✴️ Rối loạn tiền đình trung ương nguy hiểm thế nào?

Hội chứng rối loạn tiền đình gồm 2 dạng. Trong đó, rối loạn tiền đình ngoại biên thường xảy ra hơn. Rối loạn tiền đình trung ương là chứng rối loạn tiền đình rất nguy hiểm, nguyên nhân do các vấn đề về não bộ như thiếu máu não hệ sống nền, khối máu tụ vùng hố sau, u thân não, xơ cứng dải rác hoặc áp xe não,… sẽ rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

 

1. Hiểu về cấu tạo của hệ thống tiền đình

Hệ thống tiền đình gồm 2 thành phần chính là nhân tiền đình và đường dẫn truyền.

Trong đó:

– Nhân tiền đình nằm giữa cầu não và hành não

– Đường dẫn truyền: tiền đình ngoại biên xuất phát từ hạch tiền đình và chấm dứt ở nhân tiền đình và thùy nhung nút của tiểu não. Tiền đình trung ương xuất phát từ nhân tiền đình đi xuống tủy sống và đi lên thân não.

Hệ thống tiền đình có vai trò quan trọng là giữ thăng bằng cho cơ thể. Khi chúng ta di chuyển, cúi hoặc xoay người,… thì hệ thống tiền đình sẽ nghiêng lắc theo những động tác của cơ thể và giúp điều chỉnh cơ thể bạn ở trạng thái cân bằng, đồng thời giúp phối hợp các bộ phận như cử động mắt, đầu và thân mình,…

Mô phỏng cấu tạo của hệ thống tiền đình.

 

2. Hội chứng rối loạn tiền đình gồm 2 dạng

Rối loạn tiền đình là những rối loạn có liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8 (dây thần kinh cảm giác gồm 2 thành phần là thần kinh ốc tai và thần kinh tiền đình). Khi bộ phận tiền đình bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau sẽ khiến hệ thống thông tin dẫn truyền bị sai lệch, cơ thể sẽ mất cân bằng và có một số triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, ù tai,…

Hội chứng rối loạn tiền đình gồm 2 dạng là rối loạn tiền đình ngoại biên và trung ương.

2.1 Rối loạn tiền đình ngoại biên là gì?

Chiếm tỷ lệ khá lớn khoảng 90 – 95% trong số các bệnh nhân mắc chứng rối loạn tiền đình. Biểu hiện thông qua các cơn chóng mặt thoáng qua nhất là khi thay đổi tư thế như lắc đầu, nằm chuyển sang ngồi,… Cơn chóng mặt có thể kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn ói kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung,… Nhiều người xuất hiện tình trạng chóng mặt nặng, kéo dài, không đi đứng được.

2.2 Rối loạn tiền đình trung ương là gì?

Chiếm tỷ lệ ít hơn khoảng 5-10% trong số các bệnh nhân bị rối loạn tiền đình. Nguyên nhân là do sự tổn thượng nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ nhân tiền đình. Nguyên nhân có thể do động mạch mang máu đến nuôi não bộ bị thiểu năng bởi tình trạng xơ vữa động mạch,…

Các triệu chứng thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh đi đứng khó khăn, chóng mặt, mất ngủ, choáng váng nhất là khi thay đổi tư thế, ngồi dậy khó khăn nhất là vào buổi đêm và sáng. Bạn nên đi thăm khám để được chẩn đoán có phải rối loạn tiền đình không và rối loạn tiền đình thể ngoại biên hay trung ương.

Rối loạn ở hệ thống tiền đình trung ương cần phát hiện sớm và có biện pháp xử trí kịp thời.

 

3. Rối loạn tiền đình trung ương có nguy hiểm không?

Rối loạn hệ thống tiền đình trung ương rất nguy hiểm, bởi nguyên nhân gây ra hội chứng này thường là các vấn đề có liên quan đến não bộ như chứng đau đầu vận mạch (đau nửa đầu migraine), nhiễm trùng não, suy động mạch cột sống thân nền, tai biến mạch máu não (xuất huyết não, nhồi máu não), do chấn thương não bộ, u não, xơ cứng rải rác,…

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nếu không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh như:

– Dễ bị trầm cảm

– Dễ bị té ngã

– Nguy cơ đột quỵ

 

4. Chẩn đoán những rối loạn của hệ thống tiền đình trung ương bằng cách nào?

4.1 Khám lâm sàng chẩn đoán rối loạn tiền đình trung ương

Bạn cần khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh. Sau khi dựa trên các dấu hiệu hiện có như chóng mặt, mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu,… và khai thác yếu tố tiền sử của người bệnh, các bác sĩ sẽ loại trừ một số bệnh lý có liên quan cũng gây triệu chứng tương tự như trên ví dụ như thiếu máu não cục bộ,… từ đó sẽ chỉ định chụp chiếu, xét nghiệm cần thiết để đánh giá chính xác.

4.2 Cận lâm sàng

Dựa trên tình trạng bệnh và các bệnh lý loại trừ, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm, chụp chiếu để củng cố cơ sở chẩn đoán bệnh như:

– Xét nghiệm máu cơ bản

– Chụp X quang cột sống cổ

– Siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống cổ

– Đo điện não đồ

– Chụp CT – Scanner sọ não hoặc chụp MRI sọ não để tìm các tổn thương ở não

Những thông tin tham khảo trong bài viết hẳn đã giúp bạn có thêm những kiến thức về chứng rối loạn tiền đình trung ương nhưng không thể thay thế việc thăm khám. Bởi vậy, khi có các biểu hiện rối loạn tiền đình, bạn hãy đến ngay chuyên khoa nội thần kinh uy tín để được chẩn đoán xem mình mắc bệnh dạng nào và điều trị sớm với như những hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ nhé.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top