✴️ Thoái hóa khớp từ tuổi 40

Nội dung

1. Thoái hóa khớp không chỉ là bệnh của người cao tuổi

Thoái hóa khớp là một trong những bệnh khớp mạn tính rất thường gặp ở người cao tuổi với hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhày giúp bôi trơn trong khớp. Sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô và nứt nẻ, mòn, khuyết…

Thoái hóa khớp xảy ra do sự mất cân bằng giữa hai quá trình tái tạo sụn và thoái hóa sụn. Tuổi càng cao thì quá trình tái tạo sụn càng giảm, đồng thời tốc độ thoái hóa sụn tăng lên. Sự mất cân bằng giữa hai quá trình này dẫn tới hiện tượng các tế bào sụn già không được thay thế, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysaccharid giảm rối loạn. Từ đó, chất lượng sụn giảm dần, tính chất đàn hồi và khả năng chịu lực giảm.

Theo các bác sĩ cơ xương khớp, thoái hóa khớp được chia làm 2 dạng là thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thứ phát. Trong đó, thoái hoá khớp nguyên phát do lão hoá của mô khớp, hoặc do sụn khớp được tưới máu và nuôi dưỡng kém,… dẫn đến mất tính đàn hồi và khô cứng. Khi hoạt động, sụn chạm vào đầu xương, gây hoại tử ở nơi chịu áp lực mạnh nhất. Bệnh này chỉ gặp ở người trên 40 tuổi.

Khác với thoái hoá khớp nguyên phát, thoái hoá khớp thứ phát thường do sự lão hoá sớm của sụn khớp, xuất hiện sau chấn thương làm tổn thương diện khớp, hoặc từ những chấn thương nhỏ nhưng tác động nhiều lần, khớp hoạt động quá tải; do di chứng của viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm đa khớp dạng thấp…

Bệnh thoái hóa khớp ảnh hưởng tới sinh hoạt và khả năng vận động, chất lượng cuộc sống người bệnh

Những người béo phì cũng thường mắc chứng hư khớp do quá nặng cân, các khớp luôn trong tình trạng bị sức ép lớn. Những thể thứ phát này thường trầm trọng hơn những thể nguyên phát. Ngoài ra, những yếu tố về thời tiết, khí hậu… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh xuất hiện.

Bệnh thoái hoá khớp nguyên phát hay gặp ở người 40 – 50 tuổi, và ở phụ nữ sau khi mãn kinh. Các dấu hiệu của thoái hóa khớp chỉ xuất hiện khi xương và hệ thống bao khớp hoạt dịch bị tổn thương thực sự. Bệnh thường khởi đầu âm ỉ, tiến triển chậm, đau khớp vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy, đau giảm sau khi khớp được hoạt động và hết đau khi nghỉ ngơi. Khớp không sưng và không có các dấu hiệu toàn thân.

2. Phòng bệnh thoái hóa khớp hiệu quả

Để phòng bệnh thoái hóa khớp có hiệu quả, ngay từ khi còn trẻ cần chú ý tới xương khớp của mình. Cần hướng dẫn người cao tuổi thực hiện các chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh cho khớp bị quá tải bởi trọng lượng và vận động: duy trì cân nặng hợp lý, tránh các tư thế: đứng lâu; ngồi vẹo lệch, không cân đối. Tập luyện thường xuyên và vừa sức giúp cơ bắp khỏe mạnh, không nên tập vận động quá mạnh hoặc quá lâu.

Chính vì thế để phòng thoái hóa khớp nên chú ý tới chế độ vận động, thể dục thể thao hàng ngày

Với người cao tuổi, tốt nhất nên tập thể dục nhẹ nhàng, dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe, đi bộ nhẹ nhàng trong khoảng thời gian 20 – 30 phút/ngày. Thực phẩm ăn uống nên đa dạng, giàu protein, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi (trứng, sữa, tôm, cua, lươn và các loại nhuyễn thể, các loại quả chín và rau có màu xanh đậm hoặc màu vàng…).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top