✴️ Tiêm vắc xin Covid-19 cho phụ nữ có thai và cho con bú – Khuyến cáo của Hoa Kỳ

Nội dung

Biên soạn: SVD. Nguyễn Thanh Huyền, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Hiệu đính: TS.DS. Võ Thị Hà, GV. ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, DSLS – BV. Nguyễn Tri Phương

 

Khuyến nghị thực hành của Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists - ACOG) nhằm mục đích tổng quan về các loại vắc xin COVID-19 hiện có và hướng dẫn sử dụng vắc xin COVID-19 cho phụ nữ có thai (PNCT), dự định mang thai và phụ nữ cho con bú (PNCCB).

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp (EUA) cho các loại vắc xin sau:

  • Vắc xin mRNA Pfizer-BioNtech (BNT162b2): sử dụng cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên theo chế độ 2 liều cách nhau 3 tuần (21 ngày).
  • Vắc xin Moderna mRNA-1273: sử dụng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên theo chế độ 2 liều cách nhau 1 tháng (28 ngày).
  • Vắc xin Janssen Biotech, Inc. (Johnson & Johnson) Ad26.COV2.S: sử dụng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên theo chế độ 1 liều duy nhất.

 

tiêm vaccine covid cho phụ nữ mang thai

ACOG khuyến cáo PNCT có thể được tiêm vắc-xin COVID-19.

Vắc xin COVID-19 nên được tiêm cho PNCCB tương tự như đối tượng không cho con bú.

Những PNCT đang cân nhắc tiêm vắc xin COVID-19 có thể tham khảo các thông tin sẵn có về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin. Một buổi tư vấn của bác sĩ lâm sàng với bệnh nhân có thể giúp đưa ra các quyết định liên quan đến việc sử dụng vắc xin được FDA phê duyệt cho PNCT để phòng ngừa COVID-19. Những cân nhắc quan trọng bao gồm:

  • Hiệu quả của vắc xin
  • Nguy cơ và mức độ nghiêm trọng tiềm ẩn của việc nhiễm COVID-19, bao gồm cả ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi và trẻ sơ sinh
  • Sự an toàn của vắc xin ở PNCT và thai nhi.

Tương tự như những đối tượng không mang thai cùng lứa tuổi, việc tiêm vắc xin COVID-19 cho PNCT có thể tiến hành ở bất kỳ cơ sở nào được cho phép. Bao gồm các cơ sở lâm sàng và các địa điểm tiêm chủng cộng đồng phi lâm sàng như trường học, trung tâm cộng đồng và các địa điểm tiêm chủng hàng loạt khác.

Không bắt buộc thử thai trước khi tiêm vắc xin COVID-19 được FDA phê duyệt.

Quan trọng là, các tuyên bố về vắc xin COVID-19 với nguy cơ vô sinh là không có cơ sở và không có bằng chứng khoa học chứng minh. ACOG khuyến nghị tiêm chủng cho tất cả những đối tượng đủ điều kiện đang dự định mang thai trong tương lai.

PNCT có quyền từ chối tiêm chủng. Đối với những PNCT không được chủng ngừa, bác sĩ lâm sàng nên cung cấp thông tin về tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa khác như rửa tay, giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.

Các tác dụng phụ dự kiến ​​phải được tư vấn cho bệnh nhân, bao gồm cả phản ứng bình thường của cơ thể đối với vắc xin trong việc tạo ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi COVID-19.

Phụ nữ dưới 50 tuổi bao gồm cả PNCT có thể tiêm bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào được FDA phê duyệt. Tuy nhiên, họ nên được biết về nguy cơ hiếm gặp của huyết khối và hội chứng giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin Janssen COVID-19 và các loại vắc xin COVID-19 khác được FDA phê duyệt (tức là vắc xin mRNA).

ACOG đặc biệt khuyến cáo rằng tất cả các đối tượng đủ điều kiện nên tiêm vắc xin COVID-19. Bác sĩ sản khoa và nhân viên y tế nên đi đầu bằng cách tiêm chủng và khuyến khích những đối tượng đủ điều kiện cũng được tiêm chủng.

Bác sĩ sản khoa được khuyến khích đánh giá và ghi lại tình trạng tiêm chủng COVID-19 của bệnh nhân.

Vắc xin COVID-19 có thể được sử dụng đồng thời với các vắc xin khác, kể cả trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiêm vắc xin. Bao gồm các loại vắc-xin được sử dụng thường xuyên trong thời kỳ mang thai như cúm.

Tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho Phụ nữ có thai

Với những cân nhắc lâm sàng này, CDC khuyến nghị những PNCT hội đủ điều kiện có thể được tiêm vắc xin COVID-19.

ACOG khuyến cáo PNCT có thể được tiêm vắc xin COVID-19. Mặc dù dữ liệu an toàn việc sử dụng vắc xin COVID-19 trong thai kỳ là hạn chế, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dữ liệu nào cho thấy rằng vắc xin này nên bị chống chỉ định và không ghi nhận nguy cơ nào từ các nghiên cứu cho vắc xin Pfizer-BioNtech, Moderna, và Janssen COVID-19. Ngoài ra, dữ liệu lâm sàng và các cơ sở giám sát khác cho thấy, không có nguy cơ nào trong số hàng nghìn PNCT đã được tiêm vắc xin COVID-19. Do đó, vì lợi ích của bệnh nhân, ACOG khuyến nghị vắc xin COVID-19 được sử dụng cho PNCT.

 

Tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho Phụ nữ cho con bú

ACOG khuyến cáo nên tiêm vắc xin COVID-19 cho PNCCB. Mặc dù đối tượng PNCCB không được đưa vào hầu hết các thử nghiệm lâm sàng, vắc xin COVID-19 vẫn được sử dụng ở PNCCB đảm bảo các tiêu chí tiêm chủng. Những lo ngại về mặt lý thuyết liên quan đến sự an toàn của việc tiêm vắc xin cho PNCCB không vượt trội hơn những lợi ích tiềm năng của việc tiêm vắc xin. Không cần phải ngừng cho con bú ở những đối tượng được chủng ngừa COVID-19 (ABM 2020).

 

Tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho phụ nữ có ý định mang thai

ACOG khuyến nghị nên tiêm phòng cho đối tượng phụ nữ có ý định mang thai. Ngoài ra, không cần thiết phải trì hoãn mang thai sau khi tiêm đủ 2 liều vắc-xin COVID-19 (Pfizer-BioNtech hoặc Moderna).

Quan trọng là, các tuyên bố về vắc xin COVID-19 với nguy cơ vô sinh là không có cơ sở và không có bằng chứng khoa học chứng minh. Với cơ chế hoạt động và tính an toàn của vắc xin mRNA ở đối tượng không mang thai, vắc xin mRNA COVID-19 không phải là nguyên nhân gây vô sinh. Các vắc xin vectơ Adenovirus như vắc xin Janssen COVID-19 không thể tái tạo sau khi tiêm, và dữ liệu hiện có chứng minh rằng vắc xin được loại bỏ khỏi các mô sau khi tiêm. Bởi vì không tái tạo trong tế bào, vắc-xin không thể gây nhiễm trùng hoặc thay đổi DNA của người được tiêm vắc xin và cũng không phải là nguyên nhân gây vô sinh (Evans, 2021, Morris 2021). Do đó, ACOG khuyến cáo nên tiêm phòng cho tất cả những đối tượng đủ điều kiện đang cân nhắc việc mang thai trong tương lai. Nếu có thai sau tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên (Pfizer-BioNtech hoặc Moderna), nên tiêm liều thứ hai theo chỉ định.

 

Vắc xin AstraZeneca COVID-19 (Vaxzevria) ở PNCT

Vắc xin AstraZeneca COVID-19 (Vaxzevria) là một loại vắc xin vectơ vi rút (giống như vắc xin của Johnson & Johnson). Vắc xin này hiện vẫn chưa được FDA phê duyệt ở Hoa Kỳ vì họ yêu cầu AstraZeneca chứng minh kết quả từ một thử nghiệm quy mô lớn hơn.

Hiện tại chưa có báo cáo lo ngại của vắc xin AstraZeneca trong thai kỳ, nhưng có rất ít kinh nghiệm sử dụng vắc xin này trong thời kỳ mang thai so với vắc xin Pfizer và Moderna. Do đó, đề xuất ưu tiên sử dụng vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna ở PNCT.

 

Tài liệu tham khảo

  1. The American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG). COVID-19 Vaccination Considerations for Obstetric–Gynecologic Care. Last updated July 2, 2021.
  2. Andrew Satin, Jeanne Sheffield, M.D. The COVID-19 Vaccine and Pregnancy: What You Need to Know. The Johns Hopkins Medicine. Updated February 9, 2021.
  3. National Health Service (NHS). Pregnancy, breastfeeding, fertility and coronavirus (COVID-19) vaccination. 8 July 2021.
  4. Australian Government. COVID-19 vaccination decision guide for women who are pregnant, breastfeeding or planning pregnancy. 17 June 2021.
  5. What You Should Know About the AstraZeneca COVID-19 Vaccine. Healthline. 3 June 2021.
  6. COVID-19 - Vaccines and pregnant women. The National Agency for the Safety of Medicines and Health Products (ANSM). Updated 18 June 2021.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top