✴️ Đừng duy trì thói quen xấu: Tự mua thuốc!!!

Nội dung

Lây nhiễm do thói quen ho, sốt tự mua thuốc uống

Ngày 13-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phải thông tin tới 7.000 hiệu thuốc trên địa bàn về nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, ngành y tế phải yêu cầu tất cả các hiệu thuốc khi bán cho những trường hợp mua thuốc cảm, sốt, ho phải có khai báo y tế và báo ngay cho y tế của phường tổ chức lấy mẫu xét nghiệm với COVID-19.

Tất cả các phòng khám tư nhân, các trạm y tế, các bác sĩ tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh cũng phải yêu cầu khai báo y tế với những bệnh nhân ho, sốt, khó thở đến khám, sau đó phải thông báo để lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ.

Yêu cầu này xuất phát từ diễn biến ca bệnh của bệnh nhân 243. Qua kiểm tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân 243 có biểu hiện ho, sốt đã tự đi mua thuốc điều trị tại một nhà thuốc gần nhà. Sau khi tự uống thuốc, bệnh nhân có biểu hiện bình thường và đã đi lại khắp nơi (như chợ hoa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên, Vĩnh Phúc)… 

Thói quen hơi bị cảm sốt là tự ra ngoài, đến nhà thuốc mua thuốc về uống là việc lâu nay của người dân , điều này dẫn đến khó kiểm soát nhiều ca bệnh có nguy cơ mắc COVID-19.

Nếu hiệu thuốc nào mà có những người sốt, ho đến mua thuốc mà để sót các trường hợp này, thì sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Vì đây là nhiệm vụ tham gia công tác phòng chống dịch, số người này là quan trọng, những người này không khai báo y tế, không báo cho y tế của phường thì sau này có thể tước giấy phép vĩnh viễn (theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội)

Sai lầm khi tự ý dùng thuốc

Nhiều người “tự làm bác sĩ”, tức là tự mua thuốc về điều trị hoặc điều trị theo mách bảo của người xung quanh, thậm chí sử dụng đơn thuốc của người khác. Thói quen xấu này đã dẫn đến vô vàn hậu quả: vi khuẩn gây bệnh kháng lại kháng sinh, làm số ngày điều trị tăng, chi phí tăng và tử vong tăng. Chính từ thói quen này đã dẫn đến nhiều trường hợp bị ngộ độc thuốc.

Người bệnh mua vài liều uống, thấy giảm các triệu chứng là ngưng uống thuốc luôn. Nhiều lần như vậy, thấy bệnh tình hoặc tình trạng khó chịu có thể giảm, thậm chí khỏi, nên họ coi đó là chuyện bình thường. Nhưng nhiều trường hợp không khỏi mà có khi bệnh còn nặng hơn, thậm chí tai biến nguy hiểm đến tính mạng sau khi dùng thuốc, đã được các nhà chuyên môn cảnh báo nhiều lần.

Có bệnh nhân sau khi uống thuốc ngoài hoài không hết, mới chịu đi khám, đem bọc thuốc cho bác sĩ xem thì bác sĩ có khi cũng không biết đó là thuốc gì, vì đã được lột bỏ vỏ hộp. Với trẻ em, khi điều trị kháng sinh không hợp lý, không đủ liều, không đúng bệnh sẽ dẫn tới không ít trường hợp bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc.

Đối với những bệnh lý phức tạp, việc tự ý dùng thuốc bừa bãi có thể làm khuất lấp triệu chứng nhưng bệnh vẫn phát triển, dẫn đến khó trị.

Trong một số trường hợp, nguy cơ bệnh nhân bị tử vong do sốc phản vệ hoặc dị ứng trầm trọng không hồi phục xảy ra ở một số nơi đã báo động về việc dùng thuốc tùy tiện.

          tự ý mua thuốc gây nhiều hậu quả

Nhiều hậu quả khác

Tự ý sử dụng thuốc còn dẫn đến hậu quả là nghiện thuốc. Tai hại càng tăng thêm khi người sử dụng thuốc không hiểu được sự tương tác giữa thuốc này với thuốc kia, sự tương tác giữa dược phẩm với thực phẩm, rượu bia... Đã có trường hợp một bệnh nhân uống thuốc Aspirin khi bụng đói, hậu quả là xuất huyết bao tử nếu cấp cứu không kịp dễ tử vong.

Những dạng thuốc khác thường được người sử dụng tự ý mua dùng là các loại kem thoa da và lotion. Đừng nghĩ rằng thuốc bôi ngoài da là vô hại bởi vì thuốc sẽ ngấm qua da và đi vào hệ tuần hoàn máu. Trong các loại kem thoa da và lotion có chứa rất nhiều hóa chất vốn là “bạn” ở da người này nhưng lại là “thù” ở da người khác.

Khi có bệnh, cần tập thói quen đi khám bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc. Cũng cần nên giáo dục con cái về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc, không uống thuốc theo kiểu “truyền tai” từ bạn bè.
 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top