✴️ Xét nghiệm HIV sớm trong thai kỳ

Nội dung

HIV lây truyền từ mẹ sang con như thế nào?

Thời kỳ mang thai

Sự lây truyền HIV thời kỳ mang thai xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai mới được 8 tuần và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền HIV qua nhau thai cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua nhau thai để vào cơ thể thai nhi.

Khoảng 20 – 30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ qua bánh nhau. Tỷ lệ này có thể tăng lên nếu tuổi của mẹ tăng hoặc khi mang thai rồi mẹ mới bị nhiễm HIV vì khi đó nồng độ HIV trong máu rất cao. Người mẹ bị nhiễm HIV ở giai đoạn muộn (giai đoạn AIDS) mới mang thai thì nguy cơ này cũng tăng lên.

Khi sinh

Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra khi chuyển dạ. Nguyên nhân khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo (nuốt nước ối, virut trong máu và dịch âm đạo của mẹ có chứa HIV) hoặc do sự trao đổi máu mẹ – thai nhi khi chuyển dạ. Có khoảng 50- 60% số trẻ em bị lây truyền HIV trong giai đoạn này.

Nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, thai bị xây xước, sang chấn…Vỡ ối sớm cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Thời gian vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao.

xét nghiệm

Trẻ có thể bị lây nhiễm HIV từ mẹ ở các giai đoạn: thời kỳ mang thai, khi sinh và giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ

Khi cho con bú

Do HIV có trong sữa mẹ nên khi bú, HIV có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ và lây nhiễm cho đứa trẻ, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng (tưa miệng, viêm họng).

Nguy cơ lây truyền HIV qua bú sữa mẹ sẽ tăng lên nếu mẹ nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS vì nồng độ HIV trong máu mẹ cao hoặc sau khi sinh con vào thời kỳ cho con bú mẹ mới bị nhiễm HIV. Thời gian cho trẻ bú càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV sang con càng lớn.

Các xét nghiệm HIV cho sản phụ

Xét nghiệm HIV dành cho sản phụ sẽ bao gồm: 

  • Xét nghiệm máu, Hb, ALT.
  • Chụp X quang phổi, AFB đờm và những cận lâm sàng khác để hỗ trợ chẩn đoán lao phổi, lao ngoài phổi và những bệnh lý khác.
  • Xét nghiệm creatinin, lipid, glucose máu nếu sản phụ sử dụng TDF và các thuốc ức chế protease.
  • Xét nghiệm CD4, các xét nghiệm giúp lựa chọn phác đồ ARV như HbsAg, anti- HCV.

xét nghiệm HIV

Mẹ bầu cần xét nghiệm HIV sớm để kịp thời can thiệp tránh lây nhiễm sang trẻ

Điều trị sớm, hiệu quả cao

Qua nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cứ 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV (không được can thiệp) thì có khoảng 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, 17 trẻ bị lây nhiễm HIV trong giai đoạn chuyển dạ và 10 trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn bú mẹ. Như vậy, cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV thì có 36 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ sang con…

Còn theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 6.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu không áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV cho con là 35%, như vậy mỗi năm sẽ có khoảng hơn 2.000 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV.

Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng sớm thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ khoảng 5%, đồng nghĩa với việc có thể cứu được hơn 1.600 trẻ em không bị lây truyền HIV từ mẹ.

Việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là biện pháp chính giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang và điều trị dự phòng càng sớm sẽ mang lại hiệu quả cao. Khi mang thai các thai phụ cần được khám thai và làm xét nghiệm HIV sớm nhất trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Nếu xét nghiệm HIV ở giai đoạn cuối thai kỳ hoặc ngay trước khi sinh thì rất khó trong việc điều trị dự phòng bởi việc điều trị dự phòng cần thực hiện ở tuần thứ 28 của thai kỳ mới đạt hiệu quả cao. Theo nghiên cứu, nếu được uống thuốc dự phòng đầy đủ từ tuần thai thứ 28, kết hợp không cho con bú thì tỷ lệ lây bệnh giảm xuống chỉ còn khoảng  5%.

Trong quá trình điều trị dự phòng, quan trọng nhất tuân thủ đúng phác đồ, người mẹ nhiễm HIV và con phải thực hiện uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tùy thuộc vào thời điểm xác định HIV dương tính vào giai đoạn nào của thai kỳ mà bác sĩ sẽ có các chỉ định dự phòng cụ thể.

Theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, khi mang thai bị nhiễm HIV sẽ được uống thuốc dự phòng ARV (Antiretrovirus), trẻ sinh ra cũng uống ARV dự phòng và phải dùng sữa thay thế sữa mẹ hoàn toàn.

xét nghiệm

Điều trị dự phòng sớm sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang bé

Dự phòng trong chuyển dạ, sau sinh và cho con bú

Giai đoạn chuyển dạ, khả năng lây nhiễm HIV sang thai nhi khá cao. Do đó, ngay khi có dấu hiệu chuyển dạ hoặc có thể sớm hơn cần đưa thai phụ đến cơ sở y tế để được trợ giúp những biện pháp hộ sinh an toàn, hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm.

Quan trọng nhất, phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi đỡ đẻ, không rạch màng ối sớm, hạn chế các can thiệp gây chảy máu đường sinh dục trong thời gian sinh, tránh các thủ thuật can thiệp có thể gây tổn thương da cho thai nhi…

Sau khi sinh, các bà mẹ sẽ tiếp tục được cán bộ y tế tư vấn về chăm sóc, điều trị hỗ trợ, đặc biệt là lựa chọn phương thức nuôi con thích hợp với hoàn cảnh, điều kiện. Trẻ lọt lòng mẹ cần được tắm ngay, sau đó được dùng thuốc kháng virus để dự phòng.

Tiếp đó, trẻ cần được theo dõi và xét nghiệm để khẳng định có nhiễm HIV hay không, đồng thời dự phòng các nhiễm trùng cơ hội có thể xảy ra và xem xét chỉ định điều trị thuốc kháng virus nếu trẻ có đủ tiêu chuẩn dùng thuốc.

Khi mẹ bị nhiễm HIV, nguy cơ lây bệnh ở những trẻ bú mẹ là khoảng 15% vì HIV trong sữa mẹ có thể lây sang con theo đường tiêu hóa (nếu trẻ chưa nhiễm HIV). Thời gian bú mẹ càng dài, trẻ càng có nhiều nguy cơ hơn. Vì vậy, người mẹ nên nuôi con bằng sữa thay thế. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn hợp lý.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top