Thoát vị đĩa đệm là một trong những căn bệnh xương khớp phổ biến. Bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như làm mất khả năng lao động, bại liệt, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. Bởi vậy cần hiểu rõ được nguyên nhân và triệu chứng thoát vị đĩa đệm để có cách xử lý kịp thời.
1. Thoát vị đĩa đệm là gì?
Đĩa đệm như một bộ phận giảm xóc, có chức năng hỗ trợ cột sống chuyển động linh hoạt, nhẹ nhàng hơn. Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm ở giữa các đốt sống thoát ra khỏi những thớ sợi bao quanh bên ngoài. Hay nói cách khác, đĩa đệm bị ép lồi, lệch ra khỏi vị trí ban đầu dẫn đến chèn ép lên tủy sống hoặc các rễ dây thần kinh.
Bất kì vị trí nào trên cột sống đều có thể xảy ra thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên hay gặp nhất là ở vị trí thắt lưng. Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đè ép vào rễ dây thần kinh tọa gây chứng đau thắt lưng sau đó đau lan xuống chân (còn gọi là đau thần kinh tọa). Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ dẫn đến đau cổ và vai gáy. Nếu bị chèn ép rễ thần kinh cánh tay người bệnh sẽ có thể gặp phải hiện tượng tê tay.
2. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm do nhiều nguyên nhân gây nên:
– Chấn thương cột sống:
Lao động quá sức, nâng vác vật nặng ở tư thế không phù hợp hoặc ngồi, cúi, xoay người sai tư thế cũng có thể gây thoát vị đĩa đệm.
– Do tuổi tác:
Những người ở độ tuổi từ 30-60 có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cao nhất. Khi tuổi ngày một cao, đĩa đệm bị mất dần nước và trở nên khô lầu dần khiến vòng bao xơ bên ngoài nhân nhầy bị thoái hóa, bên trong nhân nhầy sẽ phình ra. Khi đĩa đệm ngày càng suy yếu, sẽ làm tăng áp lực lên cột sống, các nhân nhầy bên trong có thể sẽ bị vỡ ra và đây được gọi là hiện tượng thoát vị đĩa đệm.
– Nguyên nhân do bệnh lý về cột sống:
Thoái hóa cột sống cũng là nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Bên cạnh đó, nguyên nhân mà ít người chú ý đến đó là do yếu tố bẩm sinh như gai đôi cột sống, gù vẹo cột sống…
– Thừa cân, béo phì:
Cơ thể có trọng lượng quá nặng sẽ làm tăng sức nặng cho cột sống, dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
– Một số nguyên nhân khác:
Thoát vị đĩa đệm cũng có thể xảy do tai nạn hoặc chấn thương cột sống. Bên cạnh đó, việc ăn uống thiếu hụt chất dinh dưỡng, sử dụng chất kích thích hoặc do yếu tố di truyền cũng là những nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm.
3. Triệu chứng thoát vị đĩa đệm
Để phòng ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm cần bảo vệ các đốt sống luôn được khỏe mạnh. Muốn làm được điều đó, mỗi người cần xây dựng một lối sống khoa học:
– Nằm, ngồi hay đứng đúng tư thế.
– Lao động vừa sức, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý nhằm điều hòa sự lao động và phục hồi đĩa đệm.
– Hạn chế mang vác vật nặng, gây ảnh hưởng đến sức chịu đựng của cột sống.
– Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, không dùng các chất kích thích.
– Tập luyện thường xuyên để tăng cường sự dẻo dai cho xương khớp.
– Kiểm tra sức khỏe theo định kỳ 6 tháng/1 lần.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh