✴️ Làm sao để nhận biết bệnh tiểu đường

Nội dung

Bệnh đái tháo đường có cơ chế hình thành từ sự ngăn cơ thể tạo ra insulin hoặc sử dụng hormone insulin không hiệu quả. Insulin là hormone giúp điều hòa đường trong máu và đảm bảo rằng nó luôn ở mức ổn định. Nếu lượng đường trong máu quá cao sẽ làm hỏng các tế bào và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Chẩn đoán sớm bệnh tiểu đường giúp người bệnh có kế hoạch cũng như chiến lược điều trị và thay đổi lối sống để ngăn ngừa biến chứng đáng tiếc.

Triệu chứng

Một số triệu chứng của bệnh tiểu đường bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Đói trong hoặc ngay sau bữa ăn;
  • Giảm cân, mặc dù ăn nhiều hơn;
  • Cực kỳ khát nước;
  • Đi tiểu thường xuyên;
  • Mờ mắt;
  • Vết thương lâu lành;
  • Ngứa hoặc tê ở bàn tay, bàn chân;

Bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ có nhiều khả năng mắc tiểu đường type 1 hơn type 2. Người chăm sóc trẻ có thể thấy trẻ:

  • Mệt mỏi;
  • Đói dữ dội;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Nhìn mờ;
  • Nhiễm trùng hoặc có thể biểu hiện giống phát ban tã;
  • Hơi thở có mùi trái cây;
  • Hành vi bất thường như cáu, bồn chồn;

Bệnh tiểu đường type 1 ở người lớn

Nên đi khám bệnh nếu :

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Khát nước nhiều;
  • Đi tiểu thường xuyên;
  • Mờ mắt;
  • Nhiễm trùng tái đi tái lại;
  • Chậm lành vết thương;

Bệnh tiểu đường type 2

Nhiều người phát hiện họ mắc tiểu đường type 2 khi đi khám sức khỏe định kỳ. Số khác gặp bác sĩ vì các triệu chứng do biến chứng của bệnh. Các triệu chứng của các biến bệnh tiểu đường bao gồm:

  • Nhiễm trùng da hoặc ngứa;
  • Thay đổi thị lực;
  • Ngứa, đau, tê và yếu ở bàn chân và bàn tay;
  • Vết loét trên bàn chân;
  • Khát hoặc khô miệng;
  • Hơi thở có mùi trái cây;
  • Các triệu chứng liên quan bệnh thận.

Phòng tránh các biến chứng

Bệnh nhân tiểu đường cần được chẩn đoán sớm để điều trị càng sớm càng tốt. Việc điều trị tập trung vào sự điều chỉnh lượng đường máu từ bác sĩ chuyên khoa.

Nếu không điều trị, tăng đường huyết có thể gây ra các biến chứng sau:

Nhiễm toan Ceton do tiểu đường

Nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA) là một tình trạng cấp tính do ceton tích tụ trong cơ thể. Ceton là một sản phẩm phụ hình thành khi cơ thể phân hủy chất béo để lấy năng lượng.

Nhiễm toan ceton do tiểu đường có thể phát triển trong vòng vài giờ và có thể đe dọa tính mạng. Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu bao gồm :

  • Hụt hơi;
  • Khát nước dữ dội;
  • Đường huyết tăng cao;
  • Xuất hiện Ceton cao trong nước tiểu;

Sau đó có thể xảy ra các triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi;
  • Da khô hoặc đỏ;
  • Buồn nôn, nôn hoặc đau bụng;
  • Khó thở;
  • Khó tập trung;
  • Lú lẫn;
  • Hơi thở có mùi trái cây;

Bất kỳ ai có các triệu chứng này cần nhập viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Biến chứng lâu dài của tiểu đường

Các biến chứng sau hoặc bệnh nền sau sẽ nặng hơn nếu tiểu đường không được điều trị hiệu quả:

  • Bệnh tim;
  • Đột quỵ;
  • Suy thận;
  • Mất thị lực;

Ngoài ra, một số người phải cắt bỏ một chi. Điều trị sớm một bệnh tiểu đường có thể giúp ngăn ngừa biến chứng này xảy ra.

Nguyên nhân

Bệnh tiểu đường type 1 và type 2 có nguyên nhân khác nhau .

Bệnh tiểu đường type 1

Bệnh tiểu đường type 1 do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào trong tuyến tụy chịu trách nhiệm sản xuất insulin. Khi điều này xảy ra, cơ thể không thể sản xuất đủ insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu do đó những người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần insulin suốt đời bên cạnh các liệu pháp và biện pháp chăm sóc khác.

Hiện tại vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân chính xác, nhưng các yếu tố di truyền, môi trường có thể đóng một vai trò nào đó.

Bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường type 2 do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Hiện tượng này được gọi là kháng insulin. Ở người mắc tiểu đường type 2, lượng đường dư thừa sẽ tích tụ trong máu dẫn đến các triệu chứng và nếu không điều trị sẽ gây các biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh tiểu đường loại 2 thường ở người lớn tuổi, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 2

Tuổi già là yếu tố nguy cơ đáng kể nhất ở bệnh tiểu đường type 2. Dân tộc, quốc gia cũng là một yếu tố nguy cơ. Ngoài ra, bệnh tiểu đường type 2 thường gặp hơn ở những người:

  • Béo phì, thừa cân;
  • Lười hoạt động thể chất hoặc có lối sống ít vận động;
  • Nhiều mỡ bụng;
  • Tiểu đường thai kỳ;
  • Tăng huyết áp;
  • Lớn hơn 35 tuổi;
  • Tiền sử gia đình;

Chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ chẩn đoán bệnh tiểu đường qua các triệu chứng và xét nghiệm máu để định lượng mức đường huyết. Điều trị tùy thuộc vào loại bệnh tiểu đường. Một người mắc type 1 cần dùng insulin mỗi ngày;

Đối với bệnh nhân tiểu đường type 2, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn các chiến lược tự chăm sóc và quản lý lượng đường máu. Điều này có thể bao gồm việc dùng thuốc theo chỉ định, kể cả insulin.

Điều quan trọng là phải tuân theo kế hoạch điều trị đề ra. Bất cứ ai gặp bất kỳ tác dụng phụ nào từ thuốc nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được tư vấn đổi thuốc phù hợp.

Xem thêm: Bệnh lý võng mạc tiểu đường (Diabetic Retinopathy - DR)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top