Tập thể dục đều đặn là cách đơn giản nhất giúp tim của bạn hoạt động tốt. Cả 2 vấn đề béo phì và không hoạt động thể chất đều có thể làm tăng nhịp tim. Khi bạn bị thừa cân, trái tim cần phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Điều này khiến tim đập nhanh hơn bình thường.
Nếu nhịp tim ở mức cao có thể liên quan đến mức độ căng thẳng của bạn. Tình trạng căng thẳng, stress có thể ảnh hưởng tới nhịp tim. Do đó, căng thẳng, stress kéo dài không được điều trị có thể là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, trống ngực, hồi hộp. Bạn có giảm căng thẳng bằng cách ngồi thiền, tập thể dục, thực hiện các bài tập thở… để ổn định nhịp tim.
Những người đang dùng các loại thuốc trầm cảm, tăng động giảm chú ý… có thể bị rối loạn nhịp tim. Một nghiên cứu năm 2011 đăng trên Tạp chí BMJ cho thấy, thường xuyên sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) - một trong các loại thuốc giảm đau thông thường cũng có thể làm tăng nguy cơ rung nhĩ, nhịp tim nhanh.
Tình trạng suy giáp có thể làm chậm nhịp tim và ngược lại, cường giáp cũng có thể làm tăng nhịp tim. Vì vậy, rối loạn nhịp tim có thể là dấu hiệu giúp bạn nhận biết tuyến giáp của mình đang có vấn đề.
Khi cân bằng điện giải trong cơ thể bị xáo trộn do tình trạng mất nước, nhịp tim của bạn có thể tăng lên. Ngay cả việc thiếu các khoáng chất như magne, calci và kali... cũng có thể làm nhịp tim của bạn tăng cao.
Caffeine có trong các loại nước tăng lực, cà phê, trà... có liên quan tới tình trạng rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp, đặc biệt là với những người nhạy cảm với caffeine.
Nhịp tim nhanh cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc bệnh đái tháo đường. Ngược lại, bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh