Viêm gân gấp ngón tay

Nội dung

- Viêm gân gấp ngón tay là tình trạng viêm bao gân ở vùng gân gấp ngón tay, một vài trường hợp có thể xuất hiện các hạt xơ bên trong bao gân, gây hẹp bao gân và cản trở vận động của gân khi co hoặc duỗi ngón tay. Chính vì vậy, khi gân ngón tay bị viêm sẽ khiến gân không co duỗi bình thường được, đôi khi bệnh nhân phải dùng bên tay không bị bệnh kéo ngón tay ra thì mới có thể gấp vào hoặc duỗi ra được. Do đó, viêm gân gấp ngón tay còn được biết đến với một cái tên khác là ngón tay lò xo.

- Đây là bệnh lý mãn tính, thường xuất phát từ việc tích lũy các tổn thương ở bao gân ngón tay trong thời gian dài dẫn đến viêm đau. Tình trạng tổn thương gân gấp ngón tay thường gặp ở một số người làm những nghề nghiệp cần phải sử dụng bàn tay nhiều như nông dân, bác sĩ phẫu thuật, thợ cắt tóc, nhân viên văn phòng,... Hoặc có thể do chấn thương dây chằng và gân ngón tay trong khi chơi thể thao mà không được điều trị kịp thời. Đôi khi tình trạng viêm gân gấp ngón tay có thể là biến chứng của của một số bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, gout và tiểu đường.

- Triệu chứng ban đầu của chứng viêm gân gấp thường là cảm giác khó chịu mỗi khi co hoặc duỗi ngón tay. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển và xuất hiện hiện tượng ngón tay tự động gập lại. Đôi khi, khớp liên đốt gần lòng bàn tay đau nhói và khó chịu.

 

Dấu hiệu thường gặp của viêm gân gấp ngón tay:

- Ngón tay thường tự động gập lại dù bạn đang cố gắng để duỗi ngón tay ra.

- Cần dùng tay khác kéo thì ngón tay mới duỗi ra được.

- Đau ở vùng gân bao và đau nhiều hơn khi vận động.

Mức độ nhẹ bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho bạn các biện pháp điều trị như sử dụng thuốc, châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp và vật lý trị liệu để làm giảm phản ứng viêm, phục hồi khả năng của bao gân ngón tay sau thời gian bị viêm. Ở những trường hợp tiến triển nặng có thể sẽ được chỉ định phẫu thuật.

 

Bên cạnh việc dùng thuốc để giảm viêm đau thì bạn cần kết hợp với các biện pháp vật lý trị liệu, bao gồm:

- Dừng tất cả các hoạt động gây ảnh hưởng đến gân ngón tay.

- Cho ngón tay của bạn nghỉ ngơi, hạn chế các vận động không cần thiết.

- Sử dụng băng đai bảo vệ cổ tay và ngón tay để cố định ngón tay, hạn chế làm chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn.

- Chườm lạnh lên vùng sưng viêm để giảm đau. Lưu ý, chỉ nên chườm từ 10 - 15 phút mỗi lần và mỗi ngày chỉ nên chườm lạnh từ 3 - 4 lần là tối đa.

- Sử dụng băng dán cơ thể thao để trợ lực cho ngón tay trong quá trình vận động.

 

Để phòng ngừa chứng viêm gân gấp ngón tay bên cạnh việc cho ngón tay và bàn tay nghỉ ngơi phù hợp sau quá trình vận động căng thẳng, người bệnh cũng cần thực hiện một số bài tập để tăng cường cơ bắp ở tay và cải thiện khả năng vận động.

return to top