Nguyên nhân gây viêm túi mật là thông tin mà nhiều người không biết dù đây là căn bệnh khá phổ biến. Viêm túi mật là tình trạng túi mật bị viêm, phần lớn là do sỏi, ngoài ra còn có thể nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, chấn thương hoặc u. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, viêm túi mật có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho sức khỏe của người bệnh.
1. Tìm hiểu nguyên nhân viêm túi mật
Nguyên nhân viêm túi mật chủ yếu là do sỏi mật – được hình thành do sự mất cân bằng các thành phần có trong dịch mật.
Các nguyên nhân gây viêm túi mật thường gặp bao gồm:
- Sỏi mật: hầu hết các trường hợp viêm túi mật là do sỏi mật (được hình thành do sự mất cân bằng các thành phần có trong dịch mật). Sỏi mật có thể làm tắc nghẽn đường mật – ống dẫn mật từ túi mật , gây ra tình trạng dịch mật tích tụ và dẫn tới viêm.
- Khối u: một khối u có thể ngăn ngừa dịch mật thoát ra khỏi túi mật đúng cách dẫn tới tích tụ tắc nghẽn và kết quả là dẫn tới viêm túi mật.
- Tắc đường mật: sưng phù hoặc sẹo trong đường mật có thể gây tắc nghẽn dẫn đến viêm túi mật.
2. Biến chứng nguy hiểm của viêm túi mật
- Viêm túi mật có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng bao gồm:
- Hoại tử túi mật: viêm túi mật không điều trị có thể khiến các mô trong túi mật bị chết, kéo theo nguy cơ túi mật bị thủng hoặc bị vỡ.
- Thủng túi mật: biến chứng này có thể là kết quả của tình trạng túi mật bị sưng hoặc nhiễm trùng.
Ngoài ra còn có các biến chứng khác như viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết, mật rò ri vào ống tiêu hóa.
3. Điều trị viêm túi mật
Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị chính của viêm túi mật mạn tính.
Cách điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm túi mật. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh khi lựa chọn phương pháp điều trị.
- Kháng sinh phổ rộng để chống nhiễm trùng.
- Sử dụng các thuốc giúp làm tan sỏi mật (đây là cách cuối cùng, dành cho những người không thể phẫu thuật).
- Thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau trong quá trình điều trị.
- Phẫu thuật được áp dụng cho các trường hợp viêm túi mật mạn tính. Ngày nay, phẫu thuật túi mật thường được thực hiện bằng nội soi với ưu điểm: ít đau sau mổ, thời gina phục hồi nhanh, ít sẹo.
Bác sĩ điều trị cũng sẽ tư vấn cho bệnh nhân về chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp với tình trạng bệnh.
4. Làm thế nào để phòng ngừa viêm túi mật?
Để phòng ngừa viêm túi mật, cách đơn giản nhất là kiểm soát các yếu tố nguy cơ dẫn tới sỏi mật (vì đây là nguyên nhân viêm túi mật chủ yếu). Cụ thể:
- Giảm cân một cách từ từ: giảm cân quá trình có thể dẫn tới nguy cơ viêm túi mật. Nếu đang cần phải giảm cân, cố gắng duy trì mức giảm từ 0.5 – 1 kg/tuần.
- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh: thừa cân làm tăng nguy cơ sỏi mật. Để đạt được mức trọng lượng phù hợp, giảm lượng calo tiêu thụ hàng ngày và tăng cường hoạt động thể chất.
- Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh: chế độ ăn nhiều chất béo và ít chất xơ là yếu tố nguy cơ phát triển sỏi mật. Để hạn chế nguy cơ này, hãy chọn chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp