✴️ Ghép da dị loại điều trị vết thương bỏng

Nội dung

KHÁI NIỆM

Da dị loại là da của động vật (da ếch, trung bì da lợn, …) được sử dụng để che phủ vết bỏng như là một vật liệu thay thế da tạm thời với mục đích: giảm đau cho người bệnh; che phủ vết bỏng để hạn chế nhiễm khuẩn, hạn chế thoát dịch thể qua vết bỏng; tạo môi trường thuận lợi để vết thương bỏng nông biểu mô hóa và vết thương bỏng sâu sau cắt bỏ hoại tử hình thành mô hạt. 

Sau một thời gian (thường là 3 – 7 ngày) các mảnh da dị loại sẽ bỏng khỏi vết bỏng, thường là do nhiễm khuẩn, do bị thải loại theo cơ chế miễn dịch hoặc do vết thương bỏng nông phía dưới đã khỏi.

 

CHỈ ĐỊNH

Che phủ tạm thời vết thương bỏng nông

Che phủ tạm thời vết bỏng sâu sau khi cắt bỏ hoại tử bỏng

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Vết thương nhiễm khuẩn.

Vết thương còn hoại tử.

Toàn trạng người bệnh chưa cho phép tiến hành thay băng (trụy tim mạch…).

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện 

Bác sỹ, điều dưỡng viên khoa bỏng, khoa ngoại (tối thiểu 4 người).  Chuẩn bị như thực hiện thay băng bỏng vô trùng gồm: Đội mũ, đeo khẩu trang, mặc áo choàng vô trùng, rửa tay vô trùng, đi găng tay vô khuẩn. Kíp gây mê: nếu cần

Chuẩn bị dụng cụ

Dụng cụ

Mỗi người bệnh cần thay băng theo khẩu phần riêng, bao gồm cơ bản: 

Khay quả đậu, bông, băng, gạc, vải vô khuẩn.

Nỉa có mấu và không mấu, kéo cong, kéo thẳng, găng tay. Nên có sẵn những dụng cụ cầm máu như pince, kìm cầm kim...

Xô đựng đồ bẩn.

Nếu tiến hành trên phòng mổ: bộ dụng cụ trung phẫu

Thuốc thay băng bỏng

Các dung dịch sát khuẩn dùng để rửa vết bỏng có thể sử dụng: Dung dịch Natri clorid 0,9%; dung dịch becberin 1%; dung dịch povidone iodine (PVP) 10%, acid boric 2-4%; nitrat bạc 0,5%,… Mỡ vaselin

Các thuốc bỏng dùng tại chỗ:  Các thuốc hoặc vật liệu giúp cầm máu tại chỗ như spongel, dung dịch adrenalin...

Người bệnh (chuẩn bị như thay băng thông thường)

Hồ sơ bệnh án theo quy định cho một thay băng. 

Giải thích để người bệnh và gia đình hiểu và công tác với chuyên môn. 

Nếu có gây mê: Người bệnh cần nhịn ăn trước cuộc mổ từ 4-6 giờ. 

Địa điểm tiến hành

Buồng thay băng hoặc buồng bệnh có đủ các trang bị hồi sức: máy thở; nguồn cung cấp  oxy; máy hút; monitor theo dõi người bệnh; các dụng cụ và thuốc cấp cứu cần thiết khác.

Nếu tiến hành tại phòng mổ: chuẩn bị như một cuộc trung phẫu.

Chuẩn bị da đồng loại

Dự trù số lượng đủ ghép lên diện tích của vết thương bỏng

Nếu da dị loại bảo quản lạnh sâu: ngay trước khi ghép phải tiến hành rã đông đúng quy trình để đảm bảo chất lượng của da ghép. Sử dụng bình Water Bath rã đông ở nhiêt độ 370C. Khi đã tan đá, da mềm, ấm  thì mới đem ghép.

Nếu da dị loại bảo quản trong Glyceron thì phải rửa nhiều lần cho sạch glyceron, ngâm cho da tái hợp đủ nước làm cho da mềm mại, thuận lợi cho quá trình ghép.

Nếu tấm da có diện tích rộng thì phải tiến hành rạch lỗ để dẫn lưu dịch. 

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Vô cảm: nếu gây mê: theo quy trình riêng.

Thực hiện kỹ thuật

Đối với vết thương bỏng nông

Thay băng theo quy trình. Nếu vết bỏng bị bẩn hoặc có dị vật như đất, cát, dầu, mỡ...:  lấy bỏ dị vật, rửa vết bỏng bằng nước xà phòng 5%. Rửa lại bằng các dung dịch sát khuẩn. Rửa vết bỏng bằng dung dịch NaCl 0,9%.

Cắt bỏ vòm nốt phỏng, lấy bỏ sạch các mảnh biểu bì đã bị hoại tử. Rửa vết bỏng bằng dung dịch Povidin 3%, rửa lại bằng dung dịch NaCl 0,9%.

Thấm khô vết bỏng bằng gạc vô trùng.

Sát khuẩn vùng da lành xung quanh vết bỏng bằng cồn 700.

Đặt các mảnh da dị loại lên nền ghép, dàn đều mảnh da sao cho các mảnh da bám sát vào nề ghép. Gạt bỏ không được để dịch, khí ứ đọng dưới các mảnh da 

Đặt gạc tẩm một trong các dung dịch kháng khuẩn lên vùng đã ghép da: dung dịch berberin, dung dịch PVP 3% hay dung dịch tẩm kháng sinh penicilin. 

Sau đó đặt 1 lớp gạc vaselin và cuối cùng là 4-6 lớp gạc khô kiểu lợp ngói từ dưới lên trên.

Băng ép vừa phải với áp lực khoảng 28-30 mm Hg.

Thay băng sau 1-2 ngày qui trình thay băng giống như thay băng sau ghép da tự thân.

Đối với vết bỏng sâu sau khi cắt bỏ hoại tử

Cắt bỏ hoại tử theo quy trình riêng. Rửa sạch nền cân sau khi cắt bỏ sạch hoại tử bằng  dung dịch PVP 10%. Rửa lại vết bỏng bằng dung dịch NaCl 0,9%. Thấm khô vết bỏng bằng gạc vô trùng.

Sát khuẩn vùng da lành xung quanh vết bỏng bằng cồn 70O.

Đặt các mảnh da dị loại lên nền ghép, dàn đều mảnh da sao cho các mảnh da bám sát vào nề ghép. Gạt bỏ không được để dịch, khí ứ đọng dưới các mảnh da 

Đặt gạc tẩm một trong các dung dịch kháng khuẩn lên vùng đã ghép da: dung dịch berberin, dung dịch PVP 3% hay dung dịch tẩm kháng sinh penicilin. 

Sau đó đặt 1 lớp gạc vaselin và cuối cùng là 4-6 lớp gạc khô kiểu lợp ngói từ dưới lên trên.

Băng ép vừa phải với áp lực khoảng 28-30 mm Hg.

Thay băng sau 1-2 ngày qui trình thay băng giống như thay băng sau ghép da tự thân.

 

CHĂM SÓC, THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

Toàn thân

Theo dõi trạng thái toàn thân, mạch, nhiệt độ, huyết áp…sau thay băng chặt chẽ, kịp thời phát hiện trạng thái sốc, đe dọa sốc để xứ lý.

Người bệnh choáng, ngất trong và sau thay băng: Tạm dừng thay băng, đặt nằm chỗ thoáng, mát, cho thở oxy, thuốc trợ tim. Khi người bệnh tỉnh, trở lại trạng ổn định cho phép mới thay băng tiếp.

Theo dõi tác dụng phụ của thuốc giảm đau toàn thân hoặc theo dõi chung sau gây mê để xử trí kịp thời như tình trạng ngừng thở ngừng tim, nôn…

Tình trạng đau đớn sau thay băng như kêu đau, rét run hoặc sốt cao: tiếp tục dùng giảm đau, ủ ấm, hạ sốt…  

Tại chỗ

Tụt băng gạc để lộ vết thương: tiến hành băng bó bổ xung.

Tình trạng băng quá chặt gây phù nề, chèn ép vùng bỏng: nới bớt băng. 

Chảy máu: Thay băng lại vùng chảy máu, đắp nước muối ấm, băng ép hoặc khâu cầm máu nếu cần, lấy sạch máu cục, đắp lại gạc thuốc, gạc vaseline và gạc khô, băng ép.

Nếu mảnh da dị loại bị bong ra hoặc ứ dịch mủ phía dưới: lấy bỏ mảnh da đó, rửa sạch vết bỏng bằng dung dịch PVP 3%, rửa lại bằng dung dịch NaCl 0,9%, đắp bổ xung mảnh da dị loại khác thay thế.

Theo dõi diễn biến:

Đối với vết bỏng nông: nếu diễn biến thuận lợi thì các mảnh da dị loại sẽ bám dính chặt vào nền vết bỏng và khô dần, khi vết bỏng khỏi thì mảnh da đồng loại tự bỏng ra.

Đối với vết bỏng sâu sau khi cắt bỏ sạch hoại tử: các mảnh da dị loại chỉ có tác dụng che phủ tạm thời cho đến khi nền ghép được ghép da tự thân.

Dị ứng: mẩn ngứa, nổi sản đỏ vùng da lành: ít gặp, nhẹ chỉ cần lấy bỏ các mảnh da, nếu cần dùng các thuốc kháng histamin.   

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top