✴️ Phẫu tích bệnh phẩm để cấy vi trùng, nấm, virus trên mô

NGUYÊN TẮC

Khi có chỉ định liên quan đến tình trạng nhiễm trùng (biểu hiện trên lâm sàng, đại thể, mô cắt lạnh) nên lấy và chuyển ngay mô đến phòng xét nghiệm. Mẫu mô tươi, dụng cụ lấy và chứa bệnh phẩm lấy phải vô trùng.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sĩ giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học:                                 01

Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học:                      02

Phương tiện, hóa chất

Bàn phẫu tích bệnh phẩm: kích thước 150cm x 120cm x 80cm, chiều cao có thể thay đổi để thích hợp cho tư thế đứng pha bệnh phẩm.

Giá đựng bệnh phẩm lưu trữ nhiều tầng: 01 cái, kích thước 200cm x 60cm x 200cm (kích thước có thể thay đổi cho phù hợp với diện tích của phòng phẫu tích bệnh phẩm, chiều cao mỗi ngăn nên từ 40cm - 50cm).

Dao sắc có chuôi cầm: 02 cái; dao lưỡi mỏng: 02 cái.

Kẹp phẫu tích có mấu và không mấu: mỗi loại 02 cái có chiều dài khác nhau.

Thớt nhựa sạch, phẳng: 02 cái.

Đèn cồn 01 cái, que cấy vô trùng.

Các lọ vô trùng đựng bệnh phẩm nuôi cấy.

Các lọ chứa sẵn dung dịch cố định cho xét nghiệm mô bệnh học thường quy.

Phẩm nhuộm Gram, Ziehl-Neelsen…

Bút chì mềm, nhãn giấy ghi tên, tuổi người bệnh, mã số xét nghiệm, mô xét nghiệm…

Găng tay, khẩu trang, kính bảo vệ mắt và quần áo bảo hộ: 03 bộ.

Vòi nước chảy, các dụng cụ và thuốc tẩy trùng để làm sạch dụng cụ.

Bình có chứa dung dịch cố định để lưu bệnh phẩm.

Dụng cụ có nắp kín để đựng các bệnh phẩm đã pha còn dư lại để đem huỷ. 

Bệnh phẩm

Bệnh phẩm tươi được đựng trong các túi (lọ) vô khuẩn, do các khoa, phòng lâm sàng gửi tới.

Phiếu xét nghiệm

Có đầy đủ thông tin về người bệnh (họ tên, tuổi, giới, địa chỉ, điện thoại), khoa phòng yêu cầu xét nghiệm.

Có ghi đầy đủ chẩn đoán lâm sàng, bao gồm các triệu chứng lâm sàng, các kết quả cận lâm sàng khác, phương pháp lấy bệnh phẩm, vị trí, số lượng bệnh phẩm.

Có ghi rõ yêu cầu xét nghiệm, tên bác sĩ yêu cầu xét nghiệm.

Ghi ngày giờ lấy bệnh phẩm, ngày giờ chuyển đến khoa giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học, có hay không có cố định bệnh phẩm sơ bộ, loại dung dịch cố định.

Có phần mô tả đại thể, số lượng bệnh phẩm lấy xét nghiệm, vùng lấy bệnh phẩm, loại mô xét nghiệm…

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Mẫu mô lớn

Có nhiều kỹ thuật được áp dụng trên mẫu mô lớn, tươi (phổi, lách). Nói chung, thường áp dụng hai loại kỹ thuật:

Kỹ thuật 1

Đốt nóng đầu cây lấy mẫu cấy để khử trùng.

Dùng dao rạch sâu một đường ngay tại bề mặt đã vô trùng nói trên. 

Lấy một ít mô ở bên trong khối mô lớn, kích thước tốt nhất là 1cm x lcm x lcm.

Kỹ thuật 2

Đốt nóng đầu cây lấy mẫu cấy để khử trùng.

Dùng dao rạch sâu một đường ngay tại bề mặt đã vô trùng nói trên.

Cho que gòn vô trùng qua đường rạch, phết vào mô và sau đó cho que gòn vào môi trường bảo quản thích hợp.

Các tổn thương dạng nang cần phải cấy vi trùng yếm khí, nên để nguyên dịch trong bơm tiêm.

Mẫu mô nhỏ

Nếu mẫu mô tươi chứa trong lọ vô trùng: 

Mở lọ, cắt một phần mô bằng dụng cụ vô trùng để dùng cho việc cấy.

Phần còn lại dùng để làm tiêu bản mô học.

Nếu mẫu mô không được vô trùng:

Cắt lấy mẫu mô kích thước 1cm x 1cm x 1cm bằng dao vô trùng. Nếu mẫu mô có kích thước nhỏ hơn thì lấy tối đa mẫu mô nếu có thể.

Dùng kẹp vô trùng gắp mô, nhúng vào etanol và đốt.

Sau đó nhúng vào nước muối sinh lý vô trùng.

Rửa lại bằng dung dịch vô trùng, sau đó để vào lọ vô trùng khác.

Sau khi lấy được mẫu mô, cần áp phiến kính trên bề mặt mô, cố định phiến đồ trong cồn và nhuộm để tìm vi trùng bằng các phương pháp nhuộm như Gram, ZiehlNeelsen.

 

KẾT QUẢ 

Các mẫu mô tươi, không bị nhiễm khuẩn, có các thành phần cần nuôi cấy.

 

NHỮNG SAI SÓT VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ

Nếu mẫu mô bị nhiễm khuẩn, không đạt yêu cầu nuôi cấy, cần lấy lại mảnh khác (với mẫu mô lớn) hoặc vô trùng lại (với mẫu mô nhỏ).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top