Mỡ cơ thể nói gì về sức khỏe của bạn

Ai cũng biết rằng, có quá nhiều mỡ cơ thể sẽ không tốt cho sức khỏe. Mọi người thường tập trung quá nhiều vào việc mình có quá nhiều mỡ, mà không lưu ý đến một việc, đó là mỡ phân bố ở đâu. Có một số vị trí tích mỡ trên cơ thể sẽ gây ra vấn đề lớn với sức khỏe, trong khi đó, nếu mỡ tích tụ ở một vài vị trí khác, thì sẽ không phải là vấn đề lớn.

Bạn không thể kiểm soát được vị trí tích mỡ trong cơ thể, đặc biệt là khi bạn lớn tuổi

Đa số mọi người sẽ tích tụ mỡ ở vùng trung tâm cơ thể, ví dụ như bụng, hông và đùi. Nhưng yếu tố di truyền, giới, tuổi và hormone có thể ảnh hưởng đến lượng mỡ của cơ thể và vị trí tích mỡ.

  • Yếu tố gen quyết định 50% đến vị trí tích mỡ của cơ thể, theo một nghiên cứu năm 2017. Nếu đa số mọi người trong gia đình bạn tích mỡ ở bụng hoặc hông, thì có khả năng rất cao, bạn cũng sẽ có xu hướng tích mỡ giống như mọi người.
  • Giới tính: lượng mỡ lý tưởng cho nam giới dao động từ 6-24%, và cho nữ giới là 14-31%. Nam giới thường có xu hướng tích mỡ ở bụng nhiều hơn, trong khi phụ nữ sẽ tích mỡ quanh hông và mông nhiều hơn.
  • Tuổi tác: Những người lớn tuổi thường sẽ có lượng mỡ toàn thân cao hơn, nguyên nhân là do chuyển hóa chậm và mất dần khối cơ. Và lượng mỡ thừa thường tích tụ quanh các tạng (mỡ nội tạng) nhiều hơn là tích tụ dưới da.
  • Lượng hormone: Hormone có liên quan mật thiết đến cân nặng của bạn, kể cả khi bạn 40 tuổi. Nguyên nhân là do sự suy giảm tự nhiên của hormone testosterone (ở nam giới) và estrogen (ở nữ giới).

 

Có bao nhiêu loại mỡ cơ thể?

Dù rất khó tin, nhưng có tới 3 loại mỡ cơ thể khác nhau. Mỗi loại lại có chức năng khác nhau và có thể tích tụ ở những vị trí khác nhau:

  • Mỡ dưới da: nằm ở trên cùng của các cơ, ngay phía dưới da. Đây là loại mỡ bạn có thể sờ, ấn, véo được, thường tích tụ quanh mông, hông, đùi và chiếm khoảng 90% lượng mỡ tích tụ trên toàn cơ thể.
  • Mỡ nội tạng: nằm sâu trong khoang bụng. Mỡ nội tạng thường tích tụ quanh các cơ quan quan trọng, ví dụ như gan, ruột non và tim. Khác với mỡ dưới da, bạn không thể cảm nhận được lượng mỡ này nhưng mỡ nội tạng có thể làm tăng nguy cơ mắc phải nhiều vấn đề về sức khỏe.
  • Mỡ nâu: là một loại mỡ đặc biệt, thực ra có thể giúp cơ thể đốt cháy lượng calo thừa và giữ ấm cho cơ thể. Trẻ em thường có rất nhiều mỡ nâu, nhưng người trưởng thành cũng có một lượng nhỏ mỡ nâu trong cơ thể, thường là quanh vai và ngực.

 

Mỡ dưới da thực ra có một số lợi ích quan trọng

Mỡ dưới da có chức năng chính là dự trữ năng lượng. Một lượng nhỏ mỡ dưới da có thể giúp ích cho cơ thể nhiều hơn bạn nghĩ. Mỡ dưới da có thể làm tăng hormone leptin, loại hormone sẽ truyền tín hiệu tới não thông báo rằng bạn đã no và không cần phải ăn thêm nữa. Mỡ dưới da cũng góp phần tạo ra adiponectin, một loại hormone chống viêm, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lượng đường huyết khỏe mạnh.

 

Quá nhiều mỡ nội tạng có thể gây nguy hiểm

Vì mỡ nội tạng thường tích tụ quanh các cơ quan quan trọng, nên mỡ nội tạng có thể sẽ xâm nhập vào gan. Từ gan, mỡ nội tạng có thể chuyển hóa thành cholesterol, di chuyển trong máu tới khắp cơ thể và có thể gây nghẽn mạch máu.

Mỡ nội tạng còn có thể truyền tín hiệu cho việc tiết ra các hóa chất gây viêm và góp phần vào tình trạng kháng insulin. Cả 2 quá trình này đều có ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể.

Mặc dù rất khó để biết bạn có bao nhiêu mỡ nội tạng, nhưng tình trạng thừa mỡ nội tạng là rất phổ biến. Co stới 44% số phụ nữ và 42% số nam giới bị thừa mỡ nội tạng. Cách chính xác nhất để đo lượng mỡ nội tạng là chụp MRI hoặc chụp CT.

 

BMI không phải là cách chính xác nhất để đo lường lượng mỡ cơ thể.

Nếu chỉ số BMI của bạn cao, nguy cơ thừa mỡ nội tạng của bạn sẽ cao hơn. Nhưng BMI không phải là chỉ số duy nhất nói lên mức mỡ nội tạng của bạn. 22% sô nam giới và 8% số nữ giới có cân nặng bình thường vẫn bị thừa mỡ nội tạng. Ngược lại, có 22% số nam giới và 10% số nữ giới bị béo phì nhưng có lượng mỡ nội tạng ở trong giới hạn cho phép.

 

Lối sống có thể ảnh hưởng đến lượng mỡ nội tạng của bạn

Một số thói quen có thể làm tăng việc tích tụ mỡ nội tạng:

  • Ăn quá nhiều đồ ăn vặt
  • Lối sống ít vận động
  • Không kiểm soát tốt stress

 

6 cách để kiểm soát sự phân bố mỡ cơ thể:

Mặc dù bạn không thể kiểm soát hoàn toàn được việc phân bố mỡ của cơ thể, nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát được phần nào đó.

  • Hãy lựa chọn thực phẩm giàu carbohydrate phức hợp và protein
  • Ăn những loại chất béo có lợi cho sức khỏe
  • Tập thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày và tăng dần cường độ
  • Kiểm soát tốt stress
  • Ngủ đủ 6-7 tiếng mỗi tối
  • Hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn

Đừng cố gắng thực hiện cả 6 điều trên đây cùng một lúc. Hãy từng bước thực hiện từng việc một và xây dựng một thói quen tốt lâu dài.

Luôn nhớ rằng: hãy kiểm soát khẩu phần ăn của bạn. Khi bạn ăn quá nhiều bất cứ loại thực phẩm nào, kể cả những thục phẩm tốt cho sức khỏe, thì lượng calo thừa bạn nạp vào cũng sẽ được dự trữ dưới dạng mỡ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top