Viêm khớp dạng thấp và việc mang thai

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, khi đó hệ miễn dịch của bạn (là hệ cơ quan có chức năng bình thường là bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân lạ có thể gây hại, như vi khuẩn và virus...) sẽ tấn công các khớp vì coi đây là "vật lạ". Tình trạng này gây viêm ở bên trong và xung quanh các khớp, khiến khớp bị sưng, đau và cứng, gây cản trở khả năng chuyển động thông thường của các khớp.

Viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến khớp. Tình trạng viêm mãn tính này có thể lan đến bất cứ phần nào của cơ thể, bao gồm cả tim, phổi, các dây thần kinh và các mạch máu. Viêm khớp dạng thấp thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến cả mắt.  Phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm khớp dạng thấp có thể ngăn chặn hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của những biến chứng này.

Hệ thống sinh sản cũng có thể bị tổn thương trong bệnh viêm khớp dạng thấp. Khía cạnh xấu nhất khi bị bệnh viêm khớp dạng thấp đó là căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai của bạn. Theo một nghiên cứu vào tháng 9 năm 2017, 56% số phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp sẽ có ít con hơn so với mong đợi. Chỉ có 36% số phụ nữ có số con đúng như họ mong đợi, và đa số trong số này đều có con trước khi được chẩn đoán mắc bệnh.

Viêm khớp dạng thấp có thể khiến việc sinh con trở nên khó khăn hơn, nhưng không phải là không thể

Với việc lên kế hoạch cẩn thận và với sự giúp đỡ của bác sỹ và gia đình mình, một phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp vẫn có khả năng sinh con. Điều quan trọng là kiểm soát được tình trạng bệnh viêm khớp trước khi thụ thai và duy trì việc kiểm soát này bằng việc dùng thuốc trong suốt quá trình mang thai. Tất cả quá trình này phải được chẩn đoán và điều trị bởi bác sỹ chuyên khoa về bệnh tự miễn cùng với chuyên gia sản khoa.

 

Những lo lắng của phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp và việc mang thai

“Tôi có thể sẽ không đủ khả năng để chăm sóc cho con”

Về lý thuyết, phụ nữ thường sẽ ở trong giai đoạn thuyên giảm bệnh khi mang thai và sẽ bùng phát bệnh viêm khớp vài tuần sau khi sinh. Nhưng những phụ nữ dùng thuốc đều đặn trong khi mang thai hoặc dùng thuốc trở lại vài tuần sau khi sinh sẽ ít gặp các đợt bệnh bùng phát hơn.

Với những phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp, việc chăm sóc con cái cần có một vài điều chỉnh. Ví dụ như vào những ngày bệnh bùng phát, cần để vài miếng tã lót của em bé trên sàn để bạn giúp trẻ thay tã cho em bé, thay vì để trên bàn thay tã lót vì khi bệnh viêm khớp bùng phát, bạn sẽ không thể bế được em bé đặt lên bàn thay tã lót.

Thay đổi lớn nhất đó là cần nới rộng khoảng cách giữa các lần sinh, vì phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp không thể cùng lúc chăm sóc cho 2 em bé đều dưới 5 tuổi.

“Việc dùng thuốc có thể gây hại tới em bé”?

Nếu bạn dùng thuốc Trexall (methotrexate) hoặc thuốc làm suy giảm miễn dịch như Arava (leflunomide), bạn sẽ cần ngưng dùng thuốc trước khi thụ thai. Tuy nhiên, các loại thuốc điều trị viêm khớp khác, đặc biệt là các thuốc kháng TNF hoặc chặn TNF được cho là tương đối an toàn trong thai kỳ. Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai, hãy trao đổi với bac sỹ để ngưng dùng thuốc tạm thời hoặc đổi sang dùng một loại thuốc khác không ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé.

“Em bé có thể sẽ mang gen di truyền bệnh viêm khớp dạng thấp”?

Đúng là những người có mối quan hệ di truyền với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và sự đột biến trong một số gen, đặc biên là gen HLA có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp, nhưng các yếu tố không di truyền khác, ví dụ như nhiễm virus, nhiễm vi khuẩn, hormone và hút thuốc... cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh viêm khớp.

Vì có sự tham gia của cả di truyền và môi trường trong việc phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp, nên khả năng di truyền của bệnh hiện vẫn chưa được làm rõ. Cho đến nay, các số liệu thống kê cho thấy, không có nhiều cặp mẹ con cùng bị viêm khớp dạng thấp. Do vậy, bạn không nên quá lo lắng.

“Tôi có thể bị vô sinh”?

Chưa có bằng chứng để khẳng định rằng phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp sẽ khó thụ thai hơn những phụ nữ khác. Có thể bởi vì bệnh viêm khớp dạng thấp không làm giảm khả năng sản xuất trứng của buồng trứng, khả năng thụ thai của bạn hoặc sự làm tổ và phát triển của bào thai trong tử cung.

Nếu bạn có kế hoạch mang thai, không nên trì hoãn bởi khi bạn bước sang tuổi 30, khả năng mang thai sẽ giảm đi với tất cả phụ nữ, kể cả phụ nữ khỏe mạnh. Nếu bạn đã cố gắng trong vòng 6 tháng mà không thụ thai thành công, bạn nên cân nhắc đến gặp các chuyên gia về hỗ trợ sinh sản. Đồng thời, luôn tuân theo tất cả những chỉ định của bác sỹ điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp của bạn trong tất cả quá trình này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top