Năm ấy má về, cái dáng thoăn thoắt bước trong đêm lạnh, trên đôi vai với chiếc quang gánh hiện rõ dưới ánh đèn đêm giao thừa. Phiên chợ tết chẳng còn ai, người người ở nhà chuẩn bị đón giao thừa bên gia đình, chỉ còn những chậu hoa cúc chưa bán kịp sót lại ngả nghiêng giữa một xó chợ trông thật tiêu điều. Như hàng năm, gánh hàng trái cây của má dù bán còn hay hết, má vẫn tranh thủ về lo nhà cửa, bếp núc và hàng trăm thứ việc, có lẽ đêm 30 là đêm cực nhất đối với má. Trong đôi thúng gánh là hai chậu cây quất trái say cành chín vàng mọng trĩu, tôi ôm đặt vào trước hành lang, gắn thêm vài dây đèn chớp trông thật rực rỡ với không khí xuân về, má lau bàn thờ đặt xuống đó một ít bánh mứt với cả trà, quay sang dặn tôi.
- Con đi xuống lấy cái dĩa, lên đây sắp 5 loại quả này để lên bàn thờ, xong rồi xuống bếp nhóm lửa lên, để luộc trứng kho thịt, và còn gói bánh tét rồi nấu nữa, nhanh lên trễ lắm rồi.
- Ủa sao lại là 5 quả hả má.
- Đó là mâm ngũ quả đó con, chỉ có trong ngày tết, trước hết mãng cầu, dừa, xoài, đu đủ và sung. Năm trước đã xếp lên bàn, giờ con quên rồi sao.
- Dạ. Má đi tắm đi, để con sắp lên bàn thờ rồi xuống nhóm lửa.
Ngoài sân từng cơn gió mang hơi thở của tiết xuân tháng giêng, lùa qua khe cửa se lành lạnh từ nhà trên tới nhà bếp. Những người anh đã quấn mền ngủ từ bao giờ tư thế nằm ngang nằm dọc chẳng hề ý tứ, tiếng ngáy đều đều nối tiếp trút vào đêm.
Tôi nhóm lên bếp lửa, thấy lòng mình rạo rực, cái giá lạnh cũng dần dần tan biến khỏi con người, miệng không còn đơ cứng, và những ngón tay cũng chẳng còn nhăn buốt. Mỗi năm giao thừa tôi thích được ở dưới bếp, để nấu bánh tét và nghe mẹ kể " những mùa xuân xưa rất nghèo, thèm tiếng sôi ùng ục của nước, thèm nghe mùi hương bánh tét được gói trong chiếc lá chuối với vị nếp chín thơm nồng, thèm nghe tiếng lửa bập bùng, chứ không phải tiếng bom rơi đạn nổ, khói lửa điêu tàn giăng kín quê hương, và những gì bây giờ đã có trước mắt, là thứ xa xỉ và là ước mơ của những thế hệ trước ". Đôi mắt má đăm chiêu rưng rưng theo tiếng nói nghẹn ngào.
Tôi nhìn cái dáng của má bên bếp lửa hồng, đôi bàn tay gầy guộc khéo léo gói từng chiếc bánh, những giọt mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt, một hình ảnh quá quen thuộc lẫn ấm lòng của mấy chục cái xuân qua, đó là một thời khắc mà tôi vĩnh viễn không bao giờ quên được, má nấu luôn cả trời tuổi thơ của tôi nên mỗi dịp xuân về nghe hương vị nồng nàn, mùi thơm của nếp đã thấm vào hồn mê mang từ thuở lên bảy cho đến giờ. Ánh sáng của muôn nhà đang thức đón giao thừa, như chính má thức cặm cụi lo chu toàn để mùa xuân đủ đầy no ấm, dẫu nghèo hay sang vẫn là mùa xuân đẹp nhất, có má mùa xuân ngọt như hoa quả mật đời. Má quay sang tôi dặn dò.
- Lấy cái nồi bỏ trứng vào luộc đến chín thì vớt ra lột vỏ cho má kho thịt.
- Dạ chín rồi đó má.
- Xong rồi lên đi mặc thử bộ đồ xuống cho má coi đẹp không.
- Má có mua quần áo mới cho con hả.
- Ừ má để bên trong buồng, thử xong rồi cất đi để ngày mai mặc đi lễ chùa.
Tôi vui mừng chạy vào trong buồng, thấy bộ đồ mới tinh còn mùi thơm của vải, vội vàng ngắm nghía thích thú mặc vào, chiếc áo sơ mi trắng rộng thùng thình, cái quần tây cũng quá cỡ, mỗi năm má đều mua quần áo lớn hơn một ít, tôi lật đật chạy xuống bếp cho má coi.
- Ý trời ơi, đẹp quá bộ đồ vừa như khuôn.
- Cái gì mà vừa như khuôn, nó rộng như cái bao bố thế này mà.
- Thì sang năm thêm lớn, lại mặc vừa, chứ mua số nhỏ quá, sang năm lớn lên rồi lại bỏ. Đẹp rồi đó, lột ra cất đi.
Mỗi năm má đều nói câu này, có lẽ đó là câu nói huyền thoại của những người mẹ mỗi lần mua áo quần cho con. Tôi tháo bộ đồ mới cất xếp gọn gàng ngăn nắp, chạy xuống bếp quay quần bên má. Bên bếp lửa bập bùng, một số chiếc bánh má đã gói xong cho vào nồi, cái mùi hương này nó cứ nhắc tôi nhớ miên man về những khoảng trời xa xăm ngày ấy, chẳng nơi đâu ấm áp như nơi này, ngoài kia là những cơn lạnh thấu lòng, gió phảng phất se sắt vào da thịt, hàng cây trước ngõ cũng tái tê trong một đợt giao mùa. Tôi hiểu ra rằng không có mùa xuân nào ấm đẹp bằng chính nét xuân của quê nhà. Tôi ngồi nghe má kể chuyện bên bếp lửa, nồi thịt kho trứng sôi ùng ục lẫn hương vị bánh tét, thả vào đêm ba mươi làm người ta nôn nao nhớ về những tháng ngày, những tháng ngày ấy là khoảng trời hạnh phúc và êm đẹp ngọt ngào như miếng mứt dừa gặm nhấm trong dịp tết, như bếp lửa có dáng mẹ xua tan những đêm đông.
- Sao con không ngủ đi, sắp xong hết mọi việc rồi.
- Con muốn ở đây đón giao thừa với má.
- Trời ơi, lại đón giao thừa nữa, năm nào thằng hai, thằng ba, cũng ngủ say, miệng thì cứ nói tối nay đón giao thừa với má, mà về thì thấy tụi nó đã ngáy khò khò. Mấy năm nay chỉ có 2 mẹ con dưới cái bếp như thế này, người ta đón giao thừa là cả nhà sum vầy bên nhau, thôi đi ngủ đi có 2 người mà giao thừa gì, giao thiết gì.
- Thì như mọi năm ấy, gọi là đón giao thừa đi, con nôn tết quá nên không ngủ được.
- Ngày xưa khi má còn ở nhà ngoại, cứ mỗi đêm giao thừa, cả nhà sum họp đông vui lắm, nhưng chủ yếu quay quần bên bếp lửa, tiếng nói cười rộn ràng, thuở ấy nghèo nhưng tết rất ý nghĩa đối với văn hóa của người Việt Nam chúng ta, ra chợ đông kín người đi chơi, chùa chiền vui như lễ hội, giờ càng ngày thấy tết càng nhạt nhẽo.
- Con có thấy nhạt đâu, đối với con chỉ đơn giản thấy cái dáng của má bên bếp lửa nấu bánh là có cả một trời xuân hiện về vui tươi hạnh phúc về rồi.
- Cái thằng này, còn nhỏ mà y như ông già chín mươi.
- Mà mấy năm má đều mua chậu Cúc Vạn thọ, sao năm nay má lại mua quất.
- Ừ cho khác với mọi năm vậy mà.
- Sao tết người ta hay mua bông vạn thọ vậy má.
- Để má nói ý nghĩa, vì sao bông vạn thọ có trong dịp tết cho con nghe " vì cầu bình an và cũng chính là lòng hiếu thảo đối với cha mẹ ông bà. Những bông cúc vạn thọ là tượng trưng cho sự ấm áp của ánh mặt trời, là khát khao một cuộc sống sung túc, giàu sang " vạn thọ còn hiểu nôm na là tuổi thọ nhiều đó con.
- Sao năm nay má lại chọn cây quất, nó tượng trưng cho điều gì.
- Nó cũng có 1 ý nghĩa gần giống vậy, thường người ta sẽ chọn cây quất thật nhiều quả "trong quan niệm dân gian là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên, thể hiện sự sum vầy của nhiều thế hệ trong gia đình. Những cây quất lá xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống đó con"
- Con hiểu rồi. Vậy là nhà mình năm nay được mùa.
Má lắc đầu khẽ cười, nụ cười hòa lẫn vào tiếng củi cháy, những làn khói ảo huyền bao trùm không gian bếp, xuân đến xuân lại đi, và mỗi mùa xuân luôn đẹp trong đôi bàn tay của má, đã tô lên cuộc đời những gam màu hồi ức thật đẹp, nó thật bình dị và nhẹ nhàng như những sợi khói đã hít trong mũi và trôi vào cõi người, má ướp vào hồn hương vị tết nồng nàn, mỗi năm xao xuyến tôi trong căn nhà bếp đôi mắt cay nồng cứ nhớ những mùa xuân đã qua với hình dáng của má.
Má đã mang mùa xuân về cho cuộc đời tôi, bằng bếp lửa khói nồng, bằng những câu chuyện kể chẳng giữa bếp lửa chẳng còn mùa đông lạnh giá đanh phủ vùi lấy đời tôi. Tôi còn má có nghĩa là mùa xuân sẽ đến mỗi ngày, là tuổi thơ còn đây là hương vị tết say. Là những điều tuyệt vời đã có trên trái đất này.
Cho đến bây giờ tôi đã trưởng thành, mỗi năm tết về, vẫn thấy má như thuở ấy thắp lên cái bếp đầy ấm áp, ngọn lửa ấy chính là tấm lòng của má đã sưởi ấm cho cả nhà. Giờ mái tóc má đã bạc trắng, có phải những sợi khói của thời gian đã đọng lại không bao giờ bay đi, hương vị của ngày ấy vẫn còn đó, vẫn là tuổi hồng thưở nào quay quần bên má của những đêm giao thừa. Mùa xuân xin hãy cứ tới, nhưng đừng ban tặng cho má thêm bất cứ một tuổi nào. Nếu một mai má không còn nữa, hương vị tết sẽ nhạt mất, và cuộc đời tôi là những đợt lạnh trong ngõ gió heo may, hình dáng ấy sẽ không còn dưới bếp, bếp lạnh đến không ngờ nếu vắng đôi tay má, hương vị tuổi thơ sẽ không được lặp lại mỗi năm xuân về. Mùa xuân của tôi là bóng của má trong gian bếp.
Truyện ngắn của Quang Nguyễn