Chóng mặt là một triệu chứng chủ quan của người bệnh. Người bệnh cảm thấy mọi vật quanh mình quay tít hoặc bản thân bị quay như đứng giữa một cơn lốc, có khi cảm thấy bồng bềnh như đi thuyền trên sóng hoặc bước hẫng, đi lại không vững hoặc đi như bị kéo lệch về một phía. Có lúc người bệnh thấy nhà cửa đu đưa, giường chao đảo, mặt đất dập dềnh. Trong một số trường hợp, chóng mặt kèm theo buồn nôn hoặc nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, sợ hãi. Xử trí thế nào để giảm rủi ro do cơn chóng mặt?
Cơn chóng mặt xảy ra đột ngột nhưng chấm dứt cũng rất nhanh, chỉ trong mấy giây đồng hồ để rồi xuất hiện trở lại: chóng mặt có thể gặp từ 20-80 tuổi, hay gặp nhất ở quãng 50-60 tuổi. Chóng mặt có khi gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh.
Nguyên nhân của chóng mặt rất phức tạp, có khi cần sự phối hợp khám của nhiều chuyên khoa như tai - mũi - họng, nội khoa, thần kinh, mắt, Xquang và làm một số xét nghiệm khác. Tuy vậy, thường cũng chỉ tìm được nguyên nhân ở 30% các trường hợp.
Các nguyên nhân chính gây ra chóng mặt là: Chấn thương (va chạm, ngã, đụng đập, tai nạn giao thông...) gây ra chấn động tai trong; Nhiễm độc (rượu, thán khí, oxyt cacbon...); Dùng một số thuốc có ảnh hưởng đến tai trong (tiền đình); Viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm màng não; Nhiễm virut; Rối loạn điều hành tuần hoàn trong tai, huyết áp dao động; Do ống tai ngoài bị bít (vật lạ, ráy tai...); Do có tổn thương trong não.
Ở người cao tuổi, hay gặp nhất loại chóng mặt kịch phát theo tư thế. Loại này đột ngột, trước đó không có bệnh gì rõ rệt, thường vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối lúc đi ngủ. Khi đang nằm, đầu nghiêng trên gối quay sang phải hoặc trái, hay quay cả người hoặc đang ngồi mà nghiêng đột ngột sang một bên, người bệnh thấy chóng mặt dữ dội. Thường cơn chóng mặt xuất hiện theo một tư thế nhất định hoặc theo một bên nhất định (bên phải hoặc bên trái).
Phần lớn người bệnh tự mình xác định được tư thế nào gây cơn chóng mặt, do đó tự tìm được cách tránh tư thế đó hoặc làm tư thế đó một cách từ từ, nhẹ nhàng. Xuất hiện bất ngờ, có cơn rất mạnh trong vài ba ngày, chóng mặt kịch phát theo tư thế thưa dần trong thời gian từ vài tuần đến vài tháng; các cơn nhẹ dần, ngắn dần, rồi hết hẳn. Trong các năm sau, cơn có thể phát lại song nhẹ hơn. Tuy vậy, ở người cao tuổi vẫn có 10% người bệnh bị cơn tái đi tái lại trong nhiều năm, bệnh đã trở thành mạn tính.
Đối với người bệnh đang lên cơn chóng mặt, thầy thuốc chỉ nên khám tối thiểu, tránh làm tăng cơn chóng mặt và tôn trọng tư thế nằm mà người bệnh đã chọn, tránh di chuyển không cần thiết.
Nếu người bệnh đồng thời bị chóng mặt, ù tai, điếc có thể nghĩ đến một hội chứng tai trong, gọi là hội chứng Mơ-ni-e (Menière) do sũng nước ở tai trong. Tuy rất khó chịu, hội chứng này có xu hướng tự khỏi; người bệnh có thể hết chóng mặt song vẫn còn ù tai kéo dài và nghe kém.
Các chứng chóng mặt xuất hiện từ từ, xảy ra ở bất kỳ tư thế nào, không dữ dội song kéo dài trong nhiều ngày, có kèm theo rung giật nhãn cầu (động mắt), thường biểu hiện một tổn thương trong não, cần phải được các chuyên khoa phối hợp khám kỹ mới xác định được nguyên nhân và đề ra cách chữa hợp lý.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh