✴️ Nguyên nhân đau cơ bắp chân

Nội dung

Đau cơ bắp chân là tình trạng đau nhức bắp thịt chứ không phải cảm giác đau nhức xương khớp. Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, người ít vận động và thường xuất hiện vào cuối ngày hay những thời điểm khác nhau trong ngày.

Đau cơ bắp chân là tình trạng đau nhức bắp thịt chứ không phải cảm giác đau nhức xương khớp

Nguyên nhân đau cơ bắp chân

Có thể kể đến một số nguyên nhân gây đau nhức bắp chân như suy tĩnh mạch, đau nhức do tổn thương thần kinh ngoại biên, đau khớp gối do thoái hoá mạn tính, do bệnh lý động mạch, bệnh bạch huyết… Tuy nhiên, bệnh suy tĩnh mạch là nguyên nhân phổ biến nhất với biểu hiện khá đặc trưng.

Nếu đau nhức bắp chân xuất hiện vào cuối ngày do phải đứng lâu, ít vận động thì rất có thể bạn bị suy tĩnh mạch giai đoạn sớm. Nếu tình trạng đau lặp đi lặp lại theo chu kỳ: tối ngủ gác chân cao thì sáng hết đau nhưng khi càng về chiều (chính xác là càng về cuối ngày làm việc do phải đứng suốt ngày) thì càng cảm thấy mỏi chân, phù chân, nặng chân, đau nhức chân,… thì khả năng cao là bạn đã bị suy tĩnh mạch, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mạch máu để xác định chẩn đoán.

Đau nhức chân do suy tĩnh mạch với các biểu hiện khá đặc trưng như đã nêu trên là do sự ứ đọng máu ở phần thấp của chân, gây chèn ép vì thế có cảm giác đau nhức. Sự ứ đọng máu là do lưu thông máu bị ứ trệ, làm máu ứ đọng ngày càng nhiều vì thế đau nhức ngày càng tăng lên và càng xuất hiện sớm hơn trong ngày.

Ai dễ bị đau nhức bắp chân?

Những người ít vận động, thường xuyên phải đứng hoặc ngồi một chỗ trong suốt thời gian làm việc như nhân viên văn phòng, nhân viên y tế, công nhân, giáo viên,… hoặc người thường xuyên ngồi xếp bằng, quỳ gối, ngồi lên bắp chân như những người tu hành…

Lời khuyên của bác sĩ

Khi bị đau cơ bắp chân bạn cần:

Bỏ hút thuốc ngay

Thống kê cho thấy, cứ 100 người bị đau cơ bắp chân, có hơn 80 người hút thuốc lá. Khi hút thuốc, máu bạn chứa ít dưỡng khí, nhiều thán khí. Chất nicotine trong thuốc lá khiến co các mạch máu trong cơ thể,  làm máu khó lưu thông hơn. Vì thế, lượng dưỡng khí theo máu đến những chỗ xa như bắp tay, bắp chân rất ít, khiến bạn bị chứng đau nhức này.

Tập thể dục

Chứng đau bắp chân xảy ra khi đi bộ, và bạn sẽ phải đi bộ thường xuyên để khắc phục  nó.

Hãy đi bộ với tốc độ tương đối nhanh cho đến khi bạn cảm thấy bắt đầu nhức nơi bắp chân. Đừng dừng lại mà hãy tiếp tục đi thêm một lúc nữa đến khi bạn cảm thấy cần phải nghỉ. Bạn hãy nghỉ một vài phút cho sự đau nhức dịu xuống, sau đó tiếp tục đi bộ. Làm như vậy mỗi ngày chừng vài tiếng đồng hồ.

Bạn nên đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám khi bị đau bắp chân

Nếu thời tiết không cho phép bạn đi bộ ngoài trời, bạn nên mua một máy tập thể dục loại đạp xe hay đi bộ tại chỗ. Nhớ thực tập mỗi ngày, bạn sẽ thấy sự đau nhức giảm đi rất rõ.

Để ý đến huyết áp và mức cholesterol

Những người mắc bệnh về máu đều có liên quan đến 2 chỉ số này. Bạn nên thường xuyên gặp bác sĩ để đo huyết áp và cholesterol máu. Thông thường, song song  với bệnh nhức bắp chân, bác sĩ sẽ cho biết thêm rằng bạn có  mắc một trong hai bệnh cao huyết áp hoặc cholesterol máu cao hay không. Bạn cần nhớ rằng đau bắp chân chỉ là một triệu chứng, sự nguy hiểm nằm ở hai chỉ số áp huyết và Cholesterol.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top