Khi chúng ta già đi, mọi bộ phận trên cơ thể chúng ta sẽ có sự biến đổi và dĩ nhiên bàn chân không phải là một ngoại lệ. Hãy cùng xem bàn chân sẽ có sự thay đổi như thế nào theo tuổi tác nhé.
Chỉ một vài phút để kiểm tra bàn chân của bạn cũng có thể giúp giảm đến mức tối thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý ở chân khi về già. Theo bác sỹ Emanuel Haber thuộc Trung tâm Foot & Ankle ở New Jersey (Mỹ), đau và khó chịu tại chân không đơn giản chỉ là dấu hiệu tự nhiên của tuổi tác. Chúng ta có nhiều cách để giúp giảm đau, giảm khó chịu và phòng tránh những bệnh lý ở chân, ngăn không cho chúng tiến triển nặng hơn. Dưới đây là 7 vấn đề về chân thường gặp nhất ở người cao tuổi và cách điều trị.
Bàn chân con người có cấu tạo tự nhiên từ lớp collagen, elastin cùng với các mô mỡ ở phần mặt dưới. Nhưng khi bước sang giai đoạn trung niên, sự sản xuất collagen bị giảm đi theo năm tháng, đồng thời làm mất lớp mỡ ở bàn chân.
Nếu không có lớp đệm này, bàn chân bạn sẽ trở nên cực kỳ đau mỏi do lúc này chỉ có xương tiếp xúc với lớp da mỗi khi đi lại.
Mặc dù một số phòng khám có sử dụng liệu pháp tiêm hay cấy mỡ, hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy chúng thật sự hiệu quả. Cách tốt nhất vẫn là sử dụng những đôi giày có lót đệm thật thoải mái để nâng đỡ đôi chân hay sử dụng miếng lót gel nếu cần thiết.
Bàn chân chúng ta có khoảng hơn 30 khớp và chúng đều có xu hướng thoái hóa dần theo tuổi tác. Viêm khớp thường hay gặp ở khớp ngón chân cái hay khớp ở mặt trên bàn chân. Ngoài đau, ban có thể cảm thấy cứng khớp vào buổi sáng, tình trạng này được cải thiện khi đi lại nhưng sẽ lại trở nặng vào ban đêm. Sử dụng miếng lót giày, tập thể dục để tăng cường di chuyển nhiều hơn và giảm cân có thể giúp hỗ trợ.
Viêm khớp gối và khớp hông cũng làm thay đổi vị trí của các khớp xương, gây đau ở bên trong hay bên ngoài bàn chân. Nếu bạn thấy mình bị đau ở khớp nào, hãy đi khám bác sỹ ngay – điều trị viêm khớp hông và khớp gối bằng cách luyện tập và sử dụng thuốc thường giúp giảm nhẹ áp lực lên đôi bàn chân.
Nhiều năm sử dụng giày cao gót sẽ làm tăng nguy cơ mắc tật “ngón chân búa”, tình trạng cong vĩnh viễn của các ngón chân khi cơ bị suy yếu. Ban đầu nó chỉ khiến bạn cảm thấy hơi bất tiện nhưng về lâu dài sẽ gây đau đớn nhều hơn, ngoài ra, các mảnh chai chân sẽ bắt đầu hình thành khi bàn chân cọ xát quá nhiều với đôi giày.
Để phòng và giảm nguy cơ mắc tật ngón chân búa, bạn nên sử dụng những đôi giày có mũi rộng hơn để các ngón chân được thoải mái thay vì mũi quá nhọn.
Tin tốt là bạn cũng không cần thiết phải vứt bỏ hết những đôi giày cao gót yêu thích của mình. Nếu bạn vẫn muốn sử dụng chúng suốt cả ngày thì hãy chọn những loại làm bằng chất liệu vải mềm như da lộn. Càng hỗ trợ cho đôi bàn chân nhiều bao nhiêu thì nguy cơ viêm nhiễm tại các cơ khớp chân càng giảm bấy nhiêu.
Tiểu đường, bệnh lý ở mạch máu và các căn bệnh khác đi kèm với tuổi tác có thể làm giảm lưu lượng máu tới bàn chân. Điều này khiến cho các vết cắt do vật sắc nhọn hay các vết mụn nước do cọ xát với bàn chân khó lành hơn. Cùng với những tổn thương thần kinh, bạn có thể không nhận ra tình trạng nhiễm trùng đang tiến triển xấu hơn, gây ra các vết loét khó lành.
Nếu bạn đang mắc phải một trong những căn bệnh kể trên, hãy thường xuyên kiểm tra các vết thương tại bàn chân và điều trị càng sớm càng tốt. Bạn có thể lắp một tấm gương ở sàn phòng tắm để tiện cho việc quan sát đôi bàn chân.
Thành phần nước trong gân sẽ giảm dần theo tuổi tác, khiến gân ở khu vực mắt cá chân trở nên cứng hơn. Tình trạng này không chỉ khiến bạn gặp khó khăn khi tập luyện mà còn làm tăng nguy cơ bị rách và tổn thương gân.
Tăng cường luyện tập mỗi ngày sẽ giúp khắc phục tình trạng này. Nếu bạn đã từng bị tổn thương gân Achilles trước đây, hãy tập luyện những bài tăng cường sức mạnh như Calf Raises (bài tập nhón bắp chân) để phòng tái phát. Ngoài ra nếu muốn thư giãn và nới lỏng mắt cá chân, bạn cũng có thể thử bài tập này.
Khi chúng ta già đi, một loại mô liên kết khác là dây chằng cũng sẽ bị kéo giãn. Ngoài ra, các cơ quan nhận cảm có nhiệm vụ truyền tin đến não bộ khi các dây chằng bị kéo giãn quá mức cũng bắt đầu hoạt động kém hiệu quả. Tình trạng này khiến bạn mất khả năng giữ thăng bằng và dễ bị bong gân mắt cá chân.
Nếu bạn đã từng bị bong gân, hãy hỏi ý kiến bác sỹ để có biện pháp phòng ngừa tái phát. Ngoài ra, bạn có thể đeo những thiết bị hỗ trợ khi chơi thể thao hay lao động nặng để giúp giữ thăng bằng hoặc thực hiện các bài tập để tăng cường sức mạnh cho mắt cá chân như “quay tròn mắt cá chân” và “nhón ngón chân”.
Ngoài vai trò làm lớp đệm lót cho bàn chân, thành phần collagen cũng có tác dụng làm mềm và ẩm da. Sự giảm sản xuất collagen theo thời gian khiến da bàn chân bị khô, nứt nẻ và nhăn nheo.
Hãy thường xuyên cung cấp đủ nước cho cơ thể, đồng thời tập thói quen sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm da chân 2 lần/ngày.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh