Lisinopril

Nội dung

Thuốc Lisinopril là gì?

Thuốc Lisinopril điều trị tăng huyết áp, điều trị suy tim, nhồi máu cơ tim cấp có huyết động ổn định, điều trị bệnh thận do đái tháo đường.

Thành phần

  • Dược chất chính: Lisinopril (dưới dạng Lisinopril dihydrat) 10 mg

  • Loại thuốc: Thuốc tim mạch

  • Dạng thuốc, hàm lượng: Hộp 10 vỉ x 10 viên nén, 10mg

Công dụng

  • Điều trị tăng huyết áp: Dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác như thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc chẹn alpha hoặc chẹn kênh calci…

  • Điều trị suy tim: Dùng kết hợp lisinopril với các glycosid tim và các thuốc lợi tiểu để điều trị suy tim sung huyết cho người bệnh đã dùng glycosid tim hoặc thuốc lợi tiểu đơn thuần mà không đỡ.

  • Nhồi máu cơ tim cấp có huyết động ổn định: Dùng phối hợp lisinopril với các thuốc làm tan huyết khối, aspirin, và/hoặc các thuốc chẹn beta để cải thiện thời gian sống ở người bệnh nhồi máu cơ tim cấp có huyết động ổn định. Nên dùng lisinopril ngay trong vòng 24 giờ sau cơn nhồi máu cơ tim xảy ra.

  • Điều trị bệnh thận do đái tháo đường

Liều dùng

Cách dùng

Dùng đường uống

Liều dùng

Lisinopril là thuốc ức chế men chuyển có tác dụng kéo dài, vì vậy thuốc được dùng đường uống và ngày dùng 1 lần.

Người lớn:

Điều trị tăng huyết áp:

  • Liều khởi đầu: 5 – 10 mg/ngày, điều chỉnh liều theo đáp ứng lâm sàng của người bệnh.

  • Liều duy trì: 20 – 40 mg/ngày.

Làm thuốc giãn mạch, điều trị suy tim sung huyết:

  • Liều khởi đầu: 2, 5 – 5 mg/ngày, điều chỉnh liều theo đáp ứng lâm sàng của người bệnh.

  • Liều duy trì: 10 – 20 mg/ngày.

Nhồi máu cơ tim: Dùng cùng với thuốc tan huyết khối, aspirin liều thấp và thuốc chẹn beta.

  • Liều khởi đầu: Dùng 5 mg trong vòng 24 giờ sau khi các triệu chứng của nhồi máu cơ tim xảy ra, tiếp theo sau 24 và 48 giờ dùng liều tương ứng 5 và 10 mg.

  • Liều duy trì 10 mg/ngày, điều trị liên tục trong 6 tuần; nếu có suy cơ tim thì đợt điều trị kéo dài trên 6 tuần. + Trẻ em: Chưa xác định được hiệu quả và độ an toàn của thuốc.

Điều trị tăng huyết áp kèm suy thận:

  • Nếu độ thanh thải creatinin từ 10 – 30 ml/phút, dùng liều khởi đầu 2, 5 – 5 mg/lần/ngày.

  • Nếu độ thanh thải creatinin < 10 ml/phút, dùng liều khởi đầu 2, 5 mg/lần/ngày. Sau đó điều chỉnh liều dựa vào sự dung nạp thuốc và đáp ứng huyết áp của từng người bệnh, nhưng tối đa không quá 40 mg/lần/ngày. Điều trị suy tim, có giảm natri huyết:

  • Nồng độ natri huyết thanh < 130 mEq/lít, hoặc độ thanh thải creatinin < 30 ml/phút hoặc creatinin huyết thanh > 3 mg/decilit, liều ban đầu phải giảm xuống 2, 5 mg. Sau liều đầu tiên, phải theo dõi người bệnh trong 6 – 8 giờ cho tới khi huyết áp ổn định.

Điều trị nhồi máu cơ tim và suy thận: (nồng độ creatinin huyết thanh > 2 mg/decilit), nên dùng lisinopril khởi đầu thận trọng (việc điều chỉnh liều ở người bệnh nhồi máu cơ tim và suy thận nặng chưa được lượng giá).

  • Nếu suy thận (nồng độ creatinin huyết thanh > 3 mg/decilit) hoặc nếu nồng độ creatinin huyết thanh tăng 100% so với bình thường trong khi điều trị thì phải ngừng lisinopril.

  • Nếu chế độ điều trị cần phải phối hợp với thuốc lợi tiểu ở người bệnh suy thận nặng thì nên dùng thuốc lợi tiểu quai như furosemid sẽ tốt hơn lợi tiểu thiazid.

Tác dụng phụ 

Thường gặp, ADR > 1/100

  • Toàn thân: Đau đầu.

  • Hô hấp: Ho khan và kéo dài.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

  • Tiêu hóa: Buồn nôn, mất vị giác, tiêu chảy.

  • Tuần hoàn: Hạ huyết áp.

  • Da: Ban da, rát sần, mày đay có thể ngứa hoặc không.

  • Khác: Mệt mỏi, protein niệu, sốt hoặc đau khớp.

Lưu ý

Chống chỉ định:

Không dùng lisinopril cho người bệnh bị hẹp lỗ van động mạch chủ, hoặc bệnh cơ tim tắc nghẽn, hẹp động mạch thận hai bên hoặc ở một thận đơn độc và người bệnh quá mẫn với thuốc.

Thận trọng khi sử dụng

  • Người có bệnh thận từ trước hoặc dùng liều cao cần phải theo dõi protein niệu. Xét nghiệm đều đặn số lượng bạch cầu là cần thiết đối với người bị bệnh collagen mạch hoặc người dùng thuốc ức chế miễn dịch.

  • Người bị suy tim hoặc người có nhiều khả năng mất muối và nước (thí dụ dùng thuốc cùng với thuốc lợi tiểu hoặc cùng với thẩm tách) có thể bị hạ huyết áp triệu chứng trong giai đoạn đầu điều trị bằng thuốc ức chế enzym chuyển. Có thể giảm thiểu triệu chứng này bằng cách cho liều khởi đầu thấp, và nên cho lúc đi ngủ.

  • Vì nồng độ kali huyết có thể tăng trong khi điều trị bằng thuốc ức chế enzym chuyển, nên cần phải thận trọng khi dùng các thuốc lợi tiểu giữ kali, hoặc khi bổ sung thêm kali.

  • Thời kỳ mang thai: Các thuốc ức chế enzym chuyển có nguy cơ cao gây bệnh và tử vong cho thai nhi và trẻ sơ sinh nếu trong thời kỳ mang thai, nhất là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ, bà mẹ dùng thuốc này. Vì vậy không dùng lisinopril cho người mang thai, nếu đang dùng thuốc mà phát hiện có thai thì cũng phải ngừng thuốc ngay.

  • Thời kỳ cho con bú: Chưa xác định được thuốc có bài tiết vào sữa mẹ hay không, không nên dùng thuốc cho người đang nuôi con bú.

  • Tác động của thuốc đến khả năng lái xe và vận hành máy móc

  • Chưa thấy thuốc có ảnh hưởng tới người lái xe và vận hành máy móc, tuy nhiên, nên thận trọng vì trong thời gian uống thuốc có thể biểu hiện nhức đầu, mệt mỏi.

Tương tác thuốc

  • Các thuốc cường giao cảm và chống viêm không steroid, đặc biệt là indomethacin có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của lisinopril.

  • Ciclosporin, thuốc lợi tiểu giữ kali và các thuốc bổ sung kali có thể gây nặng thêm tăng kali huyết do lisinopril.

  • Lisinopril có thể làm tăng nồng độ và độc tính của lithi và digoxin khi dùng đồng thời.

  • Estrogen gây ứ dịch có thể làm tăng huyết áp

return to top