✴️ Xét nghiệm yếu tố dạng thấp và những điều cần biết

1. Bệnh viêm khớp dạng thấp và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người

Bệnh viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý diễn biến mạn tính với biểu hiện tại khớp, ngoài khớp, và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Bệnh thường xảy ra ở các khớp nhỏ và vừa: khớp ngón gần, khớp bàn ngón tay, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn ngón chân. Một số trường hợp có thể xảy ra ở các bộ phận khác như tim, phổi, da, thần kinh,… Nếu bệnh xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể cùng một lúc thì gọi là viêm đa khớp dạng thấp. 

Bệnh viêm khớp dạng thấp thường phổ biến ở những người độ tuổi trung niên và người già. Ở nữ giới, tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn so với nam giới.

a. Nguyên nhân sinh bệnh

Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, có thể liên quan đến yếu tố cơ địa, nhiễm khuẩn và rối loạn đáp ứng miễn dịch. Trường hợp các kháng thể của cơ thể được sản xuất bởi hệ miễn dịch cùng các tế bào bạch cầu di chuyển quá nhiều đến ổ khớp, chúng bao quanh bao hoạt dịch khớp. Tác dụng của bạch cầu và kháng thể là chống lại vi khuẩn và virus, tuy nhiên sự xuất hiện quá nhiều các yếu tố này gây nên phản ứng viêm tại ổ khớp, sinh ra dịch rỉ viêm và các chất viêm. 

Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp còn phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi, chế độ sinh hoạt, các yếu tố di truyền và các yếu tố ngoại cảnh.

b. Triệu chứng bệnh

Những người mắc bệnh có các triệu chứng rõ rệt sau:

  • Cứng khớp vào buổi sáng.
  • Khớp sưng đỏ, có cảm giác đau.
  • Cơ thể mệt mỏi, có sốt nhẹ, có thể sút cân.
  • Viêm xảy ra ở nhiều khớp cùng một lúc (viêm đa khớp dạng thấp).

Bệnh viêm khớp dạng thấp và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người

c. Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Để chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp, người ta thường dựa vào triệu chứng lâm sàng kết hợp với chẩn đoán hình ảnh và kết quả xét nghiệm của bệnh nhân.

Các xét nghiệm thăm dò bệnh gồm có: xét nghiệm yếu tố dạng thấp - RF, xét nghiệm anti - CCP, xét nghiệm ESR (tốc độ máu lắng), chụp X - quang,… Trong đó, xét nghiệm yếu tố dạng thấp và xét nghiệm anti - CCP là hai xét nghiệm quan trọng và chính xác nhất trong chẩn đoán bệnh.

2. Xét nghiệm yếu tố dạng thấp

Xét nghiệm yếu tố dạng thấp - RF (viết tắt của cụm từ Rheumatoid Factor) là xét nghiệm định lượng yếu tố dạng thấp trong máu. Như đã nói, xét nghiệm yếu tố dạng thấp - RF là một xét nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp.

a. Cơ sở của xét nghiệm:

Xét nghiệm yếu tố dạng thấp - RF dựa trên kiểm tra sự có mặt của kháng thể RF trong máu người xét nghiệm. RF là một kháng thể được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể, các kháng thể này là kháng thể tự sinh, chúng tấn công chính các mô của cơ thể bởi vì sự nhầm lẫn các mô cơ thể với các protein lạ xâm nhập vào cơ thể. Vì thế, sự có mặt của kháng thể RF trong máu người luôn luôn ở một giới hạn nhất định, nếu vượt quá giới hạn tức là sự phá huỷ của các tế bào cơ thể càng lớn. Nói các khác là người đó đã bị bệnh viêm khớp dạng thấp. 

Chỉ số RF của người bình thường < 12U/mL.

b. Các bước xét nghiệm yếu tố dạng thấp:

Bước 1: Thăm khám và chuẩn bị

Người nghi ngờ mình bị bệnh viêm khớp dạng thấp nên đến bác sĩ thăm khám. Với các triệu chứng và thông tin cung cấp, bác sĩ sẽ quyết định có hay không có chỉ định xét nghiệm với người này. 

Người này được giải thích về xét nghiệm này (về cách thức, thời gian, chi phí,…) trước khi thực hiện xét nghiệm.

Bước 2: Lấy mẫu xét nghiệm

  • Bệnh nhân cung cấp thông tin cá nhân.
  • Lấy khoảng 3ml máu tĩnh mạch ngoại vi và cho vào ống đựng mẫu (có hay không có chất chống đông đều được).
  • Đem ly tâm mẫu xét nghiệm để tách huyết thanh.

Bước 3: Xét nghiệm

  • Cho mẫu xét nghiệm vào máy xét nghiệm đã cài sẵn chế độ xét nghiệm yếu tố dạng thấp - RF.
  • Cho máy chạy, đợi kết quả.

Bước 4: Trả kết quả

Kết quả được hiển thị sau khi máy làm việc xong. Sau khi có kết quả, sẽ có các trường hợp sau:

  • Kết quả RF < 12 U/mL: lượng yêu tố dạng thấp lưu hành trong máu ở giới hạn bình thường.
  • Kết quả RF bằng hoặc cao hơn 14 IU/ml: Lượng yếu tố dạng thấp lưu hành trong máu ở trên ngưỡng giới hạn bình thường. Có thể gặp trong 1 số bệnh: viêm khớp dangjt hấp, hội chứng Sjogren.
  • Một số trường hợp cho kết quả âm tính nhưng dựa vào các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể cho tiến hành các xét nghiệm khác (anti - CCP, tốc độ lắng máu - ESR, X - quang) để đảm bảo cho việc chẩn đoán được chính xác hơn.

c. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm:

  • Tuổi tác: kết quả xét nghiệm yếu tố dạng thấp RF thường cao ở người già.
  • Thuốc: sử dụng các thuốc chống viêm không steroid, Aspirin có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
  • Người vừa tiêm phòng vắc xin hoặc truyền máu cũng có kết quả xét nghiệm RF dương tính.
  • Máu nhiễm mỡ, huyết thanh đục cũng gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm RF.

Xem thêm: Tổng quan viêm khớp dạng thấp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top