Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (RDA)

Nội dung

Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (Recommended dietary allowance, viết tắt RDA) là mức tiêu thụ năng lượng và các thành phần dinh dưỡng đầy đủ để duy trì sức khỏe, sự sống. Bảng RDA cho người Việt Nam được Bộ Y tế xây dựng, giới thiệu nhu cầu về: năng lượng, 3 chất sinh năng lượng (đạm, chất béo, bột đường); chất khoáng; vitamin; nước và các chất điện giải.

Nhu cầu khuyến nghị về năng lượng mỗi ngày cho người Việt (kcal). Nguồn: Viện Dinh dưỡng.

Dựa trên đặc điểm về kinh tế - xã hội, điều kiện lao động, tầm vóc thể lực người Việt, RDA có tác động toàn diện đến cả 3 đối tượng: người tiêu dùng, đơn vị quản lý, nhà sản xuất.

Căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng theo tuổi, giới tính, sinh lý, loại hình lao động, mọi người có thể đối chiếu để hiểu được bản thân và gia đình cần bao nhiêu lượng chất trong một ngày. Từ đó xây dựng thói quen lựa chọn thực phẩm phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe tốt.

Để dễ áp dụng vào đời sống, bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam hướng dẫn, với thực phẩm tự nhiên, mẹ có thể sử dụng tháp dinh dưỡng dạng đĩa. Cụ thể, một bữa ăn cân đối mỗi ngày gồm: 1/4 chất bột đường; 1/4 chất đạm, 1/2 còn lại rau và trái cây.

Ví dụ với một học sinh tiểu học, một bữa ăn 2 chén cơm (2 nắm tay), sữa ít nhất 2 đơn vị sữa (tương đương 200ml), có thể kết hợp ngũ cốc pha với sữa để dùng cho bữa sáng. Một tuần, trẻ ở các tuổi lứa tuổi khác nhau có thể ăn 3-4 quả trứng. Bổ sung nhiều loại trái cây, rau củ vào thực đơn như bông cải, cà rốt, ớt chua, nấm, hạt đậu...

Tháp dinh dưỡng dạng đĩa.

RDA cũng là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách xác định nhu cầu về số lượng, chủng loại lương thực, thực phẩm để đề xuất với Nhà nước, đưa ra kế hoạch sản xuất, xuất nhập khẩu hợp lý, đảm bảo an ninh thực phẩm quốc gia, dinh dưỡng hộ gia đình.

Theo kết quả cuộc Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành, có đến 57,2% số người trưởng thành (18 đến 69 tuổi) ăn ít rau, trái cây so với mức khuyến nghị. Tiêu thụ muối của người Việt Nam cao gấp 2 lần và có đến 28,1% số người thiếu hoạt động thể lực.

Dựa trên RDA và thực trạng các con số này, nhiều chiến lược quan trọng được đưa ra. Một trong số đó là Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng gồm các giải pháp: bổ sung liều cao, đa dạng hóa bữa ăn, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Đồng thời cũng có những nghiên cứu, khuyến khích xây dựng quy định liên quan đến việc công bố thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.

Nhãn dinh dưỡng (Nutrition labelling) thể hiện thành phần và giá trị dinh dưỡng hàng ngày (Percent of Daily Value, gọi tắt % DV). Giá trị dinh dưỡng hàng ngày cho biết sản phẩm cung cấp bao nhiêu % nhu cầu dưỡng chất đó của cơ thể. Ví dụ trên bao bì ghi 15% canxi, nghĩa là thực phẩm đó cung cấp 15% canxi nhu cầu mỗi ngày, con số 15% này tính trên mức nhu cầu năng lượng mỗi ngày 2.000kcal đối với người đàn ông ít vận động.

Hiểu rõ mức nhu cầu khuyến nghị mỗi ngày sẽ giúp bạn biết cách lên thực đơn phù hợp cho mọi thành viên gia đình.

Các doanh nghiệp ngành thực phẩm cũng có thể căn cứ vào bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị để làm cơ sở nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường sản phẩm thích hợp, phục vụ số đông. Đây cũng là phương thức gián tiếp khuyến khích đơn vị sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.

Xa hơn nữa, RDA có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo khoa học trong các nghiên cứu cơ bản, giáo dục truyền thông, tư vấn dinh dưỡng, giảng dạy...

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top