Viêm khớp là tình trạng viêm ở một hoặc nhiều khớp trong cơ thể. Các loại viêm khớp khác nhau có thể ảnh hưởng đến cơ thể một cách đối xứng hoặc bất đối xứng.
Viêm khớp đối xứng ảnh hưởng đến các khớp giống nhau ở cả hai bên của cơ thể, chẳng hạn như ở đầu gối hoặc cổ tay. Viêm khớp không đối xứng ảnh hưởng đến các khớp chỉ ở một bên của cơ thể.
Có nhiều loại và đặc điểm khác của bệnh viêm khớp và việc điều trị có thể hơi khác nhau tùy thuộc vào loại viêm khớp mà bạn mắc phải.
Trong bài viết này, hãy tìm hiểu sự khác biệt giữa viêm khớp đối xứng và không đối xứng, bao gồm cả việc chẩn đoán và điều trị.
Viêm khớp đối xứng và không đối xứng dựa vào những bên nào của cơ thể mà viêm khớp ảnh hưởng tới.
Nếu bạn bị viêm khớp đối xứng sẽ gặp các triệu chứng ở các khớp ở cả hai bên cơ thể.
Ví dụ, bạn bị viêm khớp gối đối xứng sẽ có các triệu chứng ở cả hai đầu gối cùng một lúc.
Nếu bạn bị viêm khớp không đối xứng sẽ chỉ gặp các triệu chứng ở các khớp phía một bên của cơ thể, ví dụ như ở đầu gối và cổ tay một bên.
Viêm khớp có nguyên nhân do viêm hoặc không do viêm.
Viêm khớp do viêm thường xảy ra do một vấn đề tiềm ẩn, như một phản ứng tự miễn. Viêm khớp không do viêm thường có nguyên nhân thực thể, như chấn thương hoặc mài mòn ở các khớp.
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một dạng viêm khớp do viêm, có đối xứng. Tính đối xứng là chìa khóa quyết định trong việc chẩn đoán bệnh tự miễn này.
Tuy nhiên, bạn có thể không có các triệu chứng ở cả hai bên khi mới bắt đầu mắc bệnh. Bệnh sẽ trở nên đối xứng khi tiến triển.
Mặc dù bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào nhưng thường gặp các triệu chứng ở:
Tay;
Cổ tay;
Mắt cá chân;
Bàn chân;
Đầu gối;
Hàm;
Khuỷu tay;
Vai;
Cột sống.
Các dạng viêm khớp không do viêm gây ra bởi sự mài mòn, chẳng hạn như viêm xương khớp, thường gây ra các triệu chứng không đối xứng.
Các triệu chứng thường xảy ra ở cột sống và các khớp chịu trọng lượng, như đầu gối hoặc hông nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào.
Viêm khớp vảy nến (PsA) là một dạng viêm khớp do viêm. Tuy nhiên, bênh có thể gây ra các triệu chứng đối xứng lẫn không đối xứng, giúp phân biệt với các dạng viêm khớp khác.
Tuy nhiên, những người mắc PsA thường gặp phải các triệu chứng không đối xứng. Các tác giả của một nghiên cứu năm 2015 đã phát hiện ra điều này ở 53,1% người tham gia nghiên cứu.
PsA là một tình trạng tự miễn trong đó cơ thể tấn công các tế bào khỏe mạnh ở khớp, dây chằng và da.
Các bệnh liên quan đến viêm khớp vảy nến gồm:
Viêm cột sống gây ra tình trạng viêm ở cột sống. Bạn có thể cảm thấy các triệu chứng ở bất kỳ vị trí nào dọc theo cột sống, bao gồm cổ, lưng hoặc xương cùng.
Viêm cột sống nặng có thể khiến xương cột sống hợp nhất hoặc khiến các cử động trở nên rất đau đớn hoặc không thể cử động được.
Viêm khớp đốt xa (DIP) ảnh hưởng đến các khớp nhỏ ở đầu ngón tay hoặc chân.
Cùng với các triệu chứng ở ngón tay và ngón chân, phần móng cũng đổi màu hoặc hình dạng. Móng tay hoặc móng chân trở nên lõm và có các đường gờ.
Viêm khớp biến dạng nặng là một dạng hiếm gặp nhưng gây suy nhược của bệnh viêm khớp vảy nến. Bệnh làm cho các xương nhỏ ở bàn tay, bàn chân và thậm chỉ dọc theo cột sống bị gãy. Từ đó gây đau dữ dội và chịu thương tật vĩnh viễn.
Có thể mất thời gian để bác sĩ chẩn đoán chính xác dạng viêm khớp nhưng việc xác định chính xác rất quan trọng cho việc điều trị. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, gồm những vùng bị đau và thực hiện kiểm tra thể chất.
Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng da để tìm các dấu hiệu của bệnh vẩy nến để giúp chẩn đoán PsA. Tổ chức Bệnh vảy nến Hoa Kỳ lưu ý rằng khoảng 85% những người mắc PsA gặp các triệu chứng trên da trước khi có triệu chứng ở khớp.
Các bác sĩ cũng thường sử dụng các xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán viêm khớp bằng cách kiểm tra các khớp, xương và các cấu trúc khác. Các xét nghiệm gồm:
Xquang;
Chụp CT;
Chụp MRI;
Siêu âm.
Xquang và CT có thể giúp bác sĩ nhìn kĩ các cấu trúc, như xương. Các bác sĩ sử dụng phim chụp MRI và siêu âm để phát hiện tình trạng viêm hoặc sự mài mòn ở các mô liên kết mềm trong khớp.
Mặc dù hiện nay chưa có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp, nhưng việc điều trị là rất quan trọng để làm chậm tiến triển của bệnh và giúp kiểm soát các triệu chứng. Được điều trị đúng cách có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Việc điều trị thường gồm các loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs), có thể làm chậm tiến triển của các tổn thương ở khớp và giúp kiểm soát các triệu chứng.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định các loại thuốc sinh học, tập trung vào hệ thống miễn dịch để điều chỉnh tiến trình bệnh.
Corticosteroid cũng có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm nhanh chóng trong khi các loại thuốc khác phát huy hiệu quả.
Nhiều bác sĩ sẽ khuyến nghị các biện pháp điều trị tại nhà như một phần của kế hoạch điều trị viêm khớp, gồm:
Thuốc giảm đau: Thuốc kháng viêm nonsteroid (NSAIDs), như Ibuprofen (Advil) hoặc naproxen sodium (Aleve), có thể giúp kiểm soát cơn đau và giảm sưng.
Nghỉ ngơi: Quan trọng là nghỉ ngơi các khớp bị ảnh hưởng, đặc biệt khi khớp bị cứng và sưng.
Tập thể dục: Các bài thể dục tác động nhẹ, như bơi lội hoặc đạp xe, có thể giúp tăng sức bền cơ và thúc đẩy sự dẻo dai ở các khớp.
Chườm nóng và lạnh: Chườm nóng giúp làm dịu các khớp và cơ bị co cứng, còn chườm lạnh giúp giảm viêm và đau.
Chế độ ăn lành mạnh: Một số thức ăn, như đồ ăn nhanh và đồ ăn chế biến sẵn, có thể khởi phát hoặc thúc đẩy tình trạng viêm.
Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể giảm tác động lên các cơ ảnh hưởng.
Đối xứng và không đối xứng là những thuật ngữ mô tả mức độ ảnh hưởng của bệnh viêm khớp đối với cơ thể.
Viêm khớp đối xứng ảnh hưởng đến cùng một khớp ở cả hai bên của cơ thể, còn viêm khớp không đối xứng chỉ ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp ở một bên.
Điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân tiềm ẩn và mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp. Một số người sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà để giúp kiểm soát các triệu chứng.
Bất kỳ ai gặp các triệu chứng của bệnh viêm khớp đều nên đi khám bác sĩ. Những người bị bệnh vảy nến nên nói với bác sĩ để được tư vấn về khả năng bị viêm khớp vảy nến và cách xử trí sớm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh