✴️ Trật khớp khuỷu tay có thể gây mất chức năng vận động nặng

Cấu tạo khớp khuỷu

Khớp khuỷu được cấu tạo bởi đầu dưới xương cánh tay và đầu trên của xương trụ và xương quay: phần ngoài là lồi cầu tiếp nối với chỏm quay tạo thành khớp cánh tay – quay; phần trong là ròng rọc tiếp nối với hõm xích-ma lớn tạo thành khớp cánh tay – trụ.

Xương quay và xương trụ tiếp với nhau tạo thành khớp quay- trụ trên. Gấp, duỗi là hai động tác quan trọng và duy nhất của khớp khuỷu; còn sấp, ngửa là động tác của cẳng tay.

Trật khớp khuỷu tay

Trật khớp khuỷu là cả hai xương cẳng tay: hõm xích-ma lớn và chỏm quay, trật ra khỏi đầu dưới xương cánh tay chỗ ròng dọc và lồi cầu.

Nguyên nhân gây trật khớp có thể do ngã chống tay, khuỷu duỗi tối đa, cẳng tay ngửa hoặc chấn thương gián tiếp.

Dấu hiệu nhật biết bị trật khớp khuỷu

Sau một chấn thương, bệnh nhân thấy đau vùng khuỷu, không gấp hay duỗi được cẳng tay. Thông thường khi trật khớp khuỷu chúng ta thấy cẳng tay bệnh nhân ở tư thế gấp chừng 45 độ, cẳng tay trông như ngắn lại, trái lại cánh tay trông như dài ra.

Sờ nắn nhẹ nhàng trước nếp khuỷu thấy bờ xương tròn của đầu dưới xương cánh tay. Sờ phía sau thấy mỏm khuỷu nhô ra sau, gân cơ tam đầu cánh tay căng cứng, gấp khuỷu nhẹ, thả ra có dấu hiệu lò xo tức là cẳng tay tự động bật trở về vị trí ban đầu trước khi gấp khuỷu.

Thầy thuốc nhìn thấy mỏm khuỷu và hai mỏm trên lồi cầu và trên ròng rọc không còn quan hệ tam giác mà ngang nhau. Sờ được chỏm xương quay phía sau ngoài khớp. 

Có thể các dây chằng ở trước trong bị đứt, nhưng rất hiếm khi gặp đứt dây chằng  vòng quanh chỏm quay, bao khớp bị rách.

Có thể gặp gãy xương như vỡ một phần của đầu dưới xương cánh tay (vỡ lồi cầu ngoài hay lồi cầu trong), mỏm khuỷu.

Nếu bệnh nhân đến khám sớm ngay sau chấn thương, chẩn đoán thường dễ, do sờ thấy các mốc xương.

Trường hợp bệnh nhân đến muộn thì vùng khuỷu sưng nề. Trật khớp khuỷu ra sau là hay gặp nhất chiếm 90% các trường hợp trật khớp khuỷu ra trước do vỡ mỏm khuỷu; trật khớp khuỷu sang bên: do vỡ các lồi cầu.

Trật khớp có thể gây tổn thương mạch máu và thần kinh nên cần khám mạch máu và thần kinh: bắt mạch quay, mạch trụ ở cổ tay xem còn đập không, nếu không là bị rách ở vùng trật khớp, khám vận động và cảm giác ở đầu chi để đánh giá có hay không tổn thương các dây thần kinh.

Nhiều trường hợp trật khớp động mạch cánh tay thường bị căng giãn, có khi bị chèn ép có thể bị tắc mạch muộn do bị giập nội mạc. Chụp Xquang khuỷu để xác định kiểu trật và xem có gãy xương kèm theo hay không.

Dấu hiệu nhật biết bị trật khớp khuỷu

Chữa trị trật khớp khuỷu tay thế nào?

Trường hợp trật khớp khuỷu mới (dưới 3 tuần): phải kéo nắn khớp và nẹp bột. Thường nẹp bột khoảng 10 ngày thì tập vận động.

Các bệnh nhân mà nắn khớp được rồi nhưng kém vững do rách phần mềm nhiều phải cho bất động 3-4 tuần, sau đó mới tập vận động.

Cần lưu ý cho bệnh nhân tập duỗi cho hết. Trường hợp không nắn vào được là do kẹt khớp, bị gãy xương nội khớp, chèn phần mềm, khi đó phải phẫu thuật đưa về vị trí giải phẫu.

Nếu sau nắn trật, kiểm tra mạch không bình thường cũng cần phẫu thuật để kiểm tra, cắt nối chỗ giập, ghép tĩnh mạch. Tổn thương thần kinh có thể bị một trong ba sợi là thần kinh giữa, thần kinh trụ và thần kinh liên cốt trước.

Hầu hết các trường hợp thần kinh chỉ bị đụng giập nhẹ, hồi phục nhanh. Tuy nhiên khi gặp bệnh nhân bị liệt quá 3 tháng cần phẫu thuật thăm dò thần kinh, hoặc bị liệt sau nắn khớp cần mổ thăm dò ngay.

Trật khớp kèm gãy xương: gãy mỏm trên lồi cầu trong, mảnh gãy rất hay bị kẹt vào khớp. Phát hiện được nhờ vào dấu hiệu: sau khi nắn xong thì cử động khớp không mềm mại. Lúc này cần kiểm tra Xquang để phát hiện mảnh xương kẹt vào khớp, nếu thấy thì mổ lấy bỏ mảnh xương kẹt.

Trật khớp kèm gãy mỏm khuỷu: gãy không lệch, bó bột để khuỷu duỗi. Gãy có di lệch thì mổ kết hợp xương mỏm khuỷu.

Trật khớp khuỷu kèm gãy mỏm vẹt: độ 1, bất động 3-4 tuần rồi tập phục hồi chức năng ; độ 2-3: phẫu thuật cố định mảnh gãy với lỗ khâu xuyên xương, vỡ mảnh to cố định với vít.

Trật khớp khuỷ kèm gãy chỏm xương quay: nếu mảnh gãy di lệch dưới 2mm thì điều trị bảo tồn. Nếu gãy vụn chỏm thì cắt bỏ chỏm ở người lớn, hoặc thay bằng chỏm kim loại. Ở trẻ em cố gắng bảo tồn bằng kết hợp xương với vít cỡ bé.

Điều trị trật khớp khuỷu cũ (trật khớp trên 3 tuần)

Trật khớp khuỷu cũ thường ở tư thế xấu, khuỷu duỗi 0 độ, cẳng tay mất chức năng, do đó phải phẫu thuật để điều trị. Phẫu thuật đặt lại xương nếu thời gian dưới 3 tháng; hoặc làm cứng khớp ở tư thế cơ năng: để khuỷu gấp 90 độ, cẳng tay trung gian, vì trật khớp quá lâu nếu đặt lại khớp sẽ biến dạng ở tư thế xấu và giảm cơ năng vận động.

Một nghiên cứu cho thấy: trật khớp khuỷu gặp thứ 3 sau trật khớp vai và trật khớp ngón tay, chiếm 20-25% tổng số trật khớp. Bệnh gặp nhiều ở trẻ em trên 5 tuổi: 68%,  nữ nhiều hơn nam, tay trái nhiều hơn tay phải.

Ở người dưới 20 tuổi, trật khớp khuỷu gặp nhiều hơn trật khớp vai 7 lần. Trật khớp kèm gãy xương chiếm khoảng 12% các trường hợp. 

Xem thêm: Gãy thân xương cánh tay

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top