✴️ Stress tâm lý

TỔNG QUAN

Khái niệm stress

Do không có từ tương thích trong tiếng Việt  nên thuật  ngữ  stress  được  sử  dụng theo từ gốc nước ngoài.

Lúc đầu thuật ngữ stress được sử dụng  trong Vật  lí học, để chỉ sức nén mà  một loại vật liệu phải chịu đựng. Đến  năm 1914, Walter  Cannon đã sử dụng thuật ngữ này trong Sinh lí học, để chỉ các stress cảm xúc.  Năm  1935,  Ông  đi  sâu nghiên cứu sự cân bằng nội môi ở  những  động vật  có  vú  khi  chúng lâm vào  các tình huống khó khăn, như khi  gặp  phải  sự  thay đổi về  nhiệt  độ. Ông cũng mô  tả  các nhân tố cảm xúc  trong quá  trình phát  sinh, phát  triển một số bệnh và xác  định vai trò của hệ thần kinh khi cơ thể đối phó với các tình huống khẩn cấp.

Trong Y học, từ lâu người ta đã đặt vấn đề là tại sao một số người mắc các  bệnh khác nhau lại có những triệu chứng giống nhau. Nhiều tác  giả đã mô  tả các triệu chứng loét dạ dày, ruột ở những người bị  bỏng ngoài   da  (Svon,  1823; Kerling, 1842) và ở những người bệnh sau một phẫu thuật lớn bị nhiễm trùng (Billrot). Viện Pastuer Rom và viện Yersen đã mô tả tuyến thượng thận của chuột lang bị tăng trưởng và xuất huyết khi bị nhiễm bệnh bạch hầu...

Những nguyên nhân gây ra hiện tượng stress có  thể  rất  khác  nhau,  nhưng phản ứng của cơ thể đối  với  chúng  thì  đều giống nhau.  Tất  cả các  phản ứng này đều diễn ra theo ba giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu: con người cảm thấy có khó khăn.
  • Giai đoạn hai: con người thích nghi với những khó khăn.
  • Giai đoạn ba: giai đoạn cuối cùng, con người không chịu đựng được nữa.

Ba giai đoạn này giống như một qui  luật  chung  điều hòa hành vi  của mọi sinh vật khi bị rơi vào những điều kiện đặc  biệt  căng  thẳng và giống như tiến trình của một phản ứng thích nghi không đặc  hiệu của cơ thể  đối với  những tác động mạnh mẽ, đột ngột khác nhau của môi trường.

Hans Selye (nhà nghiên cứu người Canada) là người đầu tiên nêu ra một  khái niệm stress hiện đại. Năm 1936, Ông đã chiết  từ dịch tiết  của buồng  trứng động  vật có sừng một loại hormon và đem tiêm nó  cho  chuột. Sau khi  tiêm một  thời gian, chuột có những biểu hiện như:

  • Vỏ tuyến thượng thận tăng trưởng  mạnh  và  chứa một  lượng  không lớn các hạt lipid bài tiết.
  • Tuyến ức, các hạch lympho và các cấu trúc chứa lympho bị teo nhỏ lại (involution).
  • Thành dạ dày, tá tràng, ruột của chuột bị loét và chảy máu.

Những thí nghiệm khác đã cho thấy  các  chất  chiết  từ  tuyến  thượng  thận, tuyến tụy và một số chất độc cũng  có  thể  gây  ra những  biến đổi  tương tự  như trên.

Lúc đầu, những biến đổi này được gọi là “triệu chứng được gây ra bởi các tác nhân khác nhau”. Về sau, được  đổi  thành  “  triệu  chứng  thích  ứng  chung”,  hay còn gọi là “triệu chứng stress sinh học”. Ba biến đổi trên đã trở thành ba chỉ  số  quan trọng của stress và là cơ sở để phát triển một khái niệm đầy đủ về stress.

Stress tâm lí

Nhìn chung có thể chia stress thành 2 loại chính:

  • Stress sinh lí: là toàn bộ những  biến đổi  về  sinh lí, trạng thái sinh lí của cơ  thể nhằm đáp lại tác nhân  gây  stress, ví  dụ những  biến đổi về  nhịp tim, nhịp thở,  các thay đổi về nội tiết…
  • Stress tâm lí: trạng thái tâm lí xuất hiện nhằm đáp  ứng  với  tác  nhân  gây stress. Ví dụ: những thay đổi về trí nhớ, tập trung chú ý, các phản ứng cảm xúc…

Dưới góc độ Tâm lí học, stress tâm lí là một trạng thái đặc biệt của cảm xúc. Trong trường hợp stress kéo dài, cường độ thấp, nó có thể được xem như là một trong những biểu hiện của tâm trạng. Ngược lại, nếu stress diễn ra đột ngột, trong một khoảng thời gian ngắn thì nó lại là sự thể hiện của xúc động.

Các hiện tượng tâm lí vốn không tách rời nhau, trong đó trạng thái tâm lí luôn  làm nền cho các quá trình tâm lí. Do vậy, những  quá  trình tâm lí  diễn ra trên nền  của stress đều chịu sự chi phối của stress. Ở mức  độ  tối  ưu, stress đảm bảo  cho các quá trình tâm lí, đặc biệt là các quá trình nhận thức  đạt được hiệu quả cao.  Ngược lại, trong trạng thái mệt mỏi suy kiệt, hiệu quả của các quá trình tâm lí không những bị giảm sút mà toàn bộ nhân cách cũng bị  ảnh hưởng. Đó  chính là những trường hợp rối loạn stress hoặc distress.

Lẽ đương nhiên bất kì một  hiện tượng tâm  lí  nào  cũng  đều xuất  hiện trên cơ sở các quá trình sinh lí. Chính  vì  vậy  stress tâm lí  không thể  tách rời  với  stress sinh lí. Tuy thế, với tư cách là một  lĩnh  vực  khoa học  về  các  hiện tượng tâm lí, Tâm lí học quan tâm và nghiên cứu stress tâm lí nhiều hơn.

Trong thực tế, stress là thuật ngữ  đôi khi  dùng để  chỉ  một  nguyên nhân,  một tác nhân gây ra  phản  ứng  stress  (như  tiếng  ồn  của  thành phố, cái  nắng nóng của sa mạc, bệnh tật, sự thay đổi chỗ ở, việc làm...), hoặc  đôi khi  dùng để chỉ hậu quả của những tác nhân gây kích thích mạnh (như  sự hốt  hoảng  khi  gặp  thiên tai nặng nề; sự cô quạnh khi sống lâu  ngoài  đại  dương; sự căng thẳng khi  gặp những khó  khăn trong công việc...). Những yếu tố đóng vai trò nguyên nhân  gây  ra  stress thường được gọi là các yếu tố gây stress hoặc  các  stressor. Do  vậy  không  nên nhầm lẫn giữa stress (trạng thái tâm - sinh  lí  bên  trong)  với  các  tác  nhân  gây stress (các yếu tố bên ngoài).

Trong điều kiện bình  thường,  stress  là một  đáp ứng thích nghi  về  mặt  tâm  lí và sinh lí. Stress đặt chủ thể vào quá  trình dàn xếp thích ứng, tạo  ra một cân bằng mới cho cơ thể sau khi chịu những  tác động của môi trường. Nói cách khác, phản  ứng stress bình thường đã góp phần làm cho cơ thể thích nghi.

Nếu đáp ứng của cá nhân với các yếu tố gây stress không đầy đủ, không thích  hợp và cơ thể  không  tạo  ra  được  một cân bằng mới thì những chức  năng của cơ thể ít nhiều sẽ bị rối loạn, những dấu hiệu bệnh lí  cơ thể, tâm  lí, hành  vi  sẽ  xuất hiện và sẽ tạo ra những stress bệnh lí cấp tính hoặc kéo dài.

Nhiều người cho rằng, stress là một chứng bệnh  gắn  liền  với  nền  văn  minh hiện đại, bị chi phối bởi sự cạnh tranh và những mối nguy hại.

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA PHẢN ỨNG STRESS

Theo H. Selye, phản ứng stress được chia thành 3 giai  đoạn:  giai  đoạn  báo động, giai đoạn thích nghi và giai đoạn suy kiệt.

Giai đoạn báo động

Giai đoạn này được biểu hiện bằng những biến đổi đặc  trưng của chủ thể  khi tiếp xúc với các yếu tố gây stress. Những biến đổi này là:

Các hoạt động tâm lí được kích thích, đặc biệt là tăng cường quá trình tập  trung chú ý, ghi nhớ và tư duy...

Các phản ứng chức  năng  sinh lí  của cơ thể  được  triển khai  như  tăng huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và tăng trương lực cơ bắp...

Những thay đổi tâm lí - sinh lí - hành vi đã giúp con người đánh giá các tình huống stress và bước đầu đề ra chiến lược đáp ứng trước các tình huống đó. Giai đoạn báo động có thể diễn  ra  rất  nhanh  (vài phút)  hoặc  kéo  dài  vài  giờ,  vài ngày... Chủ thể có thể chết  trong giai  đoạn này,  nếu yếu tố  gây stress quá mạnh,  tình huống stress quá phức tạp. Nếu tồn tại được  thì  các  phản  ứng  ban  đầu  chuyển sang giai đoạn ổn định (hay còn gọi là giai đoạn thích nghi).

Giai đoạn thích nghi

Trong giai đoạn này, mọi  cơ  chế  thích ứng được  động viên để  cơ thể  chống đỡ và điều hòa các rối  loạn ban  đầu. Sức  đề kháng của cơ  thể tăng lên, con người có thể làm chủ được tình huống stress, lập lại các trạng thái cân bằng nội môi (homeostase) và tạo ra sự cân bằng mới  với  môi  trường. Giai  đoạn này còn được gọi là giai đoạn chống đỡ.

Trong một tình huống stress bình thường, chủ thể đáp ứng  lại  bằng  hai  giai  đoạn báo động và chống đỡ.

Nếu giai đoạn chống đỡ tiến triển tốt thì các  chức  năng  tâm,  sinh lí cơ thể được phục hồi. Nếu khả năng  thích ứng  của cơ  thể  mất  dần,  thì  quá  trình phục  hồi không xảy ra và chuyển sang giai đoạn suy kiệt.

Giai đoạn suy kiệt

Phản ứng stress trở thành bệnh lí  khi  tình huống stress hoặc  quá bất  ngờ,  dữ dội, hoặc ngược lại, quen thuộc  nhưng  lặp  đi  lặp  lại, vượt  quá khả năng dàn xếp của chủ thể.

Trong giai đoạn suy kiệt, các biến đổi tâm lí, sinh lí  và hành  vi  của giai đoạn  báo động xuất hiện trở lại, hoặc  là  cấp  tính  và  tạm  thời, hoặc  là nhẹ  hơn nhưng kéo dài. Có thể chia stress bệnh lí thành  hai  loại: stress bệnh lí cấp tính và stress bệnh lí kéo dài.

 

Stress bệnh lí cấp tính

Những tình huống gây ra stress bệnh lí cấp tính thường là không lường trước được, mang tính chất dữ dội, như khi bị tấn công bất ngờ, khi gặp thảm họa...

Trạng thái này được chia thành hai loại  theo  diễn biến của các  phản  ứng cảm xúc cấp tính xảy ra tức thì hay chậm chạp.

Phản ứng cảm xúc cấp xảy ra nhanh:

  • Trong trạng thái này, chủ thể hưng phấn quá mức về mặt tâm thần và cơ thể:
  • Tăng trương lực cơ: nét mặt căng  thẳng,  các  cử chỉ  cứng ngắc,  kèm  theo cảm giác đau bên trong cơ thể.
  • Rối loạn thần kinh thực vật: nhịp tim nhanh, có cơn đau vùng trước tim, cao huyết áp, khó thở, ngất xỉu, chóng mặt  giả,  vã  mồ  hôi, nhức  đầu,  đau nhiều nơi, nhất là đau các cơ bắp.
  • Tăng quá mức phản ứng của các giác  quan,  nhất  là tai. Người  bệnh có  cảm giác khó chịu cả với những tiếng động bình thường.
  • Rối loạn trí tuệ: kém khả năng tập trung suy nghĩ do nhớ lại các tình huống stress; trí nhớ về các sự kiện vẫn còn sâu sắc.
  • Tính tình dễ nổi cáu, bất an, kích động nhẹ; có thể  có  rối  loạn hành vi  và người bệnh gặp khó khăn khi giao tiếp với những người xung quanh.
  • Trạng thái lo âu, kèm theo nỗi sợ hãi mơ hồ.
  • Loại phản ứng stress cấp tính này kéo dài  từ vài  phút đến vài  giờ, rồi mờ nhạt dần tùy theo tính chất và tiến triển của stress. Sự mờ  nhạt  càng rõ nét hơn khi  có mặt người khác, làm chủ thể yên tâm và khuây khỏa.

Phản ứng cảm xúc cấp xảy ra chậm

  • Các rối loạn xuất hiện chậm. Chủ  thể  có  vẻ  như  chịu đựng được và chống đỡ lại tình huống gây stress. Người bệnh  tự  nhận  thức  được  rằng,  mình  đã  bị  các tình huống stress xâm chiếm.
  • Cơ thể tiếp tục giai đoạn chống đỡ, nhưng chỉ tạo ra một cân bằng không bền vững, kéo dài trong vài giờ hoặc vài  ngày.  Sau  đó  đột  nhiên xuất  hiện một  phản ứng stress cấp tính, diễn ra chậm. Biểu hiện và tiến triển của nó cũng  giống như  phản ứng cảm xúc cấp tính, diễn ra tức thì.
  • Điều này chứng tỏ chủ thể không  còn khả  năng  dàn  xếp với  tình huống  stress về mặt tâm lí, bị suy sụp và mất bù một cách chậm chạp.

 

Stress bệnh lí kéo dài

Sự hình thành:

Stress bệnh lí kéo dài thường được hình thành từ các tình huống stress quen thuộc, lặp đi lặp lại như  trong trường hợp  người  bệnh  có  những  xung  đột  hoặc gặp những phiền nhiễu, không toại nguyện trong đời sống hàng ngày.

Đôi khi chúng được hình thành từ  các  tình  huống  stress  bất  ngờ  và  dữ  dội (sau một phản ứng cấp, không thoái lui hoặc sau  một  loạt  các  phản  ứng  cấp thoáng qua).

Biểu hiện của stress bệnh lí kéo dài:

Biểu hiện của nó rất đa dạng và thay đổi tùy theo  sự  ưu thế về mặt  tâm lí, cơ thể hay về mặt hành vi.

Các biểu hiện biến đổi tâm lí, tâm thần:

  • Chủ thể phản ứng quá mức với hoàn cảnh: dễ nổi cáu, có cảm giác khó chịu,  căng thẳng về tâm lí, mệt mỏi về trí tuệ và không thư giãn được.
  • Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ,  hay  thức  giấc  và  không  có  cảm  giác  hồi phục sau khi ngủ.

Các rối loạn này tùy theo tính chất, hoàn cảnh và  sự lặp  lại  của tình huống  stress mà có thể tiến triển thành các triệu chứng sau đây:

  • Chủ thể chờ đợi stress một cách bi quan.
  • Có sự cảnh tỉnh một cách cao độ và luôn ở trong tình trạng nghe ngóng, căng thẳng nội tâm, dễ nổi cáu.
  • Có biểu hiện lo âu - ám ảnh sợ. Những lo  âu  -  ám  ảnh sợ này hình thành trên nền một sự lo âu dai dẳng và xuất hiện những  cơn  lo  lắng về  nơi  đã xảy ra tình huống stress (ở nơi làm việc hay ở gia đình). Các  rối loạn có khi  mở rộng sang  nhiều lĩnh vực khác nhau như người bệnh sợ các  phương  tiện  giao  thông  công cộng, sợ xung đột với cấp trên, với người thân, ngại giao tiếp, sợ bệnh tật...

Các biểu hiện về cơ thể:

  • Chủ thể thường có những rối loạn về thần  kinh  thực  vật  ở  mức  độ  vừa.   Những rối loạn này tăng lên khi chủ thể hồi  tưởng  về  các  tình huống stress mà mình đã phải chịu đựng.

Qua những lời than phiền của người  bệnh,  chúng  ta thấy các  rối loạn về  tâm thần và chức năng cơ thể của họ như sau:

  • Người bệnh trong trạng thái suy nhược kéo dài.
  • Căng cơ bắp (chuột rút), run tay chân, đổ mồ hôi.
  • Nhức đầu, đau nửa đầu, đau cột sống kéo dài, dai dẳng.
  • Đánh trống ngực, đau vùng trước tim và huyết áp tăng không ổn định.
  • Có biểu hiện bệnh lí chức năng đại tràng và đau bàng  quang  (nước  tiểu  trong)...
  • Tất nhiên, không phải mọi stress bệnh lí  kéo  dài  đều  có  tất  cả  những  biểu hiện về cơ thể, về  tâm  lí  như  đã nêu ở  trên. Song ngoài  những  triệu chứng trên,  có khi chúng ta còn gặp những biểu  hiện  khác  về  cơ  thể  có  liên quan với  trạng thái lo âu.

Các biểu hiện về hành vi:

Tình huống stress có thể ức chế hoặc kích thích hành  vi  của  người  bệnh.  Những rối loạn chức năng thích nghi của hành  vi  được  biểu  hiện  trong  các  rối loạn hành vi.

Các rối loạn hành vi  xảy  ra do  chủ thể có thái  độ rút lui, tránh né  các quan hệ  xã hội; hoặc ngược lại, do những xung động mất kiềm chế, dẫn đến sự khó  khăn  trong giao tiếp của người bệnh. Có người thay đổi hẳn  tính cách, làm  cho  người khác không nhận ra hoặc có những băn khoăn, suy nghĩ về nhân cách của họ.

Các rối loạn hành vi lúc đầu chỉ  gây  ra sự  khó  chịu,  nhưng  về  sau nó  phát triển và gây ra những tổn thất, làm trở ngại cho công việc của người bệnh.

Có người lúc  đầu muốn dùng  rượu, dùng  thuốc  để  làm dịu những  căng thẳng, lo âu, nhưng sau đó, do  bản  thân  rượu và  thuốc  lại  là chất gây lo âu, nên bắt buộc họ phải tăng dần liều sử dụng. Hành vi  cứ như  vậy  lặp đi  lặp lại  và  tăng dần,  đưa chủ thể vào một vòng xoắn đáng sợ của sự nghiện rượu, nghiện thuốc. Những rối loạn hành vi nghiện này không thể  không  ảnh  hưởng  tai  hại  đến các  quan  hệ  xã hội của chủ thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top