✴️ Tại sao lại bị run tay? nguyên nhân và biện pháp điều trị

Nội dung

Run là những cơn co thắt cơ nhịp nhàng không chủ ý có thể khiến các bộ phận của cơ thể run lên. Run tay là một tình trạng phổ biến, Ở một số trường hợp, run tay có thể hoàn toàn bình thường và lành tính, trong khi ở những trường hợp khác, chúng có thể báo hiệu cho một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

Đối với một vài người, run tay có thể ít gây khó chịu. Đối với những người khác, triệu chứng run có thể dẫn tới việc khó sử dụng tay cho những công việc hàng ngày.

Bài viết này đề cập định nghĩa run là gì, nêu ra một số nguyên nhân tiềm ẩn gây run tay và liệu run tay có phải tình trạng thường gặp hay không. Ngoài ra, bài viết cũng cung cấp các mẹo ngăn tay không run nữa và thảo luận về một số lựa chọn điều trị.

Run là gì?

Run là những cơn có thắt cơ nhịp nhàng không chủ ý có thể khiến các bộ phận của cơ thể run lên. Mỗi người đều có một chút run nhẹ khi di chuyển hoặc duy trì một tư thế nào đó. Đây được gọi là run sinh lý.

Run sinh lý thường rất nhẹ khiến bạn khó nhận biết được. Run tay có thể dễ nhận thấy hơn khi bạn đưa tay thẳng ra phía trước hoặc khi căng thẳng, lo âu.

Run thường ảnh hưởng đến hai tay. Tuy nhiên, nó cũng có thể ảnh hưởng đến những bộ phận khác của cơ thể như:

  • Đầu;
  • Cánh tay;
  • Chân;
  • Phần thân trên;
  • Thanh quản, có thể khiến giọng bị run.

Có hơn 20 loại run. Tuy nhiên, hầu hết thường rơi vào 2 loại:

  • Run khi nghỉ ngơi: xảy ra khi các cơ được thả lỏng, ngay cả khi đặt tay lên đùi.
  • Run khi hoạt động: xảy ra khi các cơ co thắt do vận động có chủ ý. Phần lớn các loại run là run khi hoạt động.

Đôi khi run có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe, đặc biệt khi run kéo dài hoặc rất rõ rệt.

Nguyên nhân gây run tay?

Run có thể là tình trạng sinh lý bình thường hoặc có thể do các bệnh lý thần kinh, các vấn đề về sức khỏe hoặc do dùng thuốc.

Run sinh lý tăng cường

Run sinh lý tăng cường (EPT) là một dạng run sinh lý dễ nhận thấy hơn. Nó thường ảnh hưởng đến bàn tay và các ngón tay ở cả hai bên.

Những nguyên nhân sau đây có thể gây EPT ở một số người:

  • Căng thẳng;
  • Lo âu;
  • Mệt mỏi;
  • Thiếu ngủ;
  • Dung nạp caffeine quá mức;
  • Tập thể dục mạnh;
  • Cường giáp.

Run sinh lý tăng cường không cần điều trị gì, trừ khi bạn cần phối hợp cơ để làm việc hoặc tham gia các hoạt động khác.

Các bệnh lý thần kinh

Run thường do một vấn đề ở những phần nằm sâu trong não điều khiển vận động. Một số bệnh lý thần kinh có thể gây run tay gồm:

  • Bệnh đa xơ cứng: Căn bệnh thoái hóa này tấn công não và tủy sống, khiến các dây thần kinh khó chuyển tiếp thông tin. Nhiều người mắc bệnh đa xơ cứng bị run ở nhiều mức độ. Run thường tiến triền khi bệnh làm tổn thương những khu vực trên đường dẫn truyền của hệ thống thần kinh trung ương kiểm soát vận động.
  • Bệnh Parkinson: Bệnh này liên quan đến việc mất các tế bào thần kinh ở một phần của não, nơi đóng vai trò quan trọng trong các vận động cơ năng. Khoảng 75% người mắc Parkinson bị run, kể cả khi nghỉ ngơi, hoạt động hay cả hai. Run thường bắt đầu ở một bên cơ thể và có thể lan ra bên đối diện. Run có thể trở nên rõ rệt trong giai đoạn căng thẳng hoặc xúc động mạnh.
  • Đột quỵ: Sau một cơn đột quỵ, bạn có thể bị run ở nhiều mức độ tùy thuộc vào vùng bị ảnh hưởng. Tổn thương hạch nền khiến bạn bị run khi nghỉ ngơi, trong khi tổn thương tiểu não gây run có chủ đích.
  • Chấn thương não: Run do hậu quả của chấn thương não được gọi là run sau chấn thương (PTT). Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy PTT xảy ra do tổn thương những vùng não chịu trách nhiệm về vận động. Những cơn run này không phổ biến.
  • Rối loạn trương lực cơ: Rối loạn trương lực cơ là một rối loạn vận động, trong đó các cơn co thắt cơ không chủ ý gây ra các cử động và tư thế lặp đi lặp lại, không tự chủ. Tình trạng này là do hoạt động không đúng của hạch nền trong não. Một nghiên cứu năm 2021 chỉ ra rằng rối loạn trương lực cơ và tình trạng run có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Run xảy ra ở những người bị rối loạn trương lực cơ là dạng rung giật và không đều, thường xuyên và theo nhịp hoặc hỗn hợp. Các loại hỗn hợp thường ảnh hưởng đến bàn tay.

Các vấn đề sức khỏe

Các vấn đề sức khỏe sau đây cũng có thể gây run tay:

  • Bệnh lý tâm thần, như trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương;
  • Các rối loạn thoái hóa di truyền, như chứng mất điều hòa di truyền hoặc hội chứng fragile X;
  • Nghiện rượu hoặc cai nghiện;
  • Ngộ độc thủy ngân;
  • Cường giáp;
  • Suy thận hoặc suy gan;
  • Lo âu hoặc hoảng loạn.

Thuốc

Một số thuốc cũng có thể gây run tay. Chẳng hạn:

  • Một số loại thuốc hen suyễn;
  • Thuốc điều trị tâm thần, như một số loại thuốc chống trầm cảm và ổn định tâm trạng;
  • Thuốc chống động kinh, như valproate (Depakene) và valproic acid (Depakote);
  • Thuốc chống loạn nhịp tim, như procainamide;
  • Thuốc điều trị ung thư, như thalidomide;
  • Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, như cyclosporine
  • Corticosteroid;
  • Một số loại thuốc kháng virut;
  • Một số loại kháng sinh;
  • Amphetamine;
  • Caffeine.

Run tay có bình thường không?

Run tay là một tình trạng bình thường, đặc biệt nếu bạn thấy căng thẳng hoặc lo lắng hoặc ngủ không đủ giấc.

Run tay nhẹ không ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn thường không phải vấn đề lớn. Tuy nhiên, nếu bạn bị run tay trầm trọng hoặc kéo dài khiến hoạt động hằng ngày bị ảnh hưởng, bạn nên đến khám bác sĩ để giúp xác định nguyên nhân.

Bạn có thể ngăn run tay bằng cách nào?

Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể dùng giúp ngăn ngừa run tay.

  • Thay đổi lối sống: Những thay đổi lối sống sau đây có thể giúp giảm run tay ở những người bị run tay sinh lý tăng cường:
  • Tránh tập thể dục quá mạnh;
  • Tránh uống quá nhiều rượu bia;
  • Tránh các tác nhân kích thích, như caffeine và amphetamine.
  • Điều trị bệnh lý tiềm ẩn: Run tay do bênh lý tiềm ẩn, như bệnh cường giáp hoặc cai nghiện rượu, thường cải thiện sau khi điều trị các bệnh lý đó.
  • Kĩ thuật tâm lý học: Những người bị run tay do lo âu hoặc hoảng loạn có thể thực hành các kĩ thuật thư giãn, như tập thở và chánh niệm.
  • Đổi thuốc: Run có thể là tác dụng phụ của việc dùng một số loại thuốc. Nếu bạn bị run khi đang sử dụng một thuốc nào đó, bạn nên báo tác dụng phụ này với bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc đổi sang một thuốc khác.
  • Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp bạn luyện tập để cải thiện:
  • Kiểm soát cơ, chức năng và sức bền;
  • Sự phối hợp;
  • Sự thăng bằng.
  • Trị liệu nghề nghiệp: chuyên gia trị liệu nghề nghiệp có thể giúp bạn sống chung với tình trạng run để tiếp tục tham gia vào các hoạt động thường ngày.

Khi nào cần đến khám bác sĩ

Bất cứ ai đột ngột bị run tay hay run những bộ phận khác của cơ thể nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán, Bác sĩ sẽ loại trừ những nguyên nhân nghiêm trọng có thể cần điều trị y khoa.

Những người đã bị triệu chứng run nên đi khám bác sĩ nếu run trở nên nặng thêm hoặc bắt đầu gây cản trở cuộc sống thường ngày.

Những lựa chọn điều trị cho chứng run tay

Hầu hết các loại run đều không thể chữa được. Tuy nhiên, những lựa chọn điều trị có thể giúp bạn kiểm soát được triệu chứng.

Thuốc

Bác sĩ có thể kê toa thuốc giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng run, gồm:

  • Thuốc chặn beta, như propranolol;
  • Thuốc chống lo âu;
  • Thuốc chống động kinh, như primidone.

Bác sĩ cũng có thể cho những thuốc đặc trị cho người mắc chứng run liên quan đến tình trạng bệnh lý như bệnh Parkinson hoặc bệnh đa xơ cứng. Nếu bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân gây run, bác sĩ có thể kê toa thuốc an thần giúp thư giãn các cử động cơ không chủ ý.

Botox

Botox là một chất độc thần kinh có thể gây tê liệt cục bộ. Tiêm botox có thể có hiệu quả trong việc điều trị chứng run giọng và run đầu. Tuy nhiên, tiêm botox cho chứng run tay có thể dẫn đến yếu các ngón tay.

Phẫu thuật

Một số người bị run trầm trọng mà không đáp ứng với thuốc hoặc có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Ở những trường hợp như vậy, bác sĩ có thể khuyên can thiệp phẫu thuật, như kích thích não sâu (DBS).

Khi thực hiện phẫu thuật DBS, bác sĩ đặt một máy phát điện nhỏ dưới da ở phần ngực phía trên. Máy phát điện gửi tín hiệu điện đến các điện cực được cấy ghép trong đồi thị, là phần não điều phối và kiểm soát một số vận động không chủ ý.

Bác sĩ sử dụng DBS để điều trị tình trạng run liên quan đến chứng run cơ bản, bệnh Parkinson hoặc sa sút trí tuệ.

Nếu bạn không thích hợp cho phẫu thuật DBS, bác sĩ có thể chỉ định những thủ thuật khác, như:

  • Cắt bỏ bằng sóng âm: sử dụng một dòng điện để đốt nóng các mô thần kinh nhằm phá vỡ khả năng chuyển tiếp tín hiệu trong vài tháng.
  • Xạ phẫu: sử dụng các chum bức xa hội tụ chính xác để phá hủy các tế bào não hoạt động quá mức gây ra tình trạng run.

Tổng kết

Mỗi người đều có tình trạng run nhẹ ở bàn tay hoặc những bộ phận cơ thể khác khi di chuyển hoặc duy trì một tư thế nào đó. Điều này là bình thường và được gọi là run sinh lý. Một số yếu tố có thể khiến tình trạng run dễ nhận thấy hơn, bao gồm căng thẳng hoặc lo âu, tiêu thụ caffeine và thiếu ngủ.

Ở một số trường hợp, những cơn run trầm trọng hoặc kéo dài có thể báo hiệu một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc tác dụng phụ của một loại thuốc nào đó. Bất cứ ai đột ngột gặp trình trạng run nên đến khám bác sĩ sớm nhất có thể để được chẩn đoán.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top