Một số thói quen khiến trẻ chậm phát triển chiều cao

Là cha mẹ, bạn nên để ý đến những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ để đảm bảo rằng, những thói quen xấu của trẻ sẽ được chấn chỉnh ngay vì những thói quen xấu thường rất khó bỏ.

Dưới đây là một vài thói quen xấu của trẻ có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao

Ngồi kiểu chữ W

Đây là một trong số những thói quen phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Ngồi kiểu chữ W không bao giờ tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ cả bởi khi trẻ ngồi bằng mông và gập chân theo hình chữ W, các cơ ở chân của trẻ sẽ bị ảnh hưởng, khiến sự phát triển cơ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, nếu trẻ có thói quen này từ rất sớm và lâu ngày, rất có thể sẽ dẫn đến các hậu quả khiến bạn phải đưa trẻ đi chỉnh hình chân. Do vậy, nếu thấy trẻ có thói quen ngồi kiểu chữ W, bạn cần nhắc nhở và hướng dẫn trẻ có tư thế ngồi đúng và thích hợp hơn.

 

Uống nước ngọt có ga

Bạn nghĩ rằng, nếu trẻ uống 1 ngụm nước ngọt có ga sẽ chẳng có vấn đề gì cả? Hay hôm nay là sinh nhật trẻ, nên trẻ có thể uống nửa ly nước ngọt có ga? Nhưng, chỉ từ một vài lần nhân nhượng như vậy của người lớn mà rất nhiều trẻ có thói quen uống nước ngọt có ga. Nước ngọt có ga không chỉ có hại cho trẻ em mà còn có hại cho cả người lớn nữa. Chúng chứa quá nhiều đường và carbon dioxide.

Nếu bạn thấy trẻ đang uống nước ngọt có ga, hãy giải thích để trẻ hiểu rằng trẻ sẽ gặp rất nhiều vấn đề trong tương lai nếu duy trì thói quen này, một trong số đó là tiểu đường và béo phì. Trẻ thừa cân béo phì thường cao lớn hơn so với tuổi nhưng khi đến tuổi dậy thì, chiều cao lại ngừng phát triển và trẻ có xu hướng thấp hơn so với bạn bè.

 

Thói quen ngủ không đúng

Trẻ nhỏ thường muốn ngủ cùng với bố mẹ và sau khoảng 1 tuần, trẻ sẽ “dính” lấy bố mẹ không thể rời ra được. Trẻ nhỏ cần có thời gian biểu đi ngủ riêng. Trẻ không nên được cho đi ngủ theo thời gian ngủ của người lớn. Người lớn có thể sẽ ngủ sau nửa đêm, nhưng trẻ nhỏ thì hoàn toàn không nên như vậy.

Giấc ngủ sâu sẽ khiến cơ thể giải phóng các hormone tăng trưởng và phục hồi cơ thể nhiều gấp 4 lần khi thức. Tuy nhiên, hormon tăng trưởng được sản sinh khi cơ thể đã ngủ sâu, thường là trong khoảng từ 22 giờ đêm cho tới 1 giờ sáng hôm sau. Do vậy, nếu trẻ đi ngủ quá muộn như người lớn sẽ bỏ lỡ quãng thời gian hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và chiều cao của trẻ.

Một điều nên lưu ý là, trẻ cần có thời gian ngủ đủ: trẻ 1-3 tuổi cần ngủ từ 12-14 giờ mỗi ngày, trẻ 3-6 tuổi sẽ cần phải ngủ đủ từ 10-12 giờ mỗi ngày và trẻ 6-12 tuổi cần ngủ 10-11 giờ mỗi ngày. Do vậy, trẻ nên đi ngủ sớm, lúc 20 giờ đến 21 giờ, tùy theo tuổi của trẻ, để có thể thức dậy sảng khoái vào sáng hôm sau. 

Tất cả những thói quen ngủ muộn, ngủ không đủ giấc sẽ khiến trẻ rơi vào tình trạng thiếu ngủ, dẫn đến nhiều hậu quả cho trẻ, đặc biệt là làm chậm quá trình tăng trưởng của cơ thể, hạn chế phát triển chiều cao và không đạt được chiều cao tối ưu khi trưởng thành.

 

Cắn móng tay

Đây lại là một thói quen xấu rất phổ biến và rất khó bỏ ở trẻ nhỏ. Cắn và nhai móng tay có thể sẽ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và nhiều vấn đề về tiêu hóa. Những vấn đề này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ cũng như quá trình tăng trưởng và phát triển chiều cao của trẻ. Thêm nào đó, nếu thói quen này kéo dài khi trẻ trưởng thành, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy trẻ thiếu tự tin và thường xuyên lo lắng.

Hãy dạy trẻ về việc thói quen cắn móng tay sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ như thế nào, cắn móng tay bẩn như thế nào và bàn tay có nhiều vi khuẩn ra sao. Đồng thời, hãy hướng cho trẻ chú ý vào các trò chơi hay công việc khác để dần dần quên đi việc cắn móng tay.

 

Nghịch điện thoại di động

Trẻ còn rất nhỏ nhưng lại có thể sử dụng điện thoại di động của bố mẹ rất thành thục, và bạn nghĩ rằng trẻ rất thông minh? Nhưng để trẻ nghịch điện thoại thực ra lại không phải là một việc làm thông minh đối với các bậc cha mẹ.

Điện thoại di động cùng với các thiết bị điện tử khác sẽ khiến trẻ trở nên lười biếng hơn, chỉ thích ngồi một chỗ, hạn chế vận động và điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chiều cao của trẻ cũng như khiến trẻ mắc một số bệnh như béo phì, tiểu đường... Vì vậy, bạn hãy tìm mọi cách để lôi kéo trẻ tham gia một vài hoạt động thể chất hoặc môn thể thao ở ngoài trời hoặc đơn giản là chạy ra ngoài tận hưởng ánh nắng và không khí trong lành.  Hãy cùng trẻ khám phá xem thế giới ngoài chiếc điện thoại kia tuyệt vời như thế nào, thay vì ngồi lì ở nhà chơi game trên điện thoại suốt cả ngày!

Nếu bạn nhận thấy trẻ có bất cứ thói quen nào trên đây, đừng la mắng hay phạt trẻ. Có những cách tốt hơn để giúp trẻ từ bỏ những thói quen xấu này. Nếu bạn làm theo những hướng dẫn trên đây, tin chắc rằng trẻ sẽ hiểu và từ bỏ chúng ngay thôi!

Về việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Chúng ta cũng cần trở thành người tiêu dùng thông thái. Bên cạnh việc bổ sung canxi và vitamin D cho trẻ nhằm giúp cho xương chắc khỏe, cho trẻ đủ dinh dưỡng để phát triển chiều cao, cần hiểu về Vitamin K2 để bổ sung vi chất này trong khẩu phần ăn của trẻ. Cùng với nhau, vitamin D và vitamin K2 sẽ hoạt động phối hợp giúp cơ thể hấp thu và sử dụng canxi có hiệu quả.

Vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi tại ruột nhưng vitamin K2 lại giúp cho việc hỗ trợ đưa canxi vào xương. Vitamin D kiểm soát việc ra vào của Canxi trong cơ thể còn vitamin K2 điều khiển giúp canxi đi đúng hướng. Nói cách khác, không có sự giúp đỡ của vitamin K2 thì lượng canxi mà vitamin D hấp thu sẽ làm việc không hiệu quả.

Do đó, các bậc phụ huynh thường gặp phải tình trạng bổ sung cho trẻ rất nhiều vitamin D và canxi nhưng trẻ vẫn không cao như mức kỳ vọng của mình. Bổ sung vitamin K2 là điều rất cần thiết bên cạnh bổ sung vitamin D, canxi và các vi chất dinh dưỡng khác cùng với những thói quen có lợi như ngủ đủ và sâu, hoạt động thể lực để giúp trẻ có được một chiều cao tối ưu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top