✴️ Viêm gân vôi hóa

Nội dung

Viêm gân vôi hóa là tình trạng gây ra bởi các chất cặn lắng canxi tích tụ lại bên trong cơ hoặc gân cơ. Nếu như canxi tích tụ tại các vị trí đó thì bệnh nhân sẽ có cảm giác đau và khó chịu.

Mặc dù tình trạng này có thể xuất hiện ở các vị trí khác trên cơ thể nhưng vị trí thường gặp nhất là ở vùng chóp xoay. Đây là vị trí của các nhóm cơ và gân có nhiệm vụ cung cấp sức mạnh và sự ổn định cho vùng cánh tay và vai.

Sử dụng thuốc hoặc vật lý trị liệu, hay sự kết hợp của cả hai biện pháp thường có thể chữa trị được tình trạng này hiệu quả, nhưng phẫu thuật đôi khi cũng cần được thực hiện trong một số trường hợp.

Triệu chứng của viêm gân vôi hóa

Hầu hết các bệnh nhân đều cảm thấy đau và khó chịu tại vùng vai khi viêm gân vôi hóa tiến triển.

Cơn đau của viêm gân vôi hóa thường sẽ tập trung ở mặt trước hoặc sau của vai và chạy xuống cánh tay.

Một số bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng nặng nề. Họ không thể cử động tay, và cơn đau có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Khi canxi tích tụ theo từng giai đoạn, cơn đau có thể sẽ đột ngột xuất hiện hoặc giảm đi dần dần chậm rãi.

Có ba giai đoạn:

  • Tiền vôi hóa: Cơ thể sẽ trải qua các thay đổi về tế bào tại những vùng tích tụ canxi.
  • Vôi hóa: Canxi phóng thích ra từ các tế bào và tích tụ dần dần. Trong giai đoạn này, cơ thể sẽ tái hấp thu phần canxi lắng đọng đó, quá trình này sẽ gây đau nhất trong tất cả các giai đoạn.
  • Hậu vôi hóa: Các chất cặn lắng canxi biến mất, và phần gân lành sẽ xuất hiện trở lại.

Tuy nhiên việc mắc bệnh mà không có triệu chứng rõ ràng cũng có thể xảy ra.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các bác sĩ cũng không thể biết chắc chắn được lý do tại sao mà một số người lại có xu hướng mắc phải viêm gân vôi hóa hơn những người khác.

Viêm gân vôi hóa thường gặp ở những người từ 40 đến 60 tuổi, nữ nhiều hơn nam.

Sự tích tụ của các cặn lắng canxi có thể có liên quan đến các yếu tố sau:

  • Lão hóa
  • Tổn thương gân
  • Thiếu oxy trong gân
  • Di truyền
  • Hoạt động bất thường của tuyến giáp
  • Tế bào phát triển bất thường
  • Các hoạt chất mà cơ thể tự sản sinh ra để chống lại quá trình viêm
  • Các bệnh về chuyển hóa, bao gồm đái tháo đường

Chẩn đoán viêm gân vôi hóa

Nếu như cơn đau tại vai không khỏi, nên đi khám ngay. Ở phòng khám, các bác sĩ sẽ ghi nhận lại các triệu chứng và tiền căn bệnh lý của bệnh nhân.

Bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng tại vùng tổn thương để kiểm tra tầm vận động và mức độ của cơn đau

Nếu như bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc viêm gân vôi hóa thì sẽ cho chỉ định thực hiện các kỹ thuật hình ảnh học để kiểm tra xem có các cặn lắng canxi hay bất thường gì tại khớp vai hay không.

Hình ảnh Xquang có thể giúp phát hiện các vôi hóa lớn. Hình ảnh siêu âm có thể phát hiện những cặn lắng canxi nhỏ hơn mà Xquang có thể bỏ sót.

Kích cỡ của sự vôi hóa sẽ ảnh hưởng đến quyết định điều trị.

Điều trị viêm gân vôi hóa

Thuốc và vật lý trị liệu là các biện pháp thường dùng để điều trị viêm gân vôi hóa.

Các loại thuốc thường được dùng có chứa các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), loại thuốc này có thể mua mà không cần kê đơn.

Bác sĩ cũng có thể sẽ cho dùng thêm corticoid đường tiêm để làm giảm đau và sưng phù.

Các biện pháp khác cũng có thể dùng để làm giảm các triệu chứng của viêm gân vôi hóa như:

Liệu pháp sóng xung kích ngoài cơ thể

Biện pháp này sử dụng một thiết bị cầm tay để truyền các xung động đến vai, gần với vị trí tích tụ canxi. Các xung động này có thể làm tan các mảng tích tụ.

Thường sẽ được thực hiện một lần mỗi tuần trong vòng ba tuần.

Tần số các xung động càng cao thì càng hiệu quả. Các xung động này có thể gây đau, và các bác sĩ sẽ điều chỉnh mức độ mà bệnh nhân có thể chịu đựng được.

Liệu pháp sóng xung kích xuyên tâm

Biện pháp này cũng tương tự như sóng xung kích ngoài cơ thể, sử dụng một thiết bị cầm tay để truyền các xung động từ tầm thấp đến tầm trung đi đến vùng vai có tích tụ canxi.

Siêu âm trị liệu

Biện pháp này dùng một thiết bị cầm tay để truyền sóng siêu âm đến vị trí tích tụ canxi để làm tan chúng. Thường biện pháp này sẽ không gây đau.

Châm kim qua da

Vùng da tại vị trí tổn thương sẽ được gây tê trước khi dùng kim để tạo ra các lỗ nhỏ trên da.

Các cặn lắng canxi sẽ được rút ra thông qua các lỗ nhỏ đã được tạo ra trước, thường thì máy siêu âm sẽ được sử dụng để định hướng vị trí chính xác.

Phẫu thuật

Hầu hết các bệnh nhân sẽ được điều trị thành công mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, khoảng 10 phần trăm các bệnh nhân sẽ cần được phẫu thuật. Có hai loại phẫu thuật được dùng để rút các cặn lắng canxi.

Phẫu thuật mở là phương pháp sử dụng dao mổ để tạo ra một đường cắt nhỏ, từ đó các cặn lắng canxi sẽ được lấy ra ngoài.

Phẫu thuật nội soi là phương pháp tạo một đường cắt thông vào trong, từ đó sẽ đưa một camera nhỏ vào. Camera này giúp các bác sĩ định vị được vị trí canxi tích tụ và loại bỏ chúng ra ngoài một cách chính xác.

Hồi phục

Vật lý trị liệu được khuyến cáo thực hiện cho các bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ vừa và nặng. Mục tiêu của phương pháp này là thông qua các bài tập nhẹ nhàng để làm giảm bớt cơn đau và sự khó chịu nhằm hồi phục lại được hoàn toàn tầm vận động của bệnh nhân.

Một vài bệnh nhân có thể sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng một tuần, các bệnh nhân khác có thể vẫn còn tiếp tục cảm nhận thấy cơn đau và sự khó chịu, làm giới hạn lại sự cử động và các hoạt động của họ.

Nếu như cần thực hiện phẫu thuật, thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào số lượng, vị trí, kích thước của mảng vôi hóa và loại phẫu thuật. Phẫu thuật mở sẽ có thời gian hồi phục lâu hơn so với nội soi.

Bệnh nhân sau mổ nên sử dụng túi treo tay trong vòng vài ngày đầu để hỗ trợ vùng vai bị tổn thương.

Vật lý trị liệu có thể sẽ kéo dài hơn nếu như có phẫu thuật mở, và bệnh nhân có thể sẽ phải thực hiện vật lý trị liệu trong vòng 6 đến 8 tuần. Sau phẫu thuật nội soi, bệnh nhân có thể cảm thấy tầm vận động và triệu chứng có tiến triển tốt hơn sau 2 đến 3 tuần.

Kết luận

Viêm gân vôi hóa có thể gây đau, khó chịu và giới hạn tầm vận động của bệnh nhân, dù vậy cũng có các bệnh nhân không cảm nhận thấy triệu chứng.

Phần lớn các trường hợp được điều trị bằng thuốc và các thủ thuật nhanh đơn giản tại phòng khám. Các trường hợp nặng hơn thì cần được phẫu thuật và theo sau đó là vật lý trị liệu.

Viêm gân vôi hóa có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên không nên bỏ mặc bệnh do nó cũng có thể gây ra một số biến chứng, ví dụ như rách chóp xoay và bất động vai.

Vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy viêm gân vôi hóa sẽ tái diễn sau khi đã khỏi bệnh. Nhưng bệnh nhân nên cẩn thận theo dõi và thông báo nếu có đợt đau mới xuất hiện.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top