Tự kiểm tra cong vẹo cột sống

Tình trạng cong vẹo cột sống hoàn toàn có thể giảm đến mức tối đa 90% nếu được điều trị sớm và phù hợp. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp bệnh không được kiểm tra và phát hiện cho đến khi đường cong lên đến gần 30 độ. Lúc này, tình trạng cong vẹo gây ảnh hưởng sức khỏe như lệch dáng người, hô hấp khó khăn, đau mỏi,… Việc điều trị trở nên khó khăn hơn nhiều và có tốc độ phát triển gấp ba lần.

Ở trẻ em, phòng ngừa và phát hiện sớm cong vẹo cột sống càng quan trọng hơn vì độ tuổi này bệnh có thể tiến triển rất nhanh nhưng đồng thời cũng dễ điều chỉnh nhất vì lúc này hệ thống xương khớp của trẻ còn mềm dẻo. Nhiều khảo sát cho thấy trẻ em bắt đầu tiếp nhận điều trị trước khi đường cong đạt đến 20 độ có thể giảm xuống dưới 10 độ.

Vì chiếu chụp phim X-quang, MRI thường không thể nhận ra dấu hiệu cảnh báo ban đầu của chứng vẹo cột sống, đồng thời các bé cũng không thể tự phát hiện dấu hiệu bất thường của cơ thể, việc phòng ngừa phụ thuộc chủ yếu vào các bậc cha mẹ. Cụ thể, cha mẹ nên lưu ý hơn đến tư thế hàng ngày của con và thường xuyên thực hiện các biện pháp kiểm tra tại nhà do bác sĩ Paul D’Alfonso – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Trị liệu thần kinh cột sống Maple Healthcare chia sẻ sau đây:

Cách 1: Kiểm tra khi cúi gập người

Đây là phương pháp đơn giản nhất và được nhiều bác sĩ và y tá trường học thường sử dụng khi kiểm tra vẹo cột sống cho học sinh. Hãy cho con bạn đứng thẳng người, sau đó từ từ uốn cong thắt lưng, hai tay cố gắng chạm vào mũi chân.  Quan sát từ phía trước và sau xem một bên xương sườn, lưng dưới và hông có cao hơn bên còn lại hay không.

 

Cách 2: Kiểm tra khi đứng thẳng người

Thay đổi tư thế là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm nhất của chứng vẹo cột sống và thường là dấu hiệu trước khi đường cong trở nên rõ ràng. Khi cột sống xuất hiện đường cong bất thường, vai, thắt lưng và hông cũng bị đẩy khỏi đường liên kết vốn có. Hãy cho con đứng thẳng người, quan sát từ 3 phía: trước, sau và bên hông, trẻ bị vẹo cột sống sẽ có dấu hiệu lưng cong bất thường, lệch vai.

 

Cách 3: Kiểm tra quần áo

Những thay đổi tinh tế trong tư thế có thể khó nhận ra, nhưng đôi khi quần áo của con bạn là chứng cứ đầu tiên cho thấy đường cong ở cột sống. Hãy thường xuyên chú ý ống quần của trẻ có bị dài ngắn không đều hay không hoặc một bên tay áo trông có ngắn hơn bên còn lại hay không.

 

Cách 4: Tư thế khi bước đi

Nhiều trường hợp chứng vẹo cột sống có thể làm cho người bệnh bước đi khập khiễng hoặc những điều bất thường khác. Vì thế, nên quan sát tư thế khi bước đi, nếu cơ thể nghiêng về một bên hoặc chân thấp chân cao, rất có thể cột sống của trẻ đã bị vẹo.

Thường xuyên kiểm tra chứng vẹo cột sống là một trong những cách hiệu quả nhất để phát hiện sớm tình trạng này. Là cha mẹ, bạn là người biết rõ con của mình hơn bất cứ ai. Nếu bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào ở trên, hãy đưa con đến khám ngay tại các đơn vị chuyên khoa cơ xương khớp, cụ thể là phòng khám Trị liệu thần kinh cột sống. Với kỹ thuật chuyên môn và các dụng cụ tiên tiến, bác sĩ sẽ nhanh chóng chẩn đoán được chính xác mức độ cong vẹo của trẻ và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Đường cong dưới 25 độ sẽ được điều trị bằng nắn chỉnh thần kinh cột sống kết hợp đeo đai định hình, vật lý trị liệu làm thư giãn cơ. Hầu hết bệnh nhân nhỏ tuổi có thể phục hồi 70 – 90% sau 3 – 6 tháng điều trị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top