✴️ Nguyên nhân của thoái hóa khớp là gì và cách phòng ngừa

Nội dung

Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa ở khớp và khu vực quanh khớp, đặc biệt là sụn khớp. Thường gặp nhất là thoái hóa khớp háng, khớp gối và xương sống. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt bình thường của người bệnh. Vậy chính xác thì nguyên nhân của thoái hóa khớp là gì? Và làm thế nào để phòng ngừa và đảm bảo chất lượng cuộc sống? Bài viết dưới đây có thể sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 

1. Thoái hóa khớp với các triệu chứng phổ biến

Ở người bị thoái hóa khớp thì các triệu chứng thường gặp sẽ là:

– Đau nhức âm ỉ, đặc biệt cơn đau rõ rệt hơn là vào buổi tối hoặc khi co duỗi các khớp. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa lạnh thì đau khớp trở nên nghiêm trọng hơn.

– Cứng khớp, thường xảy ra hiện tượng này vào buổi sáng ngay khi mới ngủ dậy. Lúc này người bệnh không thể thực hiện được động tác co duỗi. Chỉ khi xoa bóp nhẹ nhàng 2-3 phút thì mới thấy đỡ hơn.

– Gặp khó khăn khi vận động. Các động tác thường ngày, đơn giản như đi lại, nhấc chân, leo cầu thang, quay cổ, đứng lên ngồi xuống,… trở nên khó khăn hơn. Người bệnh không thể thực hiện như bình thường, thậm chí ở giai đoạn này có thể bị ngã do mất khả năng thăng bằng.

– Nghe thấy tiếng lạo xạo mỗi khi vận động. Vì sụn và đĩa đệm ở giữa hai đầu xương bị hao mòn, đồng thời giảm dần dịch nhầy bôi trơn nên mỗi khi di chuyển, các đầu xương sẽ cọ xát vào nhau gây ra âm thanh lạo xạo kèm theo đau nhức dữ dội. Tiếng lạo xạo càng rõ hơn khi người bệnh vận động mạnh.

– Biến dạng khớp – đây là triệu chứng thuộc giai đoạn nặng. Các khớp bị tổn thương trong thời gian dài sẽ dẫn tới sưng to và biến dạng hoặc lệch trục khớp.

 

2. Nguyên nhân nào gây nên thoái hóa khớp

2.1. Tuổi tác là nguyên nhân của thoái hóa khớp

Bắt đầu từ độ tuổi 50 trở lên sẽ có nguy cơ đối mặt với thoái hóa khớp. Bởi từ độ tuổi này cũng bắt đầu hình thành quá trình lão hóa trong cơ thể. Do đó, tuổi tác là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên căn bệnh này.

Lúc này, khả năng tái tạo và sản sinh các tế bào sụn bị giảm dần, đồng thời kéo theo chất lượng sụn khớp xuống. Hơn nữa, cơ thể cũng không còn tự tiết ra dịch nhầy để bôi trơn cho các khớp. Qua thời gian, sụn khớp mất tính đàn hồi, bị khô cứng, nứt vỡ và bào mòn, gây đau và khó cử động.

Tuổi tác càng cao sẽ hình thành quá trình lão hóa và khiến khớp bị thoái hóa

 

2.2. Tình trạng thừa cân, béo phì

Bạn không nghe nhầm đâu, những người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn so với người khác. Bởi thừa cân, béo phì khiến cho cột sống phải chịu nhiều áp lực hơn.

Nếu không giảm cân kịp thời sẽ là nhân tố khiến cho cột sống, khớp gối và dây chằng bị tổn thương và gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

2.3. Duy trì thói quen không tốt trong sinh hoạt

Thực tế, chúng ta đều giữ cho mình một vài thói quen không tốt trong sinh hoạt hàng ngày. Và những thói quen này chính là nguyên nhân ít ai biết. Điển hình như:

– Thường xuyên ngồi hoặc đứng lâu ở 1 tư thế. Thói quen này thường gặp ở những người làm việc với máy tính nhiều, nhân viên văn phòng.

– Thường xuyên mang vác vật nặng.

– Thói quen ngủ kê gối quá cao.

– Không chịu bổ sung đủ chất, các chất có lợi cho xương khớp. Thói quen ăn nhiều dầu mỡ, nhiều muối và lạm dụng các chất kích thích.

2.4. Tập luyện thể thao quá mức

Nhiều người tập luyện thể thao quá mức và không đúng cách cũng rất dễ gây nên chấn thương các khớp. Các chấn thương này nếu không can thiệp, chữa trị kịp thời càng khiến quá trình thoái hóa diễn ra nhanh hơn so với bình thường.

Một số bộ môn thể thao như: bóng đá, nhảy xa, bóng chuyền,… rất dễ gây sức ép cho xương khớp. Nếu luyện tập sai cách có thể gặp phải các chấn thương như giãn dây chằng, rạn xương, trật khớp,… Và từ những tổn thương này càng khiến cho khớp xương thoái hóa nhanh hơn.

2.5. Một số nguyên nhân của thoái hóa khớp khác

Một số nguyên nhân khác cũng gây nên thoái hóa khớp có thể kể đến như:

– Là hậu quả của các bệnh lý như loãng xương, nhiễm trùng khớp, viêm khớp dạng thấp,…

– Do yếu tố di truyền

– Do dị tật bẩm sinh

– Đối tượng là phụ nữ sau sinh hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh

 

3. Các biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng xảy ra phổ biến hiện nay. Để phòng ngừa bạn cần xây dựng cho mình một lối sống sinh hoạt khoa học và lưu ý một số điều sau:

– Bổ sung nhiều thực phẩm giàu canxi, omega 3, các loại trái cây và rau xanh,…

– Không sử dụng các chất kích thích, đồ uống gây hại cho sức khỏe: thuốc lá, rượu,…

– Luyện tập thể thao vừa sức, tránh tập các bài vận động mạnh

– Sửa tư thế sai khi ngồi làm việc, hạn chế mang vác vật nặng

– Ngay khi bản thân có những triệu chứng bất thường, khó khăn khi vận động thì bạn cần tới gặp bác sĩ để kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tốt nhất nên duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và tăng hiệu quả điều trị. Đồng thời ngăn ngừa biến chứng xảy đến.

Trên đây là những nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp và cách phòng ngừa sao cho hiệu quả. Chỉ khi có sự quan tâm về mặt sức khỏe sớm và đúng cách thì bạn mới có thể an tâm tận hưởng cuộc sống, đảm bảo làm việc và nghỉ ngơi được tốt hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top