Nguyên nhân thông thường của đau vai là sưng đau gân (sợi dây liên kết giữa cơ và xương) của chóp xoay (rotator cuff) – phần vai giúp thực hiện các chuyển động xoay. Một nguyên nhân phổ biến khác là đau do viêm bao hoạt dịch (subacromial bursa). Bạn có thể cảm thấy đau sau một số hoạt động chẳng hạn như sơn tường, nâng đồ nặng hoặc chơi thể thao, đòi hỏi phải nâng cánh tay. Hoặc có thể do một chấn thương cụ thể mà bạn không nhớ rõ.
Khớp chính của vai được hình thành bởi xương cánh tay và xương bả vai. Ổ khớp thường nông, cho phép cử động cánh tay linh hoạt. Chóp xoay được tạo bởi 4 cơ bao quanh xương bả vai. Chóp này giữ cho vai ổn định khi cánh tay chuyển động.
Cơ trên gai nằm ở đỉnh vai. Gân của nó đi từ dưới xương mỏm cùng vai. Gân của cơ này thường xảy ra chấn thương nhất vì nằm giữa các xương. Khi gân bị viêm (đau và sưng), nó bị chèn ép giữa 2 xương. Bao dịch đệm phía dưới gân này cũng có thể bị tổn thương.
Nếu chóp xoay bị tổn thương, cơn đau thường ở xuất hiện ở phía trước hoặc ngoài vai. Cơn đau sẽ nặng hơn nếu giơ tay lên hoặc nâng vật lên quá đầu. Cơn đau sẽ làm hạn chế khả năng làm những việc đơn giản hằng ngày. Cơn đau vào buổi tối thường xuyên xảy ra và có thể làm bạn tỉnh giấc.
Điều trị sẽ giúp giảm đau và hồi phục chức năng vai về bình thường. Các chiến lược giảm đau vai bao gồm thư giãn chủ động (di chuyển vai nhưng không nên làm các động tác mạnh như nâng vật nặng hoặc chơi quần vợt). Chườm nước đá, bôi thuốc chống viêm không steroid chẳng hạn ibuprofen (như: Advil, Motrin) hay naproxen (như: Aleve) và đôi khi tiêm thuốc chống viêm steroids có thể có hiệu quả.
Một số bài tập luyện cụ thể rất hữu ích. Bước đầu tiên của liệu pháp phục hồi chức năng là tập luyện dựa trên chuỗi chuyển động đơn giản trong phục hồi chức năng. Bằng việc gập và di chuyển (xoay) vai theo vòng tròn lớn, bạn sẽ tránh được biến chứng nghiêm trọng do chấn thương chóp xoay. Sau những bài tập này là những bài tập kháng lực sử dụng ống cao su hoặc quả tạ nhẹ. Bước cuối cùng là tập luyện kháng lực với vật nặng hoặc không dùng vật nặng.
Những bài tập dưới đây có thể giúp bạn. Trao đổi với bác sĩ xem bạn có nên tập những bài tập khác nữa không.
Chuỗi chuyển động
Đứng lên và ngả người về trước, mặt hướng xuống sàn. Cánh tay đau thả lỏng và hướng thẳng xuống. Vẽ những vòng tròn vào không khí bằng tay đau. Bắt đầu bằng vòng tròn nhỏ và vẽ to dần. Lặp lại bài tập này 5 đến 10 lần trong ngày. Nếu bạn thấy đau, hãy dừng lại. Có thể tiếp tục thử sau.
Củng cố chóp xoay
Sử dụng một đoạn vòng cao su. Đứng cạnh cánh cửa đang đóng có tay đấm cửa. Vòng dây xung quanh tay nắm cửa. Với bàn tay gần cửa nhất, gập cánh tay theo góc 90° và nắm lấy vòng cao su. Kéo vòng qua bụng. Đầu tiên, thực hiện bộ 10 bài tập. Cố gắng tăng số lượng bài tập khi cơn đau vai tiến triển tốt. Những bài tập này cần thực hiện hằng ngày.
Tăng cường khả năng của chi trên
Khi cơn đau biến mất, thử luyện tập thêm các bài tập nâng tạ. Nằm nghiêng về bên phải, tay trái để tự nhiên. Cảm nhận độ nặng ở tay trái và cánh tay lan xuống bụng, đưa cánh tay lên. Giữ khuỷu tay gần mình.
Những việc cần làm khác để hồi phục chấn thương ?
Một chuỗi các bài tập thể lực có thể sẽ giúp cải thiện lượng máu lưu thông đến vai hoặc bao hoạt dịch, giúp giảm đau. Người hút thuốc nên bỏ thuốc để có nhiều oxy đưa đến mô tổn thương hơn. Điều này sẽ giúp hồi phục chấn thương nhanh hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh