Xơ gan là một căn bệnh mãn tính trong đó các mô gan sẽ được thay thế bằng các mô xơ, sẹo khiến cho chức năng gan bị suy giảm và nặng hơn là mất hoàn toàn chức năng gan. Xơ gan giai đoạn 2 (xơ gan giai đoạn f2) là một trong 4 giai đoạn (f1, f2, f3, f4) của xơ gan.
1. Xơ gan giai đoạn 2 là như thế nào?
Xơ gan giai đoạn 2 hay còn được gọi là xơ gan cấp độ 2 (xơ gan giai đoạn f2) là một trong 4 giai đoạn của bệnh xơ gan. Tại giai đoạn này, gan bắt đầu xuất hiện các mô sẹo, mô xơ hóa này rõ ràng hơn và có thể nhìn thấy rõ nét hơn thông qua khám cận lâm sàng (siêu âm, chụp CT hoặc MRI).
Lượng mô xơ tăng lên đến mức tương đối, làm suy yếu chức năng gan, chất độc bị ứ đọng tại gan và không thể đào thải ra ngoài khiến các cơ quan khác trong cơ thể cũng bị tác động, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
2. Triệu chứng của xơ gan giai đoạn 2 là gì?
Cũng giống như xơ gan giai đoạn 1, giai đoạn 2 của bệnh cũng xuất hiện những triệu chứng nhưng không rõ ràng. Người bệnh thường không để ý đến hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác nếu không được thăm khám tại chuyên khoa gan mật. Các triệu chứng bao gồm:
2.1 Xơ gan giai đoạn 2 có gặp vấn đề về tiêu hóa không?
Có. Khi gan bị tổn thương, khả năng lọc và bài tiết của gan sẽ bị suy giảm. Lượng mật sản xuất ra không đủ để chuyển hóa các chất dinh dưỡng dung nạp vào cơ thể, khiến cơ thể khó hấp thu dinh dưỡng và gây ra các triệu chứng như:
– Đầy hơi, khó tiêu.
– Chướng bụng.
– Buồn nôn hoặc nôn.
– Táo bón hoặc tiêu chảy.
2.2 Cơ thể có mệt mỏi không?
Có. Xơ gan giai đoạn 2 khiến người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng. Bởi khả năng lọc chất độc của gan đã bị suy giảm, không hiệu quả như trước khiến cơ thể nhiễm độc và gây mệt mỏi nhiều hơn.
2.3 Xơ gan giai đoạn 2 có gây đau tức hạ sườn không?
Có. Vị trí của gan bắt đầu từ phía bên phải ổ bụng. Do vậy, khi gan bị tổn thương, người bệnh sẽ cảm thấy đau tức phần hạ sườn bên phải đầu tiên. Cảm giác sẽ hơi đau, trướng bụng, nhất là phần hạ sườn bên phải.
2.4 Có sốt hay nổi mề đay không?
Có. Gan khi bị tổn thương sẽ gây ra ứ đọng dịch mật, dịch mật tích tụ trong cơ thể sẽ khiến người bệnh có hiện tượng ngứa da, mẩn đỏ. Đồng thời, người bệnh cũng có biểu hiện sốt nhẹ, nhiệt độ thường không vượt quá 38 độ.
3. Xơ gan giai đoạn 2 có chữa được không?
Khi được chẩn đoán là xơ gan, người bệnh cần nắm rõ bệnh xơ gan của mình đang ở trong giai đoạn nào.
– Nếu chưa thuộc giai đoạn nặng (xơ gan giai đoạn f3, f4), thì có thể điều trị và khả năng có thể phục hồi được.
– Nếu xơ gan giai đoạn nặng f3, f4, lúc này điều trị có tác dụng kiểm soát xơ gan không tiến triển nặng hơn, hạn chế các triệu chứng và biến chứng có thể xảy ra với người bệnh. Chứ không thể khôi phục lại chức năng gan như ban đầu được nữa.
Chính vì vậy, việc phát hiện và chữa xơ gan giai đoạn 2 là rất quan trọng. Nếu phát hiện kịp thời và điều trị ngay từ sớm thì gan vẫn có thể phục hồi lại.
Tuy nhiên, các triệu chứng không quá rõ ràng nên nhiều người bệnh chủ quan, không thăm khám. Vì vậy số lượng bệnh nhân bị xơ gan nhập viện ở các giai đoạn nặng f3, f4 thường cao hơn, dẫn tới hiệu quả điều trị không cao.
4. Điều trị xơ gan giai đoạn 2 như thế nào?
Chủ yếu là điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) kết hợp với loại bỏ nguyên nhân, xây dựng lối sống lành mạnh.
– Điều trị xơ gan nguyên nhân do rượu: bệnh nhân mắc xơ gan do rượu cần dừng hoàn toàn việc uống rượu, trường hợp không thể dừng uống rượu, bác sĩ sẽ tư vấn thêm liệu trình cai rượu cho bệnh nhân kết hợp sử dụng thuốc điều trị xơ gan.
– Dư cân béo phì: Gan nhiễm mỡ cũng là nguyên nhân gây ra xơ gan. Do vậy, người bệnh cần giảm cân và kiểm soát lượng đường huyết trong cơ thể để điều trị hiệu quả hơn. Kết hợp thuốc điều trị xơ gan.
– Viêm gan virus B, C: Một số loại thuốc sẽ được chỉ định để ngăn ngừa quá trình tổn thương tế bào gan do viêm gan B, C gây ra, tái tạo kháng thể kháng lại virus và kết hợp sử dụng thuốc điều trị xơ gan.
5. Làm thế nào để phát hiện xơ gan từ giai đoạn sớm?
Chính là thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là sức khỏe ‘”lá gan” của bạn và đi khám, điều trị ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ “gợi ý” bệnh xơ gan. Phát hiện xơ gan sớm là điều rất cần thiết và quan trọng – đây là “chìa khóa vàng” giúp bạn có thể hồi phục lại chức năng gan như ban đầu.
5.1 Thông qua nguyên nhân
Bệnh xơ gan thường tiến triển trong một thời gian dài. Do vậy, có thể thông qua những nguyên nhân gây bệnh để xác định và điều trị. Một số yếu tố có thể gây bệnh xơ gan hay gặp phải như:
– Nghiện rượu, bia.
– Thừa cân, béo phì.
– Bệnh lý về gan, điển hình là viêm gan virus B, C, gan nhiễm mỡ,…
5.2 Thông qua thăm khám sức khỏe “lá gan”
Cách tốt nhất để phát hiện và ngăn chặn xơ gan tiến triển từ sớm chính là thăm khám sàng lọc gan mật ít nhất 6 tháng/lần.
Chi phí bỏ ra để thăm khám định kỳ sẽ rẻ hơn rất nhiều so với chi phí mà bạn phải bỏ ra để điều trị hậu quả do xơ gan gây ra.
Các phương pháp khám cân lâm sàng thường được áp dụng gồm:
– Xét nghiệm: bác sĩ có thể tư vấn bệnh nhân xét nghiệm máu, sinh thiết gan để xác định các vấn đề mà gan đang gặp phải
– Chẩn đoán hình ảnh: chụp CT, MRI hoặc sử dụng phương pháp hiện đại, có tính chuẩn xác nhất hiện nay như siêu âm đàn hồi mô gan sẽ giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý về gan, từ đó có biện pháp can thiệp và điều trị đúng cách.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh