✴️ Gây tê cục bộ

  1. Cách sử dụng

Bác sĩ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố khi quyết định bệnh nhân cần gây tê cục bộ, vùng hoặc gây mê toàn thân. Gây tê cục bộ thường phù hợp trong những tình huống:

Tiểu phẫu và không cần gây tê vùng hoặc gây mê toàn thân.

Thủ thuật thực hiện nhanh và người bệnh không cần nằm viện qua đêm.

Không cần phải thả lỏng các cơ hoặc bệnh nhân không cần phải bất tỉnh.

Một vài trường hợp được thực hiện gây tê cục bộ như: thủ thuật trong nha khoa, sinh thiết và loại bỏ mụn cóc, nốt ruồi hoặc đục thủy tinh thể.

  1. Phân loại

Việc phân loại và liều lượng thuốc tê sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, cân nặng, dị ứng, các bệnh lý sẵn có, vị trí và mục đích của thủ thuật.

Bác sĩ sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để ngăn cơn đau xảy ra bằng cách tiêm hoặc xịt hoặc dạng thuốc mỡ. Cơ chế hoạt động của các loại thuốc là tác động lên hệ thống dẫn truyền thần kinh để ngăn việc gửi tín hiệu đến não. Thông thường, sau khoảng vài phút thuốc sẽ phát huy tác dụng và hết tác dụng sau vài giờ. Liều lượng thuốc càng cao thì thời gian càng kéo dài.

Cocaine là thuốc gây tê đầu tiên được sử dụng nhưng ngày nay rất hiếm khi được dùng. Lidocaine hiện là loại gây tê cục bộ phổ biến nhất, nhưng bác sĩ sử dụng các loại thuốc khác nhau cho những mục đích khác nhau. Bupivacaine thường sẽ phù hợp đối với những thủ thuật cần nhiều thời gian, nhưng nó có thể gây đau đớn hơn so với các loại thuốc khác trong khi sử dụng. Vì vậy, bác sĩ gây mê có thể sử dụng lidocaine đầu tiên và sau đó tiêm thêm bupivacaine nếu cần gây tê lâu hơn.

Thuốc gây tê tổng hợp có cấu trúc tương tự như cocaine nhưng nó không có nguy cơ sử dụng sai mục đích như cocaine.

  1. Tác dụng phụ

Một số thuốc có thể gây cảm giác ngứa râm ran và đau trong khi sử dụng và sau khi thuốc hết tác dụng. Ngoài ra có thể có bầm tím, tuy nhiên điều này thường không đáng kể.

Những người được gây mê cục bộ nên cẩn thận không nên tự làm bản thân bị thương khi họ không cảm thấy đau. Ví dụ, cắn vào má sau khi điều trị nha.

Những tác dụng phụ thường xảy ra bao gồm:

  • Mờ mắt, chóng mặt và nôn mửa
  • Đau đầu
  • Co giật cơ bắp
  • Tiếp tục tê, yếu hoặc ngứa ran

Một số người cũng có thể có phản ứng dị ứng và phát ban, ngứa và khó thở. Bên cạnh đó, chứng xanh tím (da trở nên xanh hoặc xám ở những người da tối màu) do có vấn đề về tuần hoàn hoặc không đủ oxy trong máu, điều này đôi khi có thể xảy ra.

 Sử dụng quá liều thuốc gây tê cục bộ cũng có thể dẫn đến co giật, điều này có thể gây đe dọa tính mạng.

  1. Gây tê cục bộ và gây mê toàn thân

Gây tê cục bộ phù hợp đối với những người được thực hiện tiểu phẫu. Một vài loại tiểu phẫu như:

  • Nhổ răng
  • Cắt bỏ u vú
  • Phẫu thuật ống cổ tay
  • Giải phẫu bệnh

Một số phẫu thuật lớn sẽ cần gây mê toàn thân như:

  • Cắt bỏ u ruột
  • Cắt bỏ tử cung
  • Phẫu thuật cột sống
  • Thay khớp

Bác sĩ cho rằng gây tê cục bộ an toàn hơn gây mê toàn thân và nó hiếm khi gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

Những lợi ích của gây tê cục bộ khi so sánh với gây mê toàn thân như:

  • Không khiến người bệnh bất tỉnh
  • Thường không cần bất kỳ chuẩn bị đặc biệt nào
  • Thời gian phục hồi nhanh

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân cảm thấy lo lắng trong khi tiến hành khi được gây tê cục bộ, bác sĩ có thể sử dụng thuốc an thần để giúp họ bình tĩnh lại.

  1. Gây tê cục bộ có an toàn không?

Bác sĩ cho rằng gây tê cục bộ rất an toàn. Đối với tiểu phẫu, nó an toàn hơn gây mê toàn thân. Trong một số trường hợp hiếm, các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Một trong số đó có thể kể tới như ức chế hệ thần kinh trung ương, chức năng hệ thần kinh suy giảm quá mức, điều này dẫn đến giảm nhịp tim và nhịp thở. Tình trạng này có thể dẫn tới ngừng tim nếu máu không bơm được tới tim.

Một số người cũng có thể có phản ứng dị ứng, dẫn tới phát ban, sưng và khó thở. Phản ứng dị ứng mức độ nặng được gọi là sốc phản vệ - tình trạng cấp cứu và cần được cấp cứu ngay lập tức.

Biến chứng khác có thể là co giật. Mặc dù tình trạng này hiếm khi xảy ra nhưng thường xảy ra ở trẻ em hơn người lớn.

Vì những lý do kể trên, mặc dù gây tê cục bộ nhìn chung là an toàn nhưng chỉ những người có chuyên môn mới nên thực hiện.

  1. Chuẩn bị trước khi gây tê cục bộ

Nếu một người sắp được phẫu thuật hoặc các thủ thuật cần phải gây tê cục bộ, bác sĩ nên giải thích về những gì cần chuẩn bị trước với bệnh nhân.

Người bệnh nên thông báo với bác sĩ nếu họ đang dung bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc làm loãng máu như aspirin hoặc warfarin.

Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh kiêng ăn trước khi phẫu thuật vài giờ. Ngoài ra, không sử dụng đồ uống có cồn trong vòng 24 giờ trước gây tê cũng rất quan trọng.

Bác sĩ sẽ không tiến hành thủ thuật nếu người bệnh không cảm thấy tê. Mặc dù người bệnh sẽ không cảm thấy đau trong quá trình thực hiện nhưng họ vẫn có thể cảm thấy áp lực.

Tùy thuộc vào loại thủ thuật và mức độ lo lắng của bệnh nhân mà bác sĩ có thể sử dụng thêm thuốc an thần. Điều này sẽ giúp bệnh nhân bình tĩnh và bớt lo lắng.

Bệnh nhân sẽ được sử dụng máy nhỏ kẹp ngón tay để theo dõi lượng oxy máu. Trong những ca hiếm, người bệnh có thể phải thở máy để cung cấp thêm oxy.

  1. Các ứng dụng khác

Bác sĩ cũng có thể sử dụng gây tê cục bộ nhằm giúp chẩn đoán các bệnh mãn tính và giảm đau sau khi phẫu thuật.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy gây tê cục bộ có thể có lợi hơn opioids, chẳng hạn như morphine, trong việc giảm đau sau khi phẫu thuật thay thế toàn bộ đầu gối.

Một nghiên cứu từ năm 2010 đã cho thấy: gây tê cục bộ làm giảm một số triệu chứng trong bệnh viêm ruột ở chuột. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định rằng các loại thuốc có hiệu quả tương tự ở người hay không.

  1. Tổng kết

Gây tê cục bộ giúp ngăn ngừa cơn đau xảy ra trong khi thực hiện tiểu phẫu bằng các gây tê một khu vực cụ thể trên cơ thể. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể cảm thấy áp lực trong suốt quá trình thực hiện.

Bất kỳ ai thực hiện bất kỳ loại gây tê nào đều phải được đào tạo và có đủ trình độ chuyên môn cần thiết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top