✴️ Bí mật của loài hoa chuông tím

Hoa chuông tím được đưa vào y học là do đâu?

Cây mao địa hoàng là một loài cây mọc thành những lùm cây nhỏ cao chỉ khoảng 50cm. Ngọn cây có thể dài gấp 3 lần so với thân gốc và nảy ra những nụ hoa chuông màu tím rất đẹp.

hoa chuông tím

Cây hoa chuông tím là một loài cây mọc thành những lùm cây nhỏ cao chỉ khoảng 50cm

Chính vì sự xinh xắn của cây và sự sặc sỡ của hoa mà chúng rất hay được trồng làm cảnh ở các nước phương Tây, tại các vị trí ven cửa ra vào. Nó là loại cây có một hoạt chất siêu mạnh để điều trị bệnh suy tim. Và đó chính là sợi dây kết nối loại cây mao địa hoàng với y học của nhân loại.

Sở dĩ cây có tác dụng như thế là vì nó chứa trong thân mình một hoạt chất vô cùng quý. Đó là các glycosid cường tim. Chúng có các loại như digitoxin, digoxin, digitoxingenin, digoxinenin…
Đây là những hoạt chất siêu mạnh với tế bào cơ tim.

Nó có khả năng kích thích tế bào cơ tim co bóp khỏe để đủ sức tống đẩy máu ra khỏi tim, một điều mà người ta đang hết sức chờ đợi trong điều trị suy tim. Song bên cạnh sự hữu ích đến vô vàn như thế, người ta thật không thể ngờ được nó lại có những “hồ sơ chết” ngay trong thân cây. Nó có thể cứu người ngay tức khắc nhưng cũng có thể giết người chỉ trong vài phút.

 

Bí mật của loài hoa chuông tím

Vào những năm 1780, bác sĩ người Anh William Withering đã phát hiện ra dược tính của loại cây này. Và cũng từ đó, hàng loạt những tác dụng tai hại độc tính cũng được tìm ra. Chính vì tác dụng chốt giữ canxi trong tế bào mà cây có thể gây tử vong cho người bệnh.

Người ta phát hiện ra rằng, không chỉ lá mà toàn bộ thân cây cũng như hoa và hạt đều có thể gây tử vong. Để khẳng định điều này, người ta đã làm thí nghiệm nghiên cứu về tính an toàn của dịch chiết của loài mao địa hoàng và thấy rằng, ở nồng độ cao, dịch chiết mao địa hoàng có thể giết chết hoàn toàn một lô chuột, một lô thỏ thí nghiệm.

Thậm chí nếu cố tình nuôi một con chó với dịch chiết hoa chuông tím liều quá cao thì con chó có thể chết ngay lập tức. Điều đáng nói là liều mà ta gọi là “quá cao” của dịch chiết này thì chỉ bằng hoặc tương đương với liều thông dụng đến bình thường của nhiều thảo dược thông dụng khác.

Chính vì mức độ độc này mà cây mao địa hoàng còn được mang thêm các biệt danh khác là cây khai tử và loài hoa chuông chết. Mức độ độc của cây còn được ghi nhận trên người. Mặc dù tài liệu lịch sử không ghi rõ tên, tuổi, thời điểm cụ thể của những cái chết do mao địa hoàng nhưng với những con số quan sát được và bằng những phép tính suy diễn logic, người ta đã ước lượng được liều gây chết của loài cây hoa tím này.

Cây mao địa hoàng còn được mang thêm các biệt danh khác là cây khai tử và loài hoa chuông chết

Theo những tính toán cụ thể, người ta ước lượng liều gây chết của cây là từ 2-5g lá cây tươi. Liều lượng này có thể gây chết một người đàn ông khỏe mạnh nặng 50-70kg. Nếu chúng ta vô tình ăn phải lá cây, thân cây hay là uống nước sắc, nước chiết của cây thì chỉ cần 2g dịch chiết, 2g lá tươi hoặc 5g lá khô thì biến chứng xảy ra là tệ hại. Gần như 100% nạn nhân tử vong.

Năm 2000, một phụ nữ 39 tuổi người Pháp là nạn nhân điển hình của mao địa hoàng. Đây là một phụ nữ trung tuổi và bị bệnh trầm cảm nặng do chồng chết vì bệnh suy tim. Người phụ nữ này bị thập tử nhất sinh vì uống phải dịch chiết mao địa hoàng và phải vào Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Henri Mondor, Pháp trong tình trạng co giật, nôn mửa, nhịp tim rất nhanh, tiếng tim mạnh, suy thận mức độ vừa, nhiễm kiềm chuyển hoá và rối loạn nhịp tim hoàn toàn (nhĩ thất phân ly).

Ban đầu, người ta không thể tìm ra được loại dược chất gây ngộ độc. Vì nạn nhân không có biểu hiện điển hình. Nhưng sau khi nhìn thấy những dấu hiệu ngộ độc trên điện tim, người ta đã tìm ra manh mối ngộ độc là glycosid cường tim. Trong vườn nhà phụ nữ này trồng nhiều cây mao địa hoàng và nghe theo lời mách bảo, bà đã dùng dịch chiết của cây mao địa hoàng chữa suy tim. Bà đã uống dịch chiết của cây và kết cục là bị ngộ độc nặng. May mắn thay, bà đã được cấp cứu kịp thời và thoát chết.

hoa chuông tím

Cây mao địa hoàng còn được mang thêm các biệt danh khác là cây khai tử và loài hoa chuông chết

Cho đến nay, bệnh suy tim vẫn chưa thể thanh toán, loại thuốc cường tim cũng chưa thể cho vào dĩ vãng. Hoa chuông tím vì thế mà vẫn không thể mất đi vai trò của nó trong liệu trình tim mạch. Song với những gì mà nó tiềm ẩn, chúng ta không thể lơ là trong sử dụng. Nên nhớ, nó có thể là vị cứu tinh trong điều trị quy chuẩn, nhưng nó cũng có thể là “đại sứ tử thần” khi chúng ta dùng không đúng cách.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top