✴️ Điều gì xảy ra nếu cơ thể thiếu vitamin B6?

1. Vai trò của vitamin B6 với cơ thể 

Các vitamin nhóm B đặc biệt là vitamin B6 đều rất cần thiết cho sự hoạt động ổn định của nhiều cơ quan trong cơ thể.

  • Vitamin B6 tham gia vào rất nhiều quá trình phản ứng trong cơ thể, hoạt động như một coenzyme giúp cơ thể tổng hợp nhiều loại chất dẫn truyền thần kinh như taurine, serotonin, histamine, gamma-aminobutyric acid, norepinephrine và serotonin,... cùng với nhiều axit amin cần thiết khác.  
  • Đóng vai trò xúc tác trong chuyển hóa glycogen, đạm, chất béo trong cơ thể.
  • Duy trì nồng độ đường có trong máu.
  • Tham gia tổng hợp hemoglobin, giúp tái tạo máu và duy trì mạch máu khỏe mạnh.
  • Chống sỏi thận, tăng cường sự bài tiết oxalat. 
  • Bảo vệ hệ tim mạch, giảm cholesterol.
  • Duy trì các chức năng của não bộ, giúp tâm trạng trở nên tốt hơn, giảm stress.
  • Tăng cường hệ miễn dịch.

2. Thiếu vitamin B6 gây ra bệnh gì?

Vitamin B6 tham gia vào rất nhiều phản ứng chuyển hóa trong cơ thể. Nếu bạn bị Thiếu vitamin B6, bạn sẽ phải chịu những hậu quả về mặt sức khỏe, tuy không nghiêm trọng nhưng về lâu dài thì nó có thể gây ra hậu quả khôn lường. 

Nếu cơ thể bạn bị thiếu vitamin B6, bạn sẽ phải trải qua những tình trạng sau:

2.1. Mệt mỏi, thiếu năng lượng

Hàm lượng vitamin B6 thấp sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu máu do không thể sinh hemoglobin. Không chỉ vậy, vitamin B6 giúp tổng hợp các hormone hạnh phúc nên thiếu vitamin B6 đồng nghĩa với việc cơ thể không tự sản sinh được serotonin, điều đó cũng có thể là một trong số những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy chán chường và mệt mỏi.

2.2. Phát ban

Phát ban là hiện tượng thứ hai bạn gặp phải khi cơ thể thiếu hụt vitamin B6. Do sự thay đổi hóa học trong cơ thể, bạn có thể bị phát ban, tróc da và ngứa da mặt. Đây là tình trạng viêm da dầu khi bị thiếu vitamin B6. 

Theo thời gian, nếu không được bổ sung vitamin B6 đầy đủ, tình trạng viêm da dầu sẽ trở nên rõ ràng hơn. Nếu bạn chỉ bị thiếu vitamin B6 nhẹ thì những triệu chứng này có thể mất đi nhanh chóng và có thể xuất hiện sau vài tháng hoặc vài năm.

2.3. Khô, nứt nẻ môi

Ngoài phát ban và tróc da thì việc môi của bạn bị khô, nứt nẻ cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thiếu hụt vitamin B6. Môi của bạn có thể sẽ bị bong tróc da, khóe môi có thể bị nứt thậm chỉ chảy máu. Nhiều trường hợp thiếu vitamin B6 còn bị sưng lưỡi.

 Thiếu hụt vitamin B6 có thể là nguyên nhân của tình trạng nứt nẻ môi

 Thiếu hụt vitamin B6 có thể là nguyên nhân của tình trạng nứt nẻ môi

2.4. Suy giảm hệ thống miễn dịch

Vitamin B6 có tác dụng giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch và  giúp cơ thể chống lại nhiều bệnh tật. Các bệnh như ung thư cũng có thể khiến lượng vitamin B6 trong cơ thể bị suy giảm và dần cạn kiệt. 

Chính vì thế, bạn cần phải bổ sung vitamin B6 thường xuyên để bù lại phần đã mất để đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Người bị thiếu vitamin B6 cũng có hệ miễn dịch bị suy yếu và dễ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng,...

2.5. Tê tay chân

Vitamin B6 và các vitamin nhóm B khác đều có quan hệ mật thiết với hệ thần kinh và có tác dụng giúp bảo vệ các dây thần kinh khỏe mạnh. Chính vì thế nên khi bị thiếu hụt vitamin B6 bạn có thể bị mắc các bệnh về thần kinh. Thiếu vitamin B6 sẽ kích hoạt sự khởi phát của bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên. Điều này khiến bạn bị tê tay, ngón tay hay bàn chân. 

2.6. Sương mù trí não

Như đã nói ở trên, vitamin B6 rất quan trọng đối với hệ thần kinh. Thiếu hụt vitamin B6 sẽ gây ra hàng loạt những ảnh hưởng cho não bộ. Hiện tượng sương mù trí não gồm có những triệu chứng như không thể tập trung, trí nhớ kém, hay nhầm lẫn, thiếu sáng suốt,... Ở người già, những triệu chứng này cũng có thể do thiếu vitamin B6

Tình trạng thiếu hụt vitamin B6 nếu để lâu khiến bạn có nguy cơ cao bị đột quỵ, trầm cảm, gãy xương hông,...

Thiếu hụt vitamin B6 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư

Thiếu hụt vitamin B6 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư

2.7. Ung thư

Các nhà khoa học gần đây đã nghiên cứu và chỉ ra rằng thiếu vitamin B6 có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư dạ dày, ung thư thực quản hoặc bệnh ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

2.8. Trẻ quấy khóc nhiều

Ở trẻ em, việc thiếu hụt vitamin B6 có thể khiến trẻ bị nóng, sốt, giấc ngủ không sâu, ngủ chập chờn, buồn nôn. Đối với các bé nhạy cảm, bé sẽ dễ bị giật mình, rất nhạy cảm với tiếng ồn và dễ trở nên khó chịu, nặng hơn có thể bị co giật. Tình trạng này thường xảy ở trẻ dưới 6 tháng tuổi do chỉ bú sữa mẹ. 

2.9. Tình trạng ốm nghén nghiêm trọng hơn

Trong thời kỳ mang thai, bà bầu thường bị ốm nghén và nếu cơ thể bị thiếu vitamin B6 thì những cơn ốm nghén sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với người bình thường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bổ sung đủ vitamin B6 trong thai kỳ sẽ giảm thiểu được mức độ buồn nôn khi bị ốm nghén. Đây cũng là một trong những dấu hiệu thiếu vitamin B6 rất dễ nhận biết.

3. Nên bổ sung vitamin B6 cho cơ thể bằng cách nào?

Nếu bạn đang thắc mắc tại sao thiếu vitamin B6 thì câu trả lời là đa số do bữa ăn của bạn chưa cân bằng dinh dưỡng.

Mỗi ngày 1 người cần khoảng trên 1,3mg vitamin B6. Tùy vào độ tuổi mà lượng vitamin B6 cần thiết sẽ khác nhau. Đối với người lớn hơn 50 tuổi, lượng vitamin B6 cần thiết là khoảng 1,7mg đối với nam giới và 1,5mg đối với phụ nữ. Phụ nữ mang thai cần vitamin B6 nhiều hơn các đối tượng khác, khoảng 1,9mg/ngày. 

Nguồn vitamin B6 phổ biến nhất bạn có thể tìm đến đó chính là trong các loại thực phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm giàu vitamin B cũng như vitamin B6 là:

  • Thịt gà.
  • Gan bò, thịt bò.
  • Cá hồi, cá ngừ.
  • Quả bơ.
  • khoai tây, khoai lang, ngô.
  • Ngũ cốc nguyên hạt.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm vitamin B6 dưới dạng thực phẩm chức năng. Các loại thuốc chứa vitamin tổng hợp đều được bổ sung lượng vitamin đầy đủ nhất, trong đó có vitamin B6. 

Hãy chắc chắn rằng bạn đã tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống. Việc thừa vitamin B6 có thể dẫn đến những tổn thương dây thần kinh, khiến bạn bị buồn nôn, ợ nóng. Giới hạn an toàn cho cơ thể là dưới 100mg/ngày.

Có thể bạn quan tâm:

- Thiếu vitamin B9

- Thiếu vitamin B12

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top