Còi xương là tình trạng ảnh hưởng đến sự phát triển xương của trẻ nhỏ. Tình trạng còi xương gây ra đau nhức xương, kém phát triển xương, mềm xương, yếu xương và biến dạng xương. Nguyên nhân gây ra tình trạng còi xương chủ yếu đến từ việc thiếu hụt vitamin D hoặc canxi.
Bệnh còi xương phổ biến trong quá khứ, song gần như biến mất ở phương Tây – các nước phát triển – vào đầy thế kỷ 20. Tuy nhiên trong những năm gần đây, số ca mắc còi xương đang có xu hướng gia tăng. Tại các nước đang phát triển, tình trạng còi xương vẫn còn hiện hữu và nhiều trẻ em vẫn chịu ảnh hưởng của bệnh. Khi trẻ không được cung cấp đủ vitamin D hoặc canxi thông qua chế độ ăn uống hoặc từ ánh sáng mặt trời, trẻ sẽ có nguy cơ cao bị còi xương. Tình trạng này cũng phổ biến hơn ở trẻ em có làn da sẫm màu vì nhóm trẻ này cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn để có đủ vitamin D, cũng như trẻ sinh non hoặc dùng những trẻ sử dụng thuốc cản trở hấp thu vitamin D.
Một số triệu chứng điển hình và hậu quả của tình trạng còi xương gây ra bao gồm:
Bên cạnh những hậu quả hiện hữu trong thời gian ngắn mà còi xương gây ra, những di chứng của còi xương còn kéo dài và để lại hậu quả trong suốt quãng đời còn lại của trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển và tương lai của trẻ sau này. Tình trạng còi xương nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại rất nhiều di chứng, có thể kể đến bao gồm:
1. Biến dạng lồng ngực.
Biến dạng lồng ngực là di chứng nổi bật ở trẻ còi xương, khi tình trạng này tiến triển dần theo năm tháng và có thể gây ảnh hưởng chức năng bên cạnh những ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ. Thông thường, các biến dạng ngực phổ biến bao gồm ngực lõm, ngực ức gà, hở xương ức…
2. Dị tật xương ức gà.
Ngực ức gà là một bệnh lồi ngực bẩm sinh – gây biến dạng lồng ngực ngược lại với tật lõm ngực bẩm sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó thiếu vitamin D và thiếu canxi trong bệnh còi xương là một nguyên nhân điển hình bên cạnh nguyên nhân di truyền. Tình trạng ngực ức gà gây cản trở quá trình hô hấp, ảnh hưởng tới hoạt động của tim phổi, khiến trẻ thở gấp do thiếu hoặc ngạt hơi. Trẻ gặp phải dị tật ức gà cũng có nguy cơ cao bị hen suyễn, đồng thời mất tự tin về ngoại hình.
3. Gù, vẹo cột sống
Gù vẹo cột sống là một tình trạng khá phổ biến, chiếm từ 0,5-1% dân số. Tình trạng gù vẹo cột sống ở trẻ em có 4 nguyên nhân chính bao gồm: tự phát (tuổi dậy thì), dị tật bẩm sinh, tư thế không đúng và bệnh lý như còi xương, chấn thương… Không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề vóc dáng và thẩm mỹ, tình trạng gù vẹo cột sống còn ảnh hưởng xấu đến tim phổi, khiến trẻ khó thở, giảm co bóp của tim, gây đau lưng dai dẳng tiến triển mạn tính, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Đặc biệt nếu tình trạng này khởi phát sớm ở trẻ còi xương, mức độ bệnh càng nặng và việc phải có can thiệp ngoại khoa phục hồi càng cần thiết.
4. Chân tay cong, chân vòng kiềng, chân chữ bát
Tình trạng chân tay cong, chân vòng kiềng, chân chữ bát thường xuất hiện từ khi trẻ còn nhỏ và nếu không được khắc phục, tình trạng phát triển xương này sẽ kéo dài đến khi trưởng thành. Thực tế, các di chứng này không chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ mà còn gây ra các vấn đề sức khỏe và vận động ở trẻ. Nguyên nhân hàng đầu của tình trạng này là do thiếu hụt vitamin D kéo dài, dẫn đến xương mềm, yếu hơn bình thường và không chịu được trọng lượng cơ thể hàng ngày trong hoạt động, dần dần xương bị cong gây ra vòng kiềng. Khả năng vận động của trẻ giảm, ngoại hình xấu và nguy cơ chấn thương sẽ cao hơn ở những trẻ gặp phải di chứng này.
6. Khung chậu hẹp.
Tình trạng khung chậu hẹp ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, đặc biệt là các trẻ gái. Đối với các trẻ gái gặp phải chứng khung chậu hẹp, đây là di chứng của còi xương từ bé và ảnh hưởng đến quá trình mang thai và sinh con sau này. Khung chậu hẹp dù ở dạng nào cũng gây khó khăn trong quá trình sinh nở tự nhiên đường âm đạo, và thường phải chỉ định mổ lấy thai. Ngoài ra, các biến chứng trong quá trình mang thai cũng có thể xuất hiện với tỉ lệ cao hơn như biến dạng đầu thai nhi, sa dây rốn, chuyển dạ kéo dài hoặc ngưng tiến triển, bất thường cơn co tử cung hay tăng khả năng nhiễm trùng…
7. Thiếu máu
Thiếu máu và còi xương hoàn toàn có thể kết hợp cùng lúc ở trẻ còi xương. Còi xương thiếu máu là tình trạng cơ thể vừa thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho xương như canxi, vitamin D, đồng thời thiếu sắt, acid folic, vitamin D12, vitamin E… Sự kết hợp của tình trạng thiếu máu càng làm tình trạng còi xương thêm nghiêm trọng. Thiếu máu cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ (khiến trẻ hay giật mình, ngủ không sâu), ra mồ hôi trộm, biếng ăn, co giật, biến dạng xương, rối loạn tiêu hóa hấp thu, da xanh xao nhợt nhạt, tiêu chảy kéo dài, chậm tăng cân và giảm sự hoạt bát của trẻ.
8. Ảnh hưởng đến ngoại hình
Nhìn chung ngoài các vấn đề sức khỏe, vấn đề ngoại hình là điều sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của trẻ. Trẻ sẽ không thể phát triển chiều cao, thấp hơn so với các bạn cùng trang lứa. Việc chân tay cong, chân vòng kiềng hay dị tật ngực cũng khiến trẻ tự ti khi mặc đồ và trở nên ngại giao tiếp với bạn bè xung quanh.
Các di chứng của còi xương ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển và chất lượng cuộc sống của trẻ. Di chứng của còi xương ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe, ảnh hưởng xấu đến phát triển thể chất và thậm chí còn có thể gây tử vong. Để cải thiện và dự phòng tình trạng còi xương, cha mẹ cần bổ sung vitamin D cho trẻ, cho trẻ tắm nắng và tham gia nhiều hơn các hoạt động hàng ngày.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh