Tim của bạn bắt đầu đập từ khi bạn vẫn còn trong tử cung của mẹ và tiếp tục đập cho đến khi bạn trút hơi thở cuối cùng. Trái tim là một bó cơ, kích cỡ chỉ bằng bàn tay của bạn, có vai trò như một “động cơ” giữ cho máu lưu thông, mang theo các chất dinh dưỡng và oxy đến các tế bào và thải bỏ các chất cặn bã khỏi cơ thể.
Giữ cho trái tim của bạn hoạt động tốt đòi hòi tim phải được nuôi dưỡng thật tốt. Có một hệ thống động mạch phức tạp nuôi dưỡng những sợi cơ tim. Bất kì trở ngại nào ảnh hưởng đến sự lưu thông thông suốt của máu qua các động mạch này đều ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của tim.
Giải thích về LDL và HDL
Cholesterol được mang theo trong dòng máu được gọi là lipoprotein. Lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL) và Lipoprotein tỉ trọng cao (HDL) là hai dạng chính của lipoprotein vận chuyển cholesterol trong cơ thể chúng ta.
LDL vận chuyển cholesterol từ gan đến các tế bào khác. Nồng độ LDL cao có thể dẫn đến lắng đọng mỡ ở thành động mạch. Do đó, LDL cholesterol thường được biết với cái tên là cholesterol xấu.
HDL vận chuyển cholesterol trở lại gan để loại bỏ ra khỏi cơ thể. HDL cholesterol thường được biết với cái tên là cholesterol tốt.
Nếu như tổng lượng cholesterol và hàm lượng LDL cholesterol quá cao, hàm lượng HDL cholesterol quá thấp, các động mạch của bạn sẽ có nguy cơ bị chèn ép bởi cholesterol lắng đọng gọi là các mảng bám. Việc thu hẹp các động mạch theo thời gian, nếu không được kiểm soát sẽ làm giảm tốc độ máu chảy, từ từ làm đói cơ tim. Trong trường hợp nguy cấp, dòng chảy của máu có thể hoàn toàn bị cản trở, làm chết các cơ tim mà sau đó dẫn đến các cơn đau tim. Đối với cơn đột quỵ, máu không thể chảy lên não.
Xây dựng chế độ ăn hợp lí có thể làm giảm cholesterol và như vậy sẽ làm giảm nguy cơ các cơn đau tim và đột quỵ. Dưới đây là 4 lời khuyên giúp bạn chiến đấu với bệnh cholesterol máu cao.
Duy trì cân nặng phù hợp
Vòng bụng to ra, vòng đời ngắn lại là một châm ngôn phổ biến mà đúng sự thật. Nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng thừa cân hay béo phì và tăng số đo vòng bụng gây nên nhiều thay đổi hóa sinh trong cơ thể, như tăng nguy cơ cholesterol máu cao, tăng huyết cao và tiểu đường. Tất cả những tình trạng đó làm tăng nguy cơ tổn thương động mạch, tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch và làm các cơn đau tim xuất hiện sớm
Vì thế hãy thường xuyên kiểm tra cân nặng của bạn. Nếu như bạn thừa cân, hãy ăn ít lại và tập thể dục nhiều hơn để giảm vài kí. Như vậy, kể cả khi bạn không đạt được cân nặng lý tưởng so với chiều cao chiều cao của mình thì giảm một chút cân nặng cũng rất có ích.
Ăn ít chất béo
Chúng ta cần một vài chất béo trong chế độ ăn cho cơ thể để nó hoạt động một cách nhịp nhàng. Tuy nhiên, chất béo chứa một nguồn năng lượng dồi dào, do đó ăn quá nhiều chất béo có thể cung cấp thừa năng lượng và có thể dẫn đến thừa cân và béo phì.
Chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa đơn, chất béo không bão hòa đa và chất béo chuyển hóa là 4 loại chất béo tìm thấy trong thực phẩm mà chúng ta ăn. Chất béo và dầu trong thực phẩm là hỗn hợp các dạng chất béo. Tuy nhiên trong mỗi thực phẩm luôn có tỷ lệ một loại chất béo cao hơn. Ví dụ như, loại chất béo chính tìm thấy trong hầu hết các loại hạt là chất béo không bão hòa đơn, trong khi đó loại chất béo chính tìm thấy trong bơ là chất béo bão hòa.
Hãy lựa chọn chất béo một cách khôn ngoan
Hiện nay, chúng ta đều biết rằng mỗi loại chất béo thì có ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe. Do đó, dưới đây là cách để bạn có thể đưa ra những sự lựa chọn thông minh:
Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa
Giảm tối thiếu chất béo chuyển hóa
Sử dụng các loại dầu không bão hòa lành mạnh
Giảm lượng cholesterol tiêu thụ
Trong chế độ ăn, cholesterol chỉ tìm thấy trong thực phẩm hay đồ uống có nguồn gốc động vật chứ không có trong thực phẩm nguồn gốc thực vật. Hoa quả, rau, ngũ cốc hay hạt không chứa bất kì hàm lượng cholesterol nào
Cơ thể chúng ta cũng tạo nên cholesterol bởi vì nó cần thiết cho sức khỏe. Vì vậy ăn nhiều thực phẩm tự nhiên giàu cholesterol sẽ làm cho cơ thể phải tiết chế hàm lượng cholesterol trong máu. Một vài người may mắn có gan có thể cắt giảm lượng cholesterol được tạo ra khi ăn chế độ ăn giàu cholesterol. Tuy nhiên, những người khác thì không may mắn như vậy và gan tiếp tục sản xuất ra cholesterol, cùng với lượng cholesterol hấp thu từ chế độ ăn, làm tắc nghẽn các mạch máu với các mảng bám.
Thực phẩm giàu cholesterol bao gồm thịt nội tạng (như gan, thận, não), lòng đỏ trứng và tôm cua. Hãy tiêu thụ vừa phải thịt nội tạng, tôm cua và ăn không quá 4 quả trứng một tuần.
Chế độ ăn có ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả và các loại rau
Chế độ ăn có ngũ côc nguyên hạt (như gạo lứt, bánh mì đen, yến mạch), các loại rau, hoa quả và đậu sẽ giúp làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu. Rất nhiều thực phẩm loại này là nguồn cung cấp chất xơ hòa tan mà có khả năng bám vào cholesterol trong ruột, hạn chế hấp thu và tăng bài tiết cholesterol. Những loại thực phẩm này cũng giàu vitamin, chất khoáng và các dưỡng chất từ thực vật có lợi cho sức khỏe, có tác dụng làm giảm nguy cơ bệnh tim
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh