:
- Đau vẫn còn kéo dài nghiêm trọng vào buổi sáng, hoặc đau cố định một bên.
- Sưng đỏ đau, liên quan đến một vùng khớp hoặc một vị trí rõ ràng
- Có liên quan đến chấn thương.
- Trẻ có kèm theo sốt
- Khập khiễng, hoặc giới hạn hoạt động, hoặc ảnh hưởng đến việc đi đứng, vui chơi, chạy nhảy, sinh hoạt của trẻ.
- Phát ban bất thường.
- Ăn uống kém.
- Trẻ mệt mỏi, yêu ớt
- Hoặc bất kỳ khi nào cha mẹ cảm thấy lo lắng.
Khác với suy nghĩ của nhiều gia đình cần bổ sung chất bổ xương khớp, vitamin việc điều trị chủ yếu là những phương pháp giảm triệu chứng đau, an toàn và hiệu quả, giúp trẻ dễ chịu.
1. Giảm đau an toàn bằng các loại thuốc paracetamol, ibuprofen giống liều hạ sốt cho trẻ.
2. Chườm ấm, masage, xoa bóp ấm vùng trẻ đau nhức.
3. Vui vẻ, thoải mái với các môn thể dục, thể thao cường độ vừa phải vào ban ngày.
4. Những bài tập căng giãn cơ đã được chứng minh hiệu quả cho việc ngăn ngừa cơn đau tái phát ở trẻ. Các bài tập đơn giản như trong hình. Mỗi bài tập có thể thực hiện 10 - 20 lần, mỗi lần khuyến khích trẻ giữ tư thế căng giãn cơ trong 10 - 20 giây.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh