✴️ Hướng dẫn sử dụng thuốc Metoclopramide

Tên chung quốc tế: Metoclopramide.

Mã ATC: A03F A01.

Loại thuốc: Chống nôn. Thuốc chẹn thụ thể dopamin. Thuốc kích thích nhu động dạ dày – ruột.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 5 mg, 10 mg, siro 5 mg (base)/5 ml, ống tiêm 5 mg/ml.

Hàm lượng và liều dùng của các dạng thuốc hiện có được biểu thị theo metoclopramid base khan hoặc theo metoclopramid hydroclorid khan.

1. Dược lý và cơ chế tác dụng của thuốc Metoclopramide

Metoclopramid là chất phong bế thụ thể dopamin, đối kháng với tác dụng trung ương và ngoại vi của dopamin, làm các thụ thể ở đường tiêu hóa nhạy cảm với acetylcholin. Thuốc làm tăng nhu động của hang vị, tá tràng, hỗng tràng. Metoclopramid giảm độ giãn phần trên dạ dày và tăng độ co bóp của hang vị. Vì vậy kết hợp 2 tác dụng trên làm dạ dày rỗng nhanh và giảm trào ngược từ tá tràng và dạ dày lên thực quản. Các tác dụng này quan trọng trong sử dụng metoclopramid như một thuốc tăng nhu động. Tính chất chống nôn của metoclopramid là do tác dụng kháng dopamin trực tiếp lên vùng phát động hóa thụ thể và trung tâm nôn và do tác dụng đối kháng lên thụ thể serotonin – 5HT3.

Metoclopramid được hấp thu nhanh và hoàn toàn sau khi uống, nhưng chuyển hóa qua gan lần đầu làm giảm khả dụng sinh học của thuốc còn khoảng 75%. Thuốc phân bố nhanh vào hầu hết các mô và dễ dàng qua hàng rào máu – não và nhau thai.

Nồng độ thuốc trong sữa có thể cao hơn trong huyết tương. Tới 30% thuốc thải trừ ở dạng không đổi qua nước tiểu, số còn lại thải trừ qua nước tiểu và mật sau khi liên hợp với sulfat hoặc acid glucuronic. Nửa đời sinh học của thuốc trong tuần hoàn vào khoảng 4 – 6 giờ, nhưng cũng có thể tới 24 giờ ở người bệnh suy giảm chức năng thận hoặc xơ gan.

Khi tiêm bắp, thuốc bắt đầu tác dụng sau 10 đến 15 phút, khi tiêm tĩnh mạch sau 1 – 3 phút, và khi uống, sau 30 – 60 phút.

2. Chỉ định của thuốc Metoclopramide

Metoclopramid được dùng để điều trị một số dạng buồn nôn và nôn do đau nửa đầu, điều trị ung thư bằng hóa trị liệu gây nôn hoặc nôn sau phẫu thuật. Thuốc ít tác dụng đối với nôn do say tàu xe.

Vì thuốc dung nạp tốt khi tiêm tĩnh mạch liều cao, metoclopramid được sử dụng rộng rãi để trị nôn trong điều trị ung thư bằng hóa chất. Khi sử dụng thuốc có khả năng gây nôn mạnh như cisplatin hoặc cyclophosphamid, có thể cần đến các thuốc chống nôn mạnh hơn (như các chất đối kháng với thụ thể serotonin – 3).

Metoclopramid cũng được sử dụng đối với trào ngược dạ dày – thực quản hoặc ứ đọng dạ dày. Thuốc có thể dùng để giúp thủ thuật đặt ống thông vào ruột non được dễ dàng và làm dạ dày rỗng nhanh trong chụp X – quang.

3. Chống chỉ định của thuốc Metoclopramide

Metoclopramid chống chỉ định đối với người bệnh động kinh vì có thể làm cơn động kinh nặng hơn và mau hơn. Người bệnh xuất huyết dạ dày – ruột, tắc ruột cơ học, hoặc thủng ruột có thể bị nặng thêm do kích thích nhu động dạ dày – ruột.

Thuốc cũng chống chỉ định với người bị u tế bào ưa crom, vì có thể gây cơn tăng huyết áp, đặc biệt ở những người nhạy cảm.

4. Thận trọng

Dùng metoclopramid thận trọng đối với người bệnh hen hoặc tăng huyết áp. Dùng metoclopramid cho người hen có thể tăng nguy cơ co thắt phế quản. Tiêm tĩnh mạch metoclopramid có thể làm cho tình trạng bệnh của người tăng huyết áp xấu đi do giải phóng catecholamin.

Thận trọng khi dùng cho trẻ nhỏ, thiếu niên và người cao tuổi. Trẻ em thường nhạy cảm hơn người trưởng thành đối với các tác dụng của metoclopramid.

Cần thận trọng đối với người có tổn thương thận hoặc người có nguy cơ giữ nước như trong trường hợp tổn thương gan.

Thận trọng đối với người bệnh bị Parkinson, người có tiền sử trầm cảm hoặc có ý định tự sát và sau nối ruột.

Thuốc có thể gây buồn ngủ, phải thận trọng khi lái xe, điều khiển máy. Phải chú ý bất cứ động tác không tự chủ nào xảy ra (thí dụ co cứng cơ, hoặc động tác co giật bất thường nào ở đầu và mặt), đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi.

Thời kỳ mang thai

Metoclopramid qua được nhau thai đủ tháng và chưa có nghiên cứu đầy đủ trên người để xác định dùng metoclopramid cho người mang thai là an toàn. Vì vậy không nên dùng metoclopramid trong thời kỳ mang thai để chống nôn và làm dạ dày rỗng nhanh. Dùng trong 3 tháng cuối thai kỳ, các thuốc an thần đã gây các triệu chứng ngoại tháp kéo dài nhưng hồi phục được ở trẻ em. Tác dụng này thường gặp đối với tất cả các thuốc tác dụng đối kháng với thụ thể dopamin.

Thời kỳ cho con bú

Metoclopramid bài tiết qua sữa mẹ, nhưng chưa thấy có vấn đề đối với trẻ đang bú. Nên cân nhắc khi sử dụng metoclopramid khi cho con bú do thuốc có khả năng gây tác dụng mạnh lên hệ thần kinh trung ương.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Metoclopramide

Metoclopramid có tác dụng đối kháng dopamin và có thể gây ra những triệu chứng ngoại tháp, thường xảy ra phản ứng loạn trương lực cơ cấp, đặc biệt ở những người bệnh nữ trẻ.

Hội chứng Parkinson và rối loạn vận động muộn đôi khi xảy ra, thường ở người cao tuổi điều trị kéo dài.

Metoclopramid kích thích tiết prolactin, có thể gây tiết sữa nhiều hoặc các rối loạn liên quan. Tăng tạm thời nồng độ aldosteron huyết tương đã được thông báo.

Thường gặp, ADR > 1/100

Tiêu hóa: Ỉa chảy.

Thần kinh trung ương: Buồn ngủ, phản ứng ngoại tháp như loạn trương lực cơ cấp và chứng ngồi, nằm không yên.

Cơ xương: Mệt mỏi và yếu cơ bất thường.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Tuyến vú: Cảm giác sưng.

Da: Ngoại ban.

Tiêu hóa: Táo bón, buồn nôn, khô miệng bất thường.

Thần kinh trung ương: Ðau đầu, trầm cảm, chóng mặt.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Máu: Mất bạch cầu hạt.

Tuần hoàn: Hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, nhịp tim nhanh hoặc không đều.

Cơ quan khác: Tác dụng ngoại tháp, hội chứng Parkinson (khó nói hoặc khó nuốt, mất thăng bằng, mặt giống mặt nạ, đi lê chân, cứng đờ cánh tay hoặc cẳng chân, run tay hoặc ngón tay).

Da: Mày đay.

6. Hướng dẫn cách xử trí ADR

Nguy cơ triệu chứng ngoại tháp có thể giảm bằng cách dùng liều hàng ngày dưới 500 microgam/kg cân nặng. Nếu triệu chứng không giảm, nên ngừng thuốc.

7. Liều lượng và cách dùng của thuốc Metoclopramide

Nói chung trong tất cả các trường hợp tổng liều hàng ngày không nên quá 0,5 mg/kg trọng lượng cơ thể. Cần phải giảm liều trong các trường hợp suy gan, thận và khi dùng thuốc này cho trẻ nhỏ để đề phòng phản ứng loạn trương lực cơ (dystonia).

Liều thường dùng:

  • Từ 15 – 19 tuổi: 5 mg/lần, 3 lần/ngày (với cân nặng 30 – 59 kg trở lên), nếu người nặng 60 kg trở lên: 10 mg/lần, 3 lần/ngày.
  • Từ 9 – 14 tuổi: 5 mg/lần, 3lần/ngày (với cân nặng 30 kg trở lên).
  • Từ 5 – 9 tuổi: 2,5 mg/lần, 3 lần/ngày (với cân nặng 20 – 29 kg).
  • Từ 3 – 5 tuổi: 2 mg/lần, 2 – 3 lần/ngày (với cân nặng 15 – 19 kg).
  • Từ 1 – 3 tuổi: 1 mg/lần, 2 – 3 lần/ngày (với cân nặng 10 – 14 kg).
  • Trẻ dưới 1 tuổi và cân nặng dưới 10 kg dùng 1 mg/lần, 2 lần/ngày.

Ðiều trị trào ngược dạ dày thực quản:

Trẻ em: 0,1 mg/kg/liều uống (dùng siro), 1 ngày dùng 3 lần trước bữa ăn

Người lớn: 10 – 15 mg/liều uống (dùng viên nén); uống 30 phút trước bữa ăn và trước khi đi ngủ, 3 lần 1 ngày, hoặc 10 mg/liều tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch trước bữa ăn.

Phòng nôn do hóa trị liệu:

Người lớn: ( hóa dược có tiềm năng gây nôn mạnh)
2 mg/kg truyền tĩnh mạch trong vòng ít nhất 15 phút, và có thể lặp lại khi cần cách 2 hoặc 3 giờ 1 lần; ( hóa dược có tiềm năng gây nôn thấp 1 mg/kg có thể đủ). Tổng liều dù truyền liên tục hay gián đoạn thông thường không được vượt quá 10 mg/kg trong 24 giờ.

Ðề phòng nôn sau phẫu thuật:

Người lớn: Tiêm bắp 10 – 20 mg lúc gần kết thúc phẫu thuật.

Ghi chú: Ðể truyền tĩnh mạch metoclopramid tiêm cần được pha loãng trong 50 ml dung dịch như dextrose 5%, natri clorid 0,9%, dextrose 5% trong 0,45% natri clorid, Ringer hoặc Ringer lactat

8. Tương tác thuốc

Rượu có thể làm tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương của metoclopramid, sử dụng đồng thời cũng làm rượu thoát khỏi dạ dày nhanh, do đó tốc độ và mức độ hấp thu rượu từ ruột non có thể tăng.

Metoclopramid đối kháng với hiệu lực của bromocriptin và pergolid.

Dùng đồng thời metoclopramid với suxamethonium có thể gây kéo dài (phụ thuộc liều dùng) tác dụng chẹn thần kinh cơ do suxamethonium.

Sử dụng metoclopramid ở người dùng phenothiazin tăng mạnh nguy cơ tác dụng ngoại tháp.

Hấp thu thuốc từ dạ dày hoặc ruột non có thể bị thay đổi do metoclopramid (ví dụ hấp thu digoxin và cimetidin bị giảm, hấp thu ciclosporin tăng).

Các chất chống tiết cholin và thuốc ngủ gây nghiện có thể đối kháng với tác dụng trên dạ dày ruột của metoclopramid.

9. Ðộ ổn định bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ trong khoảng 15 và 300C, tránh ánh sáng.

Thuốc tiêm metoclopramid sau khi pha, có thể bảo quản tới 48 giờ nếu tránh ánh sáng.

Dung dịch metoclopramid pha với dung dịch natri clorid 0,9%, có thể bảo quản đông lạnh được tới
4 tuần.

10. Tương kỵ

Metoclopramid tiêm tương kỵ với cephalotin natri và các cephalosporin khác, cloramphenicol natri, calci gluconat, erythromycin lactobionat, furosemid, cisplatin, methotrexat, penicilin G kali và natri bicarbonat.

11. Quá liều và xử trí

Triệu chứng: Triệu chứng ngoại tháp: lú lẫn, tình trạng ngủ gà, (nặng). Các triệu chứng này cũng có thể gặp khi dùng liều bình thường nhưng hiếm, đặc biệt hay gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi, và khi sử dụng liều cao để điều trị nôn và buồn nôn do thuốc chống ung thư.

Ðiều trị: Dùng diphenhydramin 50 mg tiêm bắp hoặc benzatropin 1 – 2 mg tiêm bắp.

12. Thông tin qui chế

Metoclopramid có trong danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam ban hành lần thứ 4 năm 1999.

Thuốc độc bảng B.

Thành phẩm giảm độc: Thuốc đặt có hàm lượng tối đa là 20 mg, thuốc viên có hàm lượng tối đa là 10 mg.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top