Cơ thể con người có 3 loại cơ (cơ vân, cơ tim và cơ trơn). Cơ trơn (cơ tạng) bao xung quanh các tạng rỗng (đường ruột) hay các ống dẫn trong cơ thể (đường mật, tiết niệu, tử cung, âm đạo, mạch máu, phế quản, tiểu phế quản…). Sự co thắt của cơ trơn nằm ngoài ý muốn của con người, có nghĩa là con người không điều khiển được sự hoạt động của chúng.
Con người không điều khiển được cơ trơn trong cơ thể nên khi có vấn đề, cơ trơn cần một loại thuốc riêng biệt để giảm mức độ đau. Thuốc thường rất có hiệu quả với các chứng đau ở hệ tiêu hóa nhưng khi sử dụng cần đặc biệt lưu ý vì có thể làm mờ triệu chứng của bệnh nặng hoặc xuất hiện những phản ứng không mong muốn của cơ thể.
Thuốc giảm co thắt cơ trơn hoạt động thế nào?
Cơ trơn cấu tạo nên hệ cơ nội quan như ống tiêu hoá (thực quản, dạ dày, ruột), phế quản, tiểu phế quản, bàng quang, niệu quản, niệu đạo, tử cung, thành mạch máu, cơ mống mắt, cơ mi, cơ dựng lông, các ống dẫn của các tuyến. Sự co thắt của cơ trơn nằm ngoài ý muốn của con người, có nghĩa là chúng ta không điều khiển được sự hoạt động của chúng.
Nhóm thuốc giãn cơ trơn có tác dụng làm giãn các cơ trơn, làm giảm cường độ và nhịp độ co bóp của cơ trơn, từ đó hỗ trợ giảm đau. Nhóm thuốc này được sử dụng nhiều trong điều trị những cơn đau do co thắt đường tiêu hóa, đường mật, tiết niệu và đường sinh dục.
Khi sử dụng cần đặc biệt lưu ý vì thuốc có thể làm mờ triệu chứng của bệnh nặng hoặc xuất hiện những phản ứng không mong muốn trên cơ thể.
Thuốc thường dùng và những lưu ý cần thiết
Có nhiều loại thuốc giảm đau chống co thắt cơ trơn nhưng thường gặp là drotaverine và alverin citrate. Cả hai loại đều có tác dụng giảm đau nhưng lại có những lưu ý khi sử dụng và tác dụng phụ rất khác nhau.
Drotaverine: Thuốc được bào chế bao gồm loại uống và loại tiêm. Cả hai dạng này đều có tác dụng ngang nhau. Sau khi uống sẽ hấp thu hoàn toàn sau 12 phút. Với loại thuốc tiêm, thời gian bắt đầu tác dụng sau khi tiêm là 2 - 4 phút, tối đa sau 30 phút. Thuốc được dùng để điều trị các cơn đau do co thắt cơ trơn trong bệnh dạ dày ruột như trong các bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng, hội chứng ruột bị kích thích…). Ngoài ra, drotaverine còn làm giảm đau trong các bệnh đường mật như cơn đau quặn mật và các co thắt đường mật do viêm nhiễm khuẩn, sỏi, giun chui ống mật và túi mật; giảm các cơn đau quặn thận (do sỏi hoặc do u) và các co thắt đường tiết niệu (viêm nhiễm, sỏi, ứ đọng nước tiểu do chèn ép) và bệnh về sinh dục (đau bụng kinh, dọa sẩy thai, co cứng tử cung ở phụ nữ).
Thuốc có thể gây một số tác dụng không mong như buồn nôn, nôn, chóng mặt, nhức đầu, đánh trống ngực, đặc biệt có thể gây tụt huyết áp khi tiêm tĩnh mạch nhanh, nếu không xử trí kịp thời có thể nguy hiểm, một số người khi sử dụng có thể bị dị ứng. Do vậy, trong quá trình sử dụng, nếu tiêm tĩnh mạch phải tiêm thật chậm và không dùng cho người bệnh Parkinson đang dùng levodopa vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Ngoài ra, khi bị cơn đau do co thắt mà chưa đến được bệnh viện thì người bệnh chỉ nên dùng liều lượng vừa đủ giảm cơn đau theo hướng dẫn sử dụng thuốc (dạng uống), nếu cơn đau không giảm hay tái phát nhiều lần thì phải đến khám tại cơ sở y tế, không nên tự ý tăng liều hay dùng dài ngày vì sẽ làm lu mờ triệu chứng bệnh, dễ dẫn đến chủ quan và đến khám muộn. Chẳng hạn, viêm túi mật, nếu dùng nhiều lần thuốc giảm đau chống co thắt dễ dẫn đến việc thăm khám bị muộn, sẽ nguy hiểm.
Alverin citrate: Đây là một trong các thuốc có tác dụng trực tiếp lên cơ trơn, làm giảm chứng sưng phù và cơn đau co thắt ở phần dưới dạ dày (vùng bụng) cho nên được sử dụng để làm giảm chứng đau do viêm loét dạ dày - tá tràng và các bệnh đường ruột, viêm đại tràng co thắt và bệnh túi thừa. Alverin cũng có thể được sử dụng để giúp làm giảm hoặc cắt cơn đau trong kỳ kinh nguyệt với phụ nữ. Những người mắc bệnh tắc hoặc bán tắc ruột, liệt ruột (liệt cơ năng, liệt thực thể) và theo khuyến cáo, trẻ em dưới 12 tuổi không thích hợp với thuốc này. Ngoài ra, đối với vận động viên đang thi đấu cũng không nên dùng vì viên đạn đặt hậu môn có chứa một hoạt chất có thể gây phản ứng dương tính khi kiểm tra chống doping.
Ở một số người, alverin có thể gây nên một số tác dụng không mong muốn như buồn nôn, đau đầu, chóng mặt. Khi dùng thuốc có biểu hiện đi tiêu ra máu, táo bón nặng, sốt, chảy máu hoặc tiết dịch bất thường ở âm đạo thì cần đến bệnh viện khám sớm. Đặc biệt, nếu có biểu hiện khó thở, thở hụt hơi, thở khò khè, sưng mặt (có thể có ở các bộ phận khác), các phản ứng dị ứng (mẩn ngứa hoặc phát ban da). Có thể gây tác dụng xấu cho gan (vàng da và mắt) thì cần ngừng ngay thuốc này và đến cơ sở y tế để được khám càng sớm càng tốt nhằm tránh tình trạng xấu hơn xảy ra với cơ thể.
Giống như các loại thuốc giảm đau khác, người không có chuyên môn về y, dược không tự động mua thuốc để sử dụng. Và trước khi sử dụng (có đơn thuốc của bác sĩ), cần đọc kỹ trước khi sử dụng (liều lượng ra sao, uống vào lúc nào). Khi thấy có dấu hiệu bất thường, cần ngừng ngay và báo cho bác sĩ biết hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí kịp thời.
Lưu ý những tác dụng ngoại ý
Buscopan có thể gây khô miệng, rối loạn bài tiết mồ hôi, tim đập nhanh và bí tiểu có thể xảy ra, nhưng thường nhẹ. Chú ý, không dùng buscopan dạng uống cho bệnh nhân bị tăng nhãn áp khép góc cũng như bệnh nhân bị tắc ruột hay tắc nghẽn đường tiểu và bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nhanh. Không dùng buscopan ở dạng tiêm trong những trường hợp rối loạn tăng nhãn áp, phì đại tuyến tiền liệt kèm bí tiểu, hẹp cơ học đường tiêu hóa, nhịp tim nhanh, nhược cơ.
Tác dụng không mong muốn của atropin có thể xuất hiện khi dùng thuốc như: khô miệng, khó nuốt, khó phát âm, tăng cảm giác khát, sốt, giảm tiết dịch ở phế quản. Đối với trường hợp phì đại tuyến tiền liệt (gây bí tiểu), liệt ruột hay hẹp môn vị, nhược cơ, glôcôm góc đóng hay góc hẹp (làm tăng nhãn áp và có thể thúc đẩy xuất hiện glôcôm)..., không được dùng atropin. Trên hệ tim mạch có hiện tượng chậm nhịp tim thoáng qua, sau đó là nhịp tim nhanh, trống ngực và loạn nhịp. Atropin có tác động lên hệ thần kinh nên có thể gây lú lẫn, hoang tưởng và dễ bị kích thích... Trẻ em và người cao tuổi rất dễ gặp các tác dụng không mong muốn này.
Dùng atropin nhỏ mắt, nhất là ở trẻ em có thể gây ra ngộ độc toàn thân hoặc dùng nhỏ mắt kéo dài có thể gây kích ứng tại chỗ, sung huyết, phù và viêm kết mạc. Ngoài ra, thuốc có thể gây giãn đồng tử, mất khả năng điều tiết của mắt, sợ ánh sáng.
Mặc dù độc tính của papaverin thấp sau khi uống, nhưng trên thực tế, đã có những trường hợp dùng thuốc bị tác dụng phụ về tiêu hóa (buồn nôn, táo bón, chán ăn, tiêu chảy), viêm gan và quá mẫn gan, chóng mặt, ngủ gà, an thần, ngủ lịm, nhức đầu... được thông báo. Phải dùng papaverin một cách thận trọng ở người bệnh tăng nhãn áp. Không dùng thuốc trong thời gian dài vì có thể dẫn đến phụ thuộc vào thuốc. Cần ngừng dùng papaverin khi có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, vàng da hoặc khi những kết quả xét nghiệm chức năng gan biến đổi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh