Bệnh mạch vành có di truyền không?

Bệnh mạch vành có di truyền không?

Trên thực tế, yếu tố di truyền có góp phần vào nguy cơ tiến triển bệnh mạch vành của một số người. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) tuyên bố tiền sử gia đình có người mắc một số bệnh tim mạch (bao gồm bệnh mạch vành) có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch của các thế hệ sau.

Một nghiên cứu năm 2022 trên các cặp song sinh cho thấy bệnh mạch vành có liên quan mạnh mẽ tới yếu tố di truyền. Theo đó, yếu tố di truyền có thể tác động tới nguy cơ vôi hóa mạch vành, ảnh hưởng tới thể tích mảng bám bị vôi hóa, từ đó ảnh hưởng tới nguy cơ tiến triển bệnh mạch vành của một người.

 

Những gene nào liên quan đến nguy cơ tiến triển bệnh mạch vành?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có ít nhất 7 gene có thể đóng vai trò trong sự tiến triển của bệnh mạch vành. Những gene này bao gồm:

- LPL: Gene mã hóa enzyme lipoprotein lipase - giúp cơ thể phân hủy chất béo dưới dạng chất béo trung tính.

- APOC3: Mã hóa thành phần protein của lipoprotein giàu chất béo trung tính. Protein này có thể thúc đẩy sự bài tiết một số cholesterol “xấu”.

- APOA5: Mã hóa một protein được gọi là apolipoprotein. Protein này rất quan trọng để điều chỉnh nồng độ chất béo trung tính trong máu. Nồng độ chất béo trung tính cao trong máu là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh mạch vành.

- ANGPTL4: Gene này mã hóa một loại protein giúp điều chỉnh nồng độ glucose và chuyển hóa lipid. Chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong độ nhạy insulin. Các chuyên gia y tế cũng liên kết mức độ thấp hơn của gene này với bệnh đái tháo đường type 2.

- ASGR1: Mã hóa một phần thụ thể có vai trò duy trì mức độ ổn định của một số protein nhất định trong huyết thanh.

- ANGPTL3: Mã hóa một loại protein đóng vai trò trong sự phát triển của các mạch máu mới.

- TRIB1: Gene này cho phép protein nhất định hoạt động, liên kết với nhau. Chúng cũng đóng vai trò trong một số con đường truyền tín hiệu.

 

Chủng tộc đóng vai trò gì tới nguy cơ mắc bệnh mạch vành?

Nhiều nghiên cứu cho thấy yếu tố chủng tộc cũng có thể đóng một vai trò trong sự tiến triển bệnh mạch vành. Theo đó, người Đông Nam Á, người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người La-tinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Một lý do cho thực trạng này có thể do sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe.

 

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành

Yếu tố không thể thay đổi được:

  • Độ tuổi: Bệnh mạch vành có xu hướng phổ biến hơn ở những người trên 35 tuổi. Càng có tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng tăng lên.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
  • Chủng tộc: Một số chủng tộc nêu ở phần trên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Di truyền: Đây là một yếu tố rủi ro đáng kể đối với bệnh mạch vành.

Yếu tố có thể thay đổi được:

Một số vấn đề nhất định có thể làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh mạch vành. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nếu kiểm soát được các yếu tố sau:

  • Bệnh tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường
  • Thói quen hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động
  • Căng thẳng, stress
  • Mức độ tiếp xúc với các chất độc
  • Lối sống lười vận động
  • Chất lượng giấc ngủ kém
  • Làm việc quá 55 giờ/tuần
  • Chế độ ăn uống kém lành mạnh (ví dụ nhă ăn quá nhiều chất béo bão hòa, carbohydrate tinh chế)
  • Thừa cân, béo phì

 

Phòng ngừa bệnh mạch vành

Bạn có thể làm giảm nguy cơ tiến triển bệnh mạch vành của mình theo những cách sau:

  • Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau củ, trái cây tươi, các loại đậu, các loại hạt và quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá béo; Đồng thời, bạn cũng cần giảm lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống thường ngày.
  • Duy trì hoạt động thể chất đều đặn, vừa sức.
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top