✴️ Thoái hóa khớp gối là gì, có điều trị dứt điểm được không?

Thoái hóa khớp gối là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hạn chế vận động ở người cao tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến đau mạn tính, biến dạng khớp, mất chức năng vận động và tàn phế.

Thoái hóa khớp vùng gối tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều bất tiện cho người bệnh

1. Định nghĩa và phân loại giai đoạn bệnh

Thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương mạn tính tại khớp gối, biểu hiện bằng sự thoái triển của sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, hình thành gai xương và giảm chất lượng dịch khớp. Bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc khớp bao gồm sụn, xương, màng hoạt dịch, dây chằng và cơ quanh khớp.

Bệnh được chia thành 4 giai đoạn theo mức độ tổn thương trên hình ảnh học (X-quang):

  • Giai đoạn 1: Khe khớp còn bình thường, có thể xuất hiện gai xương nhỏ.

  • Giai đoạn 2: Khe khớp hẹp nhẹ, hình thành gai xương rõ rệt hơn.

  • Giai đoạn 3: Khe khớp hẹp nhiều, xuất hiện nhiều gai xương, xương dưới sụn biến dạng.

  • Giai đoạn 4: Khe khớp gần như biến mất, xương dưới sụn đặc, đầu xương biến dạng nặng.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Thoái hóa khớp gối có thể được chia thành hai nhóm nguyên nhân chính:

2.1. Nguyên phát

  • Tuổi tác: Là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Quá trình lão hóa làm giảm khả năng tái tạo sụn và thay đổi cấu trúc khớp.

  • Di truyền: Có yếu tố gia đình liên quan đến bệnh thoái hóa khớp.

  • Nội tiết: Sự suy giảm estrogen sau mãn kinh có thể liên quan đến tiến triển thoái hóa khớp ở nữ giới.

2.2. Thứ phát

  • Chấn thương: Gãy xương, tổn thương sụn chêm, dây chằng… nếu không điều trị đúng có thể dẫn đến thoái hóa thứ phát.

  • Thừa cân – béo phì: Gây tăng tải trọng lên khớp gối.

  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động: Làm giảm tuần hoàn và duy trì chức năng khớp.

  • Dinh dưỡng không đầy đủ: Thiếu vitamin D, canxi và các vi chất cần thiết cho xương và sụn.

  • Bệnh lý nền: Viêm khớp dạng thấp, Gout, rối loạn chuyển hóa.

  • Lạm dụng corticoid: Dùng lâu dài làm suy yếu mô liên kết, tăng nguy cơ thoái hóa.

Những cơn đau ở khớp khi thay đổi tư thế rồi tăng dần tần suất, số lượng là dấu hiệu điển hình của bệnh

3. Triệu chứng lâm sàng

Người bệnh thường có các biểu hiện điển hình sau:

  • Đau khớp gối: Đau tăng khi đi lại, đứng lâu, leo cầu thang. Giai đoạn muộn có thể đau liên tục ngay cả khi nghỉ ngơi.

  • Cứng khớp buổi sáng: Khó khăn khi cử động khớp gối, thường kéo dài vài phút.

  • Sưng khớp, tràn dịch: Thường do viêm màng hoạt dịch hoặc phản ứng viêm tại khớp.

  • Biến dạng chi: Chân có thể bị lệch trục, đi khập khiễng, teo cơ vùng đùi cẳng chân.

4. Đối tượng nguy cơ cao

  • Người ≥60 tuổi

  • Phụ nữ mãn kinh

  • Người lao động nặng, mang vác nhiều

  • Người béo phì, thừa cân

  • Người có tiền sử chấn thương khớp gối hoặc phẫu thuật chỉnh hình

5. Biến chứng nếu không điều trị kịp thời

  • Đau khớp mạn tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống

  • Mất chức năng khớp, hạn chế vận động

  • Biến dạng khớp, lệch trục chi

  • Tăng nguy cơ té ngã, gãy xương

  • Phụ thuộc vào dụng cụ hỗ trợ di chuyển

6. Chẩn đoán bệnh

Các phương pháp chẩn đoán thường dùng gồm:

  • Khám lâm sàng: Đánh giá biên độ vận động, đau, tràn dịch…

  • X-quang khớp gối: Phát hiện hẹp khe khớp, gai xương, biến dạng xương dưới sụn

  • MRI (Cộng hưởng từ): Đánh giá tổn thương sụn và mô mềm quanh khớp

  • Siêu âm khớp: Phát hiện tràn dịch, viêm màng hoạt dịch

7. Nguyên tắc điều trị

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có thể kiểm soát triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh bằng các biện pháp sau:

7.1. Điều trị nội khoa

  • Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs)

  • Glucosamine, chondroitin sulfate, diacerein…

  • Tiêm acid hyaluronic nội khớp trong một số trường hợp

7.2. Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng

  • Bài tập vận động tăng cường sức cơ, giảm tải khớp

  • Các phương pháp hỗ trợ như nhiệt trị, điện trị liệu

7.3. Phẫu thuật

  • Nội soi khớp làm sạch ổ khớp

  • Thay khớp gối nhân tạo (chỉ định khi điều trị nội khoa không hiệu quả)

8. Phòng ngừa và quản lý bệnh lâu dài

  • Duy trì cân nặng hợp lý

  • Tập thể dục thường xuyên: đi bộ, bơi lội, yoga

  • Hạn chế vận động quá mức hoặc sai tư thế

  • Bổ sung canxi, vitamin D, chế độ ăn giàu chất xơ, omega-3

  • Thăm khám định kỳ để theo dõi và điều chỉnh điều trị kịp thời

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top