✴️ Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng và quản lý các bệnh mạn tính

Nội dung

ĐIỀU 3. NỘI DUNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TẠI CỘNG ĐỒNG

Tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi để người cao tuổi tự phòng bệnh. Tùy theo điều kiện của từng địa phương để lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp như tài liệu, sách, tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, hội thảo, nói chuyện và các phương tiện truyền thông tin đại chúng.

Hướng dẫn người cao tuổi các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe.

Tổ chức khám sức khỏe để lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi. Khuyến khích tổ chức mạng lưới bác sĩ gia đình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người cao tuổi.

Khám sức khỏe định kỳ người cao tuổi được thực hiện ít nhất một lần một năm (01 lần/năm).

Khám bệnh, chữa bệnh người cao tuổi tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và tại nơi cư trú của người cao tuổi.

Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng người cao tuổi bị tàn tật để phòng ngừa và phục hồi các di chứng do chấn thương, tai nạn hoặc do các bệnh tai biến mạch máu não, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp và các bệnh khác.

 

ĐIỀU 4. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO NGƯỜI CAO TUỔI TẠI CỘNG ĐỒNG

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

Hỗ trợ chi phí đi lại từ trạm y tế xã đến nơi ở của người cao tuổi (đi và về) cho cán bộ y tế để đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi đối với trường hợp người cao tuổi cô đơn bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hỗ trợ chi phí hoặc phương tiện đi lại cho người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đề nghị của trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Định mức hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này được thực hiện theo Thông tư số 21/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18 tháng 02 năm 2011 Quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi.

Trách nhiệm của Trạm y tế xã

Triển khai thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

Cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hằng năm, lập kế hoạch, dự trù kinh phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại địa phương, bao gồm cả khám sức khỏe định kỳ quy định tại Khoản 4, Điều 3 Thông tư này, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 21/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 18 tháng 02 năm 2011, quy định quản lý sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi.

Người nhà, người thân của người cao tuổi có trách nhiệm chủ động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phối hợp với tình nguyện viên và cán bộ y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Người cao tuổi có trách nhiệm tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; phối hợp với tình nguyện viên và cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

Khuyến khích cán bộ y tế nghỉ hưu tham gia tình nguyện viên hoặc tham gia tập huấn cho tình nguyện viên về kiến thức cần thiết trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

 

ĐIỀU 5: PHỐI HỢP VỚI HỘI NGƯỜI CAO TUỔI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Đề nghị Hội người cao tuổi xã, phường, thị trấn phối hợp với Ủy ban nhân dân và trạm y tế cùng cấp trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng, với nội dung cụ thể như sau:

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và phối hợp với trạm y tế xã tổ chức mạng lưới tình nguyện viên để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà.

Tổ chức các hình thức câu lạc bộ người cao tuổi như: Câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời. Tùy điều kiện và yêu cầu của người cao tuổi, Hội người cao tuổi xã, phường, thị trấn phối hợp với trạm y tế xã tổ chức các câu lạc bộ của những người mắc các bệnh mạn tính thường gặp như bệnh đái tháo đường, bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, bệnh sa sút trí tuệ và một số bệnh thường gặp khác.

 

ĐIỀU 6: QUẢN LÝ CÁC BỆNH MẠN TÍNH CHO NGƯỜI CAO TUỔI

Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và các bệnh viện khác lập sổ theo dõi các bệnh mạn tính cho người cao tuổi trong hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi.

Trạm y tế xã có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe, quản lý bệnh mạn tính cho người cao tuổi tại địa phương theo mẫu quy định của Bộ Y tế.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top