✴️ Tổng hợp kiến thức về loãng xương và cách điều trị

Nội dung

1. Kiến thức cần biết về loãng xương

1.1. Loãng xương là gì?

Loãng xương là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng rối loạn chuyển hóa của bộ xương. Biểu hiện rõ ràng nhất của tình trạng này là mật độ khoáng chất trong một đơn vị diện tích hoặc thể tích của xương giảm, đồng thời xuất hiện tổn thương giáng hóa trong cấu trúc xương. Nếu không can thiệp kịp thời, người bị loãng xương lâu dần có thể đối diện với nguy cơ gãy xương.

 

1.2. Nhận biết các loại loãng xương và nguyên nhân

Dựa vào nguyên nhân, các chuyên gia y tế đã chia loãng xương thành hai loại là: loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.

– Loãng xương nguyên phát là tiến trình lão hóa tự nhiên ở người. Khi tuổi tác cao, hoặc phụ nữ đến giai đoạn mãn kinh, quá trình lão hóa gây ra tình trạng mất cân bằng giữa hủy xương và tạo xương.

– Loãng xương thứ phát có liên quan đến một số bệnh mạn tính hoặc xuất phát từ nguyên nhân sử dụng một số loại thuốc. Một số bệnh nội tiết, tiêu hóa, khớp, ung thư, bệnh di truyền,… đều có thể tác động tới quá trình loãng xương. Bên cạnh đó, các trường hợp dùng corticoid, heparin hoặc lợi tiểu kéo dài,… cũng được xếp vào nguyên nhân gây nguy cơ loãng xương.

Loãng xương có thể gặp ở bất cứ ai nhưng người già là đối tượng dễ mắc nhất

 

2. Các phương pháp điều trị loãng xương phổ biến hiện nay

Dự phòng và điều trị loãng xương là một trong những hoạt động thiết yếu nhằm ngăn chặn tình trạng gãy xương. Tùy vào tình trạng thực tế và độ tuổi, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp hoặc phác đồ điều trị phù hợp.

 

2.1. Loãng xương và cách điều trị không dùng thuốc

Lối sống và thói quen sinh hoạt lành mạnh có đóng góp không nhỏ vào việc tăng cường sức khỏe cho hệ xương khớp của mỗi người.

– Xây dựng khẩu phần ăn uống hợp lý: Bổ sung canxi có trong thức ăn, sữa, dược phẩm. Bên cạnh đó, cần tránh sử dụng các loại chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…

– Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, tăng cường vận động và tăng sự dẻo dai cho cơ bắp sao cho phù hợp với khả năng của mỗi người.

Để giảm sự tỳ đè và tác động mạnh lên xương, bạn có thể sử dụng một số loại dụng cụ, nẹp chỉnh hình cho cột sống hoặc khớp háng.

– Duy trì thói quen tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng để tăng khả năng hấp thụ vitamin D. Tùy theo độ tuổi, bạn có thể cân nhắc và lựa chọn bài tập với cường độ phù hợp như: đi bộ, chạy bộ, aerobic, tập dưỡng sinh,…

Dù là sử dụng phương pháp tập luyện nào cũng nên hạn chế các bài tập vượt quá giới hạn chịu đựng của bản thân để tránh bị gãy xương.

Trên thực tế, áp dụng đơn thuần các phương pháp tự nhiên chỉ đem lại hiệu quả với trường hợp loãng xương thể nhẹ hoặc từ giai đoạn sớm. Trường hợp chế độ ăn uống không đủ để giải quyết tình trạng thiếu hụt, mất cân bằng mật độ khoáng chất của xương thì người bệnh nên can thiệp bằng thuốc.

Tập luyện với cường độ phù hợp giúp cơ thể dẻo dai hơn

 

2.2. Loãng xương và cách điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc chuyên dùng để điều trị loãng xương:

– Can-xi nạp vào cơ thể 1.000 – 1.200mg/ ngày

– Vitamin D nạp vào cơ thể 800 – 1.000IU/ ngày

– Các loại thuốc giúp ức chế hoạt động hủy xương như: Thuốc nhóm Biphosphonate, Cholecalciferol 2800UI, Calcitonin (chiết xuất từ cá hồi), Thuốc có tác dụng kép Strontium ranelat,…

– Các nhóm thuốc khác hỗ trợ tạo xương và ức chế hủy xương.

Tuy nhiên, việc sử dụng đơn thuốc để điều trị loãng xương cần có chỉ định cụ thể từ phía bác sĩ chuyên môn. Căn cứ vào tình trạng của từng người sau khi đo mật độ loãng xương, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp nhằm khắc phục tình trạng này, đồng thời đảm bảo an toàn cho người bệnh, không phát sinh rủi ro ngoài ý muốn.

 

3. Một số lưu ý trong dự phòng loãng xương và cách điều trị

Bên cạnh việc điều trị từ sớm nhằm giảm thiểu tác động xấu đến sức khỏe thì bạn cũng không nên bỏ qua các phương pháp dự phòng dưới đây:

– Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi mật độ xương, đảm bảo có hướng xử trí từ giai đoạn sớm nhất.

– Giữ nhà cửa gọn gàng, chú ý cầu thang nhằm giảm thiểu nguy cơ chấn thương gây gãy xương.

– Đối với người có tiền sử bị loãng xương hoặc đang điều trị bệnh thì cần tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ.

– Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định từ phía bác sĩ chuyên khoa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top