Câu trả lời ngắn gọn chính là bạn không nên sử dụng. Nhưng câu hỏi thực sự là tại sao bạn lại cần sử dụng statin trong thai kì? Bạn nên nhớ rằng tăng Cholesterol không phải là bệnh lí, nó chỉ là một yếu tố nguy cơ cho một vài bệnh lí khác.
Statin được xác định là nhóm thuốc giúp hạ nồng độ LDL, Cholesterol “xấu” trong cơ thể bằng cách giảm quá trình sản xuất tại gan, nơi tổng hợp Cholesterol chính của cơ thể.
Cục FDA (Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ) kết luận rằng Statin không được khuyến cáo sử dụng trong thai kì. Được phân loại Nhóm thuốc “X” trong thai kì, điều này có nghĩa rằng đã có những nghiên cứu chỉ ra thuốc có thể gây dị tật cho thai cũng như những tác hại là lớn hơn rất nhiều so với lợi ích của nó.
Có một vài nghiên cứu đưa ra kết quả trái ngược rằng Statin có thể an toàn trong thai kì, tuy nhiên trong khi vẫn tồn tại sự mâu thuẫn thì tốt nhất bạn nên ngưng Statin nếu như bạn đang muốn có thai hoặc đang có thai.
Statin có thể đi qua nhau thai và vì thế mà có khả năng ảnh hưởng cho sự phát triển của phôi thai.
Hầu hết phụ nữ mang thai sẽ có tăng nồng độ Cholesterol trong thai kì. Mặc dù có vẻ đáng báo động tuy nhiên thì thường sau sanh khoảng 06 tuần, Cholesterol trong máu sẽ giảm dần về mức bình thường.
Phụ nữ trước khi mang thai có nồng độ Cholesterol toàn phần khoảng 170. Trong khoảng đầu thai kì con số sẽ dao động giữa 175-200 và có thể tăng lên tới 250 ở cuối thai kì. Theo các số liệu của Đại học Harvard thì Cholesterol toàn phần dưới 200 là khá lí tưởng và khi tăng lên trên mức 240 thì chúng ta cần phải thận trọng. Tuy nhiên thì những con số này không chính xác lắm trong thai kì.
Phụ nữ mang thai sẽ tăng nồng độ LDL, tuy nhiên chỉ số HDL (được xem là Cholesterol có lợi, giúp loại bỏ Cholesterol “xấu”) cũng tăng, có thể đạt tới 65 vào cuối thai kì. Và HDL trên 60 có khả năng bảo vệ bạn khỏi bệnh lý tim mạch.
Theo 1 số chuyên gia thì Cholesterol thực sự cần thiết cho sự phát triển của thai, nhất là phát triển trí não. Thêm vào đó cơ thể mẹ cũng cần một lượng Cholesterol nhiều hơn để tiếp tục sản xuất Estrogen và Progesterone, những hormon đóng vai trò sống còn cho sự phát triển của thai.
Điều cần phải xem xét đó chính là sức khỏe của người mẹ trước khi Cholesterol máu bắt đầu tăng. Thông thường phụ nữ ít khi có các yếu tố nguy cơ tim mạch trước khi mãn kinh, thời điểm không thể có thai được nữa.
Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ gần như không có yếu tố nguy cơ để phải sử dụng Statin trong thời gian mang thai là câu trả lời phù hợp nhất khi nói về tăng Cholesterol máu trong thai kì.
Theo hầu hết các hướng dẫn y khoa, giảm tiêu thụ mỡ bão hòa trong 6 tháng chính là động thái điều trị đầu tiên.
Trong nhiều trường hợp, chỉ cần thay đổi chế độ ăn cũng như tập luyện thể dục là đủ để giảm Cholesterol máu. Cả trước và sau khi mang thai, bạn cần luôn phải duy trì thói quen ăn uống cũng như tập luyện lành mạnh để chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
Nhiều chuyên gia tin rằng chế độ ăn uống lành mạnh là điều đầu tiên và hiệu quả nhất để giảm nồng độ Cholesterol. Bao gồm sử dụng thức ăn chứa ít mỡ bảo hòa, ăn nhiều chất xơ trong rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt chưa qua chế biến.
Các bà bầu cũng cần phải tập luyện thể dục để góp phần kiểm soát nồng độ Cholesterol máu. Không cần thiết phải tập luyện một cách nghiêm ngặt, chỉ cần bạn ra ngoài và vận động là được.
Tóm lại dành cho những ai đang mang thai hoặc có ý định mang thai, điều cần thiết để ổn định nồng độ Cholesterol trong máu chính là sử dụng chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp tập luyện thể dục, và điều quan trọng chính là bạn hãy ngưng sử dụng Statin ngay lập tức. Chính cơ thể bạn cũng như con bạn sẽ cảm ơn bạn vì điều này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh