✴️ Thoái hóa khớp thứ phát

Nội dung
  1. Định nghĩa

Theo Viện quốc gia về bệnh viêm khớp, cơ xương và da (NIAMS), thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất và thường xảy ra ở người lớn tuổi.

OA là bệnh lý khớp trong đó sụn khớp bị phá hủy. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể nhưng thường xảy ra ở: ngón tay, cổ tay, thắt lưng, hông, đầu gối.

Các triệu chứng của OA có thể khác nhau từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

  • Đau khớp, có thể nặng hơn về đêm
  • Cứng khớp, xảy ra sau khoảng thời gian nghỉ ngơi hoặc ngủ
  • Giới hạn vận động tại các khớp bị thoái hóa
  • Sưng quanh khớp, có thể nặng hơn sau khi vận động các khớp bị thoái hóa
  • Khớp lỏng lẻo hoặc cảm thấy không ổn định
  1. Thoái hóa khớp nguyên phát và thứ phát

Chúng ta có thể bị thoái hóa khớp nguyên phát hoặc thứ phát. Cả hai dạng đều biểu hiện triệu chứng giống nhau nhưng nguyên nhân gây bệnh khác nhau.

OA nguyên phát không có nguyên nhân rõ ràng. Trong khi đó, OA thứ phát xảy ra do một bệnh lý sẵn có, bất thường, nhiễm trùng hoặc chấn thương.

  1. Nguyên nhân

Các nguyên nhân gây OA thứ phát có thể do:

  • Bất thường khớp sẵn có
  • Chấn thương khớp
  • Bệnh khớp bẩm sinh
  • Viêm khớp
  • Nhiễm trùng khớp
  • Loãng xương
  • Hoại tử vô mạch: nơi mô xương chết do thiếu nguồn cung cấp máu
  • Viêm xương sụn bóc tách: nơi xương bên dưới sụn khớp chết do thiếu nguồn cung cấp máu
  • Bệnh Paget
  • Rối loạn chuyển hóa
  • Bệnh về huyết sắc tố là tình trạng ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu
  • Hội chứng Ehlers-danlos
  • Hội chứng Marfan
  1. Điều trị

Điều trị thoái hóa khớp thứ phát mục đích giúp giảm đau, giảm cứng khớp và tăng phạm vi hoạt động và chức năng của khớp. Nó cũng có thể giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Việc điều trị bao gồm:

Tập luyện

Nghiên cứu đã cho thấy sự kết hợp giữa tập thể dục nhịp điều và các bài tập kháng cự cũng có thể giúp giảm đau và cải thiện chức năng thể chất.

Việc tập luyện cũng có thể giúp tăng cường sức cơ, tăng sức bền và cải thiện tính linh hoạt. Các bài tập cho OA có thể như:

  • Các bài tập kéo căng để cải thiện phạm vi chuyển động
  • Sử dụng tạ hoặc dây tập để tăng cường cơ bắp, điều này sẽ giúp hỗ trợ tốt hơn cho các khớp
  • Thực hiện các bài tập để giúp thúc đẩy sự cân bằng và nhanh nhẹn, có thể giúp mọi người duy trì các hoạt động hàng ngày
  • Tập thể dục dưới nước để giảm áp lực cho các khớp hoặc tham gia vào các hoạt động cường động thấp khác, chẳng hạn như đi bộ, thái cực quyền hoặc đạp xe

Chúng ta nên tránh các hoạt động làm nặng hơn hơn các triệu chứng hoặc gây áp lực cho các khớp.

Giảm cân đối với người thừa cân

Giảm cân có thể giúp giảm áp lực lên các khớp. Việc giảm 1 pound (lb) cân nặng có thể làm giảm 4 lb áp lực lên đầu gối ( 1lb = 0.5 kg).

Ngoài ra, giảm cân đối với người thừa cân cũng có thể giúp:

  • Giảm đau và cải thiện chức năng thể chất
  • Giảm viêm
  • Làm chậm sự tiến triển của viêm khớp và sự phân hủy sụn

Hỗ trợ khớp

Các thiết bị như nẹp và gậy tập đi cũng có thể giúp ổn định khớp và giảm áp lực. Ngoài ra, nếu bị lệch khớp, các thiết bị điều chỉnh chẳng hạn như nẹp chỉnh hình hoặc nẹp đầu gối có thể giúp ích.

Thuốc

Một số loại thuốc có thể giúp giảm đau và giảm viêm. Một số loại thuốc như:

  • Thuốc giảm đau và kháng viêm đường uống
  • Thuốc mỡ giúp giảm đau tại các vùng khớp bị viêm
  • Corticoid: bác sĩ có thể tiêm vào khớp để giúp giảm đau
  • Đối với thoái hóa khớp, tiêm hyaluronic acid vào đầu gối để hỗ trợ bôi trơn khớp
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine chọn lọc qua đường uống để giảm đau lâu dài

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bệnh nhân bị tổn thương khớp nghiêm trọng hoặc OA gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh, việc phẫu thuật có thể là cần thiết.

Trong phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ một phần xương gần khớp bị tổn thương để chuyển trọng lượng ra khỏi khớp đó.

Một lựa chọn phẫu thuật khác là thay khớp một phần hoặc toàn bộ, tùy thuộc vào mức độ tổn thương của khớp. Điều này liên quan đến việc loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khớp để thay thế bằng khớp nhân tạo làm từ nhựa, ceramic hoặc kim loại.

  1. Yếu tố nguy cơ

Yếu tố nguy cơ đối với OA thứ phát bao gồm:

  • Trên 50 tuổi
  • Bị gãy xương, đứt gây chằng hoặc sụn, hoặc chấn thương khớp
  • Làm việc hoặc chơi thể thao sử dụng một loại khớp quá nhiều
  • Béo phì vì thừa cân có thể làm tăng áp lực lên khớp và tăng tình trạng viêm
  • Bất thường cấu trúc khớp hoặc xương bị lệch
  • Yếu cơ
  • Nữ giới
  • Tiền sử gia đình bị OA
  1. Tiên lượng

Tiên lượng OA có thể khác nhau đối với từng người và tùy thuộc vào vị trí khớp bị tổn thương, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và mức độ ảnh hưởng lên chức năng thể chất.

Đối với một số người, OA có thể nhẹ và họ có thể kiểm soát hiệu quả các triệu chứng bằng điều trị. Trong những trường hợp khác, người bệnh có thể bị tàn tật nặng do OA. Việc thay thế khớp có thể là phương pháp về lâu dài tốt nhất cho những người bị OA mức độ nặng.

  1. Tổng kết

OA là bệnh lý khớp trong đó sụn khớp bị phá hủy gây đau, cứng và giới hạn phạm vi vận động.

OA nguyên phát không có nguyên nhân rõ ràng, nhưng OA thứ phát là do bệnh lý sẵn có, chấn thương hoặc nhiễm trùng.

Việc điều trị có thể giúp giảm đau, giảm viêm và làm chậm tiến trình của bệnh.

Các lựa chọn điều trị có thể như tập luyện, giảm cân đối với người thừa cân, các thiết bị hỗ trợ và thuốc. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để làm giảm áp lực lên khớp hoặc thay thế khớp bị tổn thương.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top