✴️ Viêm loét đại trực tràng chảy máu: Tổng quan và phương pháp điều trị

Tổng quan về viêm loét đại trực tràng chảy máu

Viêm loét đại trực tràng chảy máu là một bệnh mạn tính, gây viêm loét, tổn thương và gây chảy máu ở vùng đại – trực tràng. Những tổn thương mà bệnh gây ra lan tỏa ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, chủ yếu ở vùng trực tràng và giảm dần cho đến đại tràng phải. 

Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh lý nguy hiểm, có xu hướng gia tăng ở các quốc gia phát triển. Bệnh xảy ra ở cả nam và nữ, với tỉ lệ tương đương. Nhóm tuổi khởi phát bệnh là từ 15 – 40 tuổi.

5 nguyên nhân chính gây viêm loét đại trực tràng chảy máu

Nguyên nhân gây bệnh hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra bệnh có liên quan đến các yếu tố sau:

Yếu tố gen

Theo nhiều nghiên cứu, có khoảng 20% người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu có người thân trong gia đình bị bệnh này. Nghiên cứu ở Nhật nhận thấy những người có gen HLA-DRB1*1502 (DR2) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người có genDR4.

Yếu tố nhiễm khuẩn

Nhiễm trùng đường ruột là yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm loét đại trực tràng chảy máu. Yếu tố nhiễm khuẩn có thể gây khởi phát bệnh hoặc trong những đợt tái phát bệnh. Nếu là trường hợp tái phát thì thường liên quan đến các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột như E.Coli, Shigella, Campylobacter…

Yếu tố miễn dịch

Theo nghiên cứu, tự kháng thể pANCA (perinuclear  antineutrophil  cytoplasmic antibodies ) và ASCA (anti – Sacharomyces cerevisiae antibodies ) dương tính ở 80% bệnh nhân bị viêm loét đại trực tràng chảy máu. Đặc biệt tỷ lệ dương tính này còn cao hơn đối với những bệnh nhân có kết hợp viêm xơ chít hẹp đường mật tiên phát.

Yếu tố môi trường

Chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều đồ chiên rán, cay nóng và sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn là nguyên nhân gây bệnh và khiến bệnh ngày càng trở nên trầm trọng. Bên cạnh đó, phụ nữ dùng thuốc tránh thai thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần so với người khác.

Yếu tố tâm sinh lý

Căng thẳng, stress kéo dài là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về đường tiêu hóa, trong đó có bệnh viêm đại trực tràng chảy máu. Trường hợp đã mắc bệnh, nếu thường xuyên căng thẳng cũng khiến bệnh ngày càng trở nên nặng hơn.

Biểu hiện của viêm loét đại trực tràng chảy máu

Viêm loét đại trực tràng chảy máu ở giai đoạn nhẹ thường có những biểu hiện không quá rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với một vài bệnh về đường tiêu hóa khác. Nếu gặp phải những triệu chứng dưới đây, bạn phải đi khám ngay vì nguy cơ mắc bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu là rất cao.

  • Đau bụng.
  • Rối loạn phân, đại tiện phân lỏng hoặc có nhầy máu nhiều lần trong ngày, phân có máu đỏ.
  • Sốt hiếm khi xảy ra, thường ở thể tiến triển nặng hoặc thể có biến chứng.
  • Triệu chứng ngoài tiêu hóa: Đau khớp, viêm màng bồ đào, viêm xơ đường mật.
  • Toàn thân: gầy sút cân, thiếu máu, đôi khi phù do suy dinh dưỡng.

Phương pháp chẩn đoán viêm loét đại trực tràng chảy máu

Có hai cách để chẩn đoán viêm loét đại trực tràng chảy máu để xác định bệnh và tình trạng của bệnh nhằm đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời, chính xác.

Chẩn đoán lâm sàng

Thông qua các biểu hiện của bệnh như đau bụng, rối loạn phân hoặc bị sút cân không rõ nguyên nhân, thiếu máu, suy dinh dưỡng.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Do những triệu chứng của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu khá giống với các bệnh tiêu hóa khác nên việc chẩn đoán lâm sàng đôi khi không được chính xác mà phải dựa vào kết quả của chẩn đoán cận lâm sàng.

Người bệnh sẽ được nội soi đại trực tràng để xác định bệnh và các giai đoạn của bệnh trên hình ảnh nội soi. Phân loại giai đoạn bệnh trên hình ảnh nội soi theo Baron. 

Giai đoạn 0 là giai đoạn đầu của bệnh với biểu hiện niêm mạc nhạt màu, mạch máu dưới niêm mạc mỏng, thưa thớt, thậm chí nếu mới chớm có bệnh thì hình ảnh nội soi không có gì bất thường.

Giai đoạn 1 khi bệnh bắt đầu phát triển mạnh hơn, niêm mạc lần sần và chỉ còn nhìn thấy 1 phần các mạch máu.

Giai đoạn 2 các nếp nhăn niêm mạc biến mất, xuất hiện nhiều ổ loét và không còn nhìn thấy mạch máu dưới niêm mạc, khi đèn nội soi chạm phải thì dễ chảy máu.

Giai đoạn 3 là giài đoạn bệnh nặng, niêm mạc sưng phù, có những ổ loét lớn, niêm mạc chảy máu tự phát.

Ngoài hình ảnh nội soi, các chẩn đoán cận lâm sàng khác để chẩn đoán bệnh gồm mô bệnh học, chụp khung đại tràng, CT scan ổ bụng thành đại tràng và xét nghiệm.

Chẩn đoán thể bệnh dựa vào phạm vị tổn thương trên nội soi đại tràng:

  • Viêm loét trực tràng: tổn thương chỉ ở trực tràng.
  • Viêm loét trực tràng và đại tràng sigma: tổn thương từ trực tràng đến giữa đại tràng sigma.
  • Viêm loét đại tràng trái: tổn thương từ trực tràng lên đến đại tràng góc lách.
  • Viêm loét đại tràng phải: tổn thương từ trực tràng lên tới đại tràng góc gan.
  • Viêm loét đại tràng toàn bộ.

Viêm loét đại trực tràng chảy máu ít khi có tổn thương ở hậu môn và không có tổn thương ở ruột non, trừ trường hợp viêm đoạn cuối hồi tràng (viêm hồi tràng xoáy ngược) trong bệnh cảnh viêm loét đại tràng toàn bộ.

Phương pháp chẩn đoán viêm loét đại trực tràng chảy máu

– Mô bệnh học là tiêu chuẩn chẩn đoán quan trọng

  • ổn thương chỉ ở lớp niêm mạc, dưới niêm mạc, không tổn thương đến lớp cơ.
  • Biểu mô phủ bong tróc, mất bằng phẳng.
  • Cấu trúc khe tuyến bất thường: ngắn lại, mất song song, chia nhánh, giảm số lượng tế bào hình đài hoặc tế bào hình đài cạn kiệt chất nhày.
  • Tương bào thâm nhập xuống lớp mô đệm.
  • Áp xe khe hốc.
  • Xuất huyết niêm mạc, các mạch máu sung huyết.

Không có dấu hiệu gợi ý đến các bệnh khác như: bệnh Crohn, lao, ung thư, viêm đại tràng do vi khuẩn, amip.

– Chẩn đoán hình ảnh:

  • Chụp khung đại tràng: đại tràng dạng ống chì, hình ảnh giả polyp, hẹp đại tràng, phình giãn đại tràng. Hình ảnh chỉ gặp ở giai đoạn bệnh tiến triển nặng.
  • Chụp bụng không chuẩn bị: các quai ruột giãn.
  • CT scan ổ bụng: thành đại tràng dày liên tục nhưng không quá 1,5cm, không có dày thành ở ruột non mà tập trung quanh trực tràng và đại tràng sigma.

– Xét nghiệm:

  • Thiếu máu ở các mức độ tùy vào tinh trạng xuất huyết tiêu hóa kéo dài hay không.
  • Hematocrit thường giảm.
  • Hội chứng viêm: máu lắng tăng, protein phản ứng c (CRP) tăng.
  • Đánh giá mức độ nặng: chia ra 3 mức độ: nhẹ, vừa, nặng

Bảng. Phân độ Viêm loét đại – trực tràng chảy máu

Đặc điểm

Nhẹ

Vừa

Nặng

Số lần đại tiện/ngày

< 4

4-6

> 6

Nhiệt độ (độ C)

< 37,2

37,2-37,8

> 37,8

Mạch (lần/phút)

< 90

90-100

> 100

Máu lắng 1 giờ (mm/giờ)

< 20

20-30

> 30

Albumin máu (g/l)

> 35

30-35

< 30

Hematocrit (%)

Bình thường

30-40

< 30

Sút cân (%)

Không

1-10

> 10

Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu

Bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh khá nguy hiểm nếu không được chữa trị sớm. Vì vậy, khi phát hiện mắc bệnh, bệnh nhân cần được điều trị ngay.

Nguyên tắc điều trị

  • Với trường hợp điều trị lần đầu, nên khởi phát bằng một loại thuốc và đánh giá đáp ứng dựa vào các triệu chứng lâm sàng sau 10 – 15 ngày điều trị.
  • Với trường hợp đã hoặc đang điều trị mà bệnh tiến triển nặng hơn thì hãy bắt đầu lại bằng loại thuốc đang điều trị và kết hợp với một loại thuốc khác.
  • Với trường hợp đã điều trị nhưng lại ngưng điều trị trong một thời gian dài, hãy điều trị lại như trường hợp chưa từng điều trị nhưng bằng một loại thuốc khác so với loại thuốc trước đó đã dùng.
  • Với trường hợp tổn thương tối thiểu ở trực tràng đại tràng sigma, người bệnh nên được kết hợp điều trị tại chỗ bằng viên đặt hậu môn và thuốc thụt.
  • Khi điều trị nên kết hợp điều trị tấn công với điều trị duy trì.

Điều trị nội khoa

Đây là phương pháp điều tri rất tiện lợi và đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, khi điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu bằng nội khoa, cần lưu ý:

  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu trực tràng chảy máu nặng, nên truyền máu cho bệnh nhân ngay để tránh tình trạng thiếu máu, tụt huyết áp.
  • Khi uống thuốc, cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, cung cấp đủ dinh dưỡng và hãy lựa chọn thức ăn mềm, dễ tiêu. Đồng thời, cần tránh những thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ uống có cồn.

Điều trị ngoại khoa

Người bệnh sẽ được chỉ định cắt đoạn đại tràng hoặc cắt toàn bộ trong các trường hợp:

  • Thủng đại tràng
  • Chảy máu ồ ạt khó cầm máu
  • Phình giãn đại tràng nhiễm độc
  • Ung thư hóa hoặc dị sản ở mức độ nặng

Biến chứng của viêm loét đại trực tràng chảy máu

  • Phình giãn đại tràng: thường gặp ở thể viêm loét đại tràng nặng, viêm toàn bộ đại tràng. Đại tràng giãn to chù yếu giãn đại tràng ngang, đường kính > 6cm. Đây là những trường hợp có nguy cơ thủng đại tràng.
  • Thủng đại tràng: bệnh cảnh viêm phúc mạc. Là cấp cứu ngoại khoa.
  • Xuất huyết tiêu hóa:  là triệu chứng của bệnh nhưng trong các đợt tiến triển thấy dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa nặng lên. Khi dấu hiệu phân có máu đỏ tươi số lượng nhiều kèm tình trạng mất máu cần có chỉ định ngoại khoa.
  • Ung thư hóa: viêm loét đại – trực tràng chảy máu có tỉ lệ ung thư hóa cao. Tỉ lệ ung thư chiếm 10-15% sau 10 năm. Nguy cơ ung thư tăng cao trong trường hợp viêm loét toàn bộ đại tràng. Theo dõi bằng nội soi định kỳ và sinh thiết vị trí nghi ngờ. Đồng thời theo dõi các dấu ấn khối u như CEA, CA19.9.

Những lưu ý dành cho bệnh nhân bị viêm loét đại trực tràng chảy máu

Không chỉ người bệnh mà bất cứ ai cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để nắm bắt tình trạng sức khỏe của bản thân. Với người bị viêm loét đại trực tràng, nếu bị rối loại đại tiện, tính chất phân thay đổi hay đau bụng thường xuyên thì cần đến gặp bác sĩ ngay. Đừng để đến khi bị rối loạn, mất máu 2 – 3 ngày liền mới đi kiểm tra. Điều này khiến cho việc chữa trị gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Người bệnh cũng nên quan tâm đến chế độ ăn uống hằng ngày. Hãy bổ sung vào thực đơn hằng ngày nhưng món ăn mềm, dễ tiêu hóa, nhiều chất xơ, tránh ăn rau sống, thịt tái và tránh uống đồ uống có cồn hay sử dụng chất kích thích.

Bên cạnh đó, người bệnh nên hạn chế căng thẳng, stress vì nó có thể khiến bệnh thêm nặng. Hãy giữ tinh thần luôn thoải mái, lạc quan để đánh bay bệnh tật.

Biện pháp phòng ngừa viêm loét đại trực tràng chảy máu

Viêm loét đại trực tràng chảy máu rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nên thay vì cố gắng chữa trị, chúng ta hãy áp dụng những biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu để không cho bệnh này ghé thăm.

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, hãy:

  • Ăn uống khoa học: Bữa ăn hằng ngày nên có nhiều thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, ăn thực phẩm nhiều chất xơ, ít dầu mỡ. Tránh xa đồ cay nóng, chất kích thích và đồ uống có cồn.
  • Sinh hoạt điều độ: Hãy cân bằng thời gian và sức lực. Nên giành cho bản thân khoảng thời gian nhất định để nghỉ ngơi. Tránh làm việc quá sức, căng thẳng, stress kéo dài. Luôn giữ tinh thần khỏe khoắn, thoải mái và sảng khoái nhất.
  • Vận động thường xuyên: Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để có được một cơ thể khỏe mạnh, giúp phòng tránh hiệu quả bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Hãy thực hiện khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần để nắm bắt được tình trạng sức khỏe của mình. Khám sức khỏe giúp phát hiện các bất thường sớm để đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời, hiệu quả.

Trên đây là những thông tin hữu ích về bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu. Hy vọng với bài viết này, bạn có thể xây dựng cho mình một thói quen chăm sóc sức khỏe tốt để luôn giữ cho mình được khỏe mạnh, tránh xa bệnh tật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top