✴️ Thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối xảy ra khi sụn đệm giữa các xương bị bào mòn. Các xương bắt đầu cọ xát vào nhau, dẫn đến tổn thương, sưng và đau.

Sụn là một mô trơn, dai có tác dụng ngăn xương cọ xát với nhau và ngăn ngừa tổn thương. Nó cho phép các xương di chuyển nhẹ nhàng qua nhau. Khi con người già đi, trọng lượng cơ thể có thể khiến sụn bị mài mòn.

Khi sụn bị mất và xương cọ xát với nhau, có thể dẫn đến thoái hóa khớp (OA).

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Các triệu chứng bao gồm sưng, đau và cứng. Khi nó ảnh hưởng đến đầu gối, chúng ta có thể khó tập thể dục, leo cầu thang hoặc thậm chí đi bộ.

  1. Dấu hiệu và triệu chứng

Thoái hóa khớp gối thường sẽ ảnh hưởng đến chúng ta khi trên 50 tuổi nhưng nó cũng có thể xuất hiện sớm hơn. Các triệu chứng có thể xuất hiện ở giai đoạn sớm như:

  • Đau, đặc biệt khi gập và duỗi gối và khi chịu sức nặng
  • Sưng do tích tụ dịch trong khớp gối hoặc do gai xương được hình thành
  • Sờ nóng vùng da đầu gối, đặc biệt khi về cuối ngày
  • Đau khi nhấn đầu gối
  • Cứng khớp khi di cử động, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc sau khoảng thời gian không vận động hoặc đi bộ
  • Tiếng lục khục khi vận động khớp

Việc vận động có thể khiến các triệu chứng nặng hơn, dẫn đến đau vào cuối ngày, đặc biệt sau khoảng thời gian dài đứng hoặc đi bộ.

Nếu đầu gối bị đỏ, sốt hoặc cả hai triệu chứng xuất hiện thì có thể không phải là thoái hóa khớp.

 

  1. Điều trị

Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Điều trị tại nhà

Một vài phương pháp hỗ trợ và điều trị mà người bệnh có thể tự làm tại nhà và mua được tại hiệu thuốc mà không cần kê đơn như:

  • Chườm nóng hoặc lạnh: nhiệt làm giảm độ cứng và chườm lạnh có thể làm dịu cơn đau và sưng tấy. Đệm sưởi ấm hoặc túi đá nên được phủ bằng khăn để không làm bỏng da.
  • Dụng cụ hỗ trợ: gậy hoặc khung tập đi có thể giúp giảm bớt một phần trọng lượng của đầu gối. Cầm gậy ở tay ngược lại so với đầu gối bị đau là hiệu quả nhất.
  • Thuốc giảm đau: đây là thuốc không cần kê đơn nhưng cần được sử dụng một cách thận trọng vì vẫn có thể gây ra các tác dụng phụ.

Ví dụ về thuốc không kê đơn

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, naproxen và aspirin có thể giúp giảm sưng và đau. Liều cao hoặc sử dụng lâu dài có thể gây đau dạ dày, các vấn đề về tim, chảy máu và tổn thương gan và thận.
  • Các loại kem bôi có chứa NSAID hoặc các thành phần tạo cảm giác nóng lên hoặc làm mát là một cách tương đối an toàn để giảm các triệu chứng.
  • Acetaminophen có thể giúp giảm đau nhưng không giúp giảm sưng. Acetaminophen có ít tác dụng phụ hơn NSAID, nhưng liều lượng lớn có thể gây hại cho gan.

Điều trị theo bác sĩ

Nếu phương pháp điều trị tại nhà hoặc các thuốc không kê đơn không hiệu quả, người bệnh nên đi khám. Một số phương pháp điều trị mà bác sĩ có thể đề nghị như:

  • Tiêm steroid vào khớp gối để giảm viêm
  • Vật lý trị liệu: các bài tập để cải thiện sự linh hoạt và phạm vi chuyển động của khớp

Nếu những phương pháp điều trị trên không hiệu quả và tổn thương đã nghiêm trọng, phẫu thuật thay khớp có thể được thực hiện.

Điều trị

 

  1. Khi nào nên đi khám?

Đối với những người bệnh mà cơn đau và các triệu chứng trở nên nghiêm trọng khiến ảnh hưởng tới sinh hoạt hang ngày, và các thuốc không kê đơn cũng không có tác dụng. Họ nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.

Để xác định người bệnh có thoái hóa khớp hay không, bác sĩ có thể sẽ hỏi về:

  • Thời gian khởi phát và cơn đau diễn ra như thế nào?
  • Vị trí đau
  • Khu vực đau có cứng, kêu lạo xạo, sờ ấm hoặc sưng tấy không?
  • Điều gì làm giảm đau hoặc làm đau hơn?
  • Đã điều trị bằng cách nào? Các biện pháp điều trị tại nhà có hiệu quả hay không?
  • Các triệu chứng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày như thế nào?

Bác sĩ sẽ kiểm tra đầu gối, cử động trước và sau nhằm đánh giá phạm vi hoạt động của khớp và tìm xem chuyển động nào gây đau. Ngoài ra, họ cũng sẽ kiểm tra các vùng bị cứng, nhiệt độ có nóng hay không và có sưng tấy không. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra sự ổn định của các dây chằng.

 

  1. Chẩn đoán

Một số xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán thoái hóa khớp:

  • Chọc hút khớp: Bác sĩ sử dụng kim để hút một mẫu dịch từ khớp và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu của các vấn đề khớp khác, chẳng hạn như bệnh Gout hoặc nhiễm trùng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): có thể cung cấp hình ảnh chi tiết của đầu gối, có thể cho thấy dịch tích tụ trong đùi hoặc xương đầu gối.
  • Chụp X-quang: có thể phát hiện ra những tổn thương ở khớp gối trong giai đoạn sau nhưng có thể không phát hiện ra những thay đổi trong giai đoạn đầu.

 

  1. Thay đổi lối sống

Một số thay đổi lối sống có thể làm giảm đau và cứng xảy ra ở người bị viêm khớp:

Giảm cân có thể giúp giảm đau và phòng ngừa tổn thương khớp thêm nữa.

Đối với những người bị thoái hóa khớp gối và thừa cân hoặc béo phì, các hướng dẫn hiện nay đều khuyến khích việc giảm cân. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên về số cân mà chúng ta nên giảm bớt.

Tập luyện, đặc biệt là các hoạt động cường độ thấp như đi bộ, đạp xe (xe đạp nằm nghiêng), bơi lội có thể giúp giảm đau do viêm khớp.

Bơi lội là phương pháp lý tưởng vì sức nổi của nước làm giảm áp lực lên các khớp, đồng thời cũng làm dịu cơn đau.

Việc tập luyện giúp tăng khả năng vận động, sự linh hoạt và dẻo dai của các cơ hỗ trợ khớp. Nó cũng giúp người bệnh duy trì cân năng phù hợp.

 

  1. Tổng kết

Thoái hóa khớp là một tình trạng phổ biến nhưng nó gây đau đớn và có thể ảnh hưởng đến nhiều người khi họ già đi. Đau, cứng, sưng tấy, nóng hoặc tiếng lục khục tại các khớp có thể là dấu hiệu sớm, đây là thời điểm người bệnh cần đi khám.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top